Thursday, March 3, 2022

RƯỢU ĐẾ "MADE IN USA"

Đối với dân sành rượu và thích uống ngon, cái tên Rượu Đế Ông Già và lò rượu SuTi ở Texas chắc không còn mấy xa lạ. Xuất hiện trước công chúng chưa đầy một năm, sản phẩm độc nhất vô nhị này đã trở thành gần như một “huyền thoại” trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Ai có dịp đến vùng Dallas-Fort Worth mà không ghé thăm nơi này thì quả là một sự thiếu sót, bởi rồi đây nó sẽ được biết đến như khởi điểm cho ngành rượu đế ở Mỹ. Nói thế có quá lời không? Tôi tin rằng không!

Lò nấu rượu Ông Già (ảnh do SuTi cung cấp)

“Tiểu sử” Ông Già

Nhìn lại lịch sử rượu Bourbon ở Mỹ, ta chỉ có thể đoán chừng nó đến từ di dân Tô-Cách-Lan hay Ái-Nhĩ-Lan cách đây vài thế kỷ. Họ mang những hiểu biết và kinh nghiệm làm whisky truyền thống của mình sang thế giới mới nhưng dùng vật liệu của đất nước sở tại, bắp chẳng hạn, để chế biến ra một thứ whisky mà ngày nay gọi là Bourbon. Từ đâu mà rượu này có tên Bourbon cũng chẳng ai rành, vì thuở xa xưa đâu ai nghĩ tới việc ghi chép lại. Có rượu uống là vui rồi. Chắc lúc ban đầu whisky Bourbon chỉ do những cá nhân cất nấu ở nhà để chia sẻ với gia đình, bè bạn. Dần dà sinh ra những lò rượu nho nhỏ, rồi từ đó lớn mạnh lên.

Từ khi có đợt di dân người Việt đầu tiên sang Mỹ năm 1975, mãi đến bây giờ ta mới thấy xuất hiện một lò rượu đế đường đường chính chính, được tivi báo chí Mỹ đến phỏng vấn, làm phóng sự. Nói theo kiểu Texas: “It’s the real deal, man!” – “Thứ thiệt đó nghen cha nội!”

Như khởi thủy của Bourbon, rượu đế Ông Già cũng bắt đầu từ một người tập nấu rượu ở nhà như một thú tiêu khiển. Lúc ban đầu anh ấy cũng học cách nấu từ những người từng làm đế ở Việt Nam. Rồi từ đó anh thí nghiệm thêm với những chất liệu có sẵn ở Mỹ thay vì phải đem qua từ Việt Nam. Như men chẳng hạn. Nhiều người cho rằng như thế thì không còn là đế Việt Nam nữa. Rằng đế phải như thế này, phải như thế kia thì mới đúng kiểu đúng cách. Nhưng Đinh Trọng Súy, tên của anh chàng nấu rượu nghiệp dư, lại không nghĩ vậy.

Anh Đinh Trọng Súy (trái) và anh Ngô Thời Tiến – hai nhân vật chính cho ra đời sản phẩm rượu đế Việt trên đất Mỹ (ảnh do SuTi cung cấp)

Là kỹ sư điện tử, đồng thời khoái nấu nướng và kén ăn, Súy nấu rượu như một người đầu bếp: Phải nấu sao cho thật ngon, thật hợp khẩu vị, bằng bất cứ nguyên liệu gì có thể kiếm được. Đối với anh, chuyện nấu nướng vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Tất cả đều phải tuân thủ các quy luật của tạo hóa – vật lý, hóa học, địa chất, mùa màng, sinh học…, kể cả tâm linh.

Từ khi “được” hãng telecom cho về hưu non trong đợt khủng hoảng kinh tế 2008, Súy dành hầu hết thời giờ cho niềm đam mê mới. Như một nhà khoa học, anh làm việc rất kỷ luật và nguyên tắc, ghi chép tất cả dữ kiện, data cho mỗi lần thí nghiệm để có thể lặp lại nếu ra kết quả tốt. Mọi biến số đều được viết xuống, kể cả nhiệt độ trong ngày, trời khô hay ẩm v.v. Súy bỏ nhiều thì giờ trên internet để đọc, tìm tài liệu, tự học và nghiên cứu các phương pháp nấu rượu khác nhau trên thế giới, đặc biệt là những loại rượu trắng không màu. Anh thử đủ loại men và loại gạo khác nhau. Vợ của Súy, cô Trang-Anh, kể rằng mỗi lần đi chợ mà thấy có hiệu gạo nào mới là chị đều gọi về hỏi chồng xem muốn mua bao nhiêu ký để về nấu thử…

“Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn!”. Trường hợp của hai vợ chồng Súy y như vậy. Không những không màng chuyện chồng mình dùng nhà bếp và garage để làm rượu, Trang-Anh còn khuyến khích. Cứ thế, năm này qua tháng nọ, “tay nghề” của Súy ngày càng cao. Mỗi lần có tiệc tùng với bạn bè là Súy lại đem cho họ thử mẻ rượu mới nhất của mình. Súy kể thêm, một trong những lý do anh muốn làm rượu đế cũng vì mỗi khi đi nhậu bạn bè chỉ uống toàn rượu Tây như cognac hay whisky. Nhưng có lần anh gặp một người tên Cường, dân Cái Răng, hướng dẫn cách nấu rượu đế nên từ đó anh bắt đầu làm thử.

Cụng ly… Ông Già (ảnh do SuTi cung cấp)

Từ những chiếc nồi thủ công nho nhỏ, dần dà bộ đồ nghề của Súy ngày càng hiện đại. Công thức nấu rượu do anh tự mò mẫm tìm ra cũng ngày càng bài bản khoa học hơn, có thể lặp lại được trong nhiều điều kiện khác nhau, như nhiệt độ hay thời tiết, cũng như sự tương ứng của các loại men. Súy thổ lộ, một trong những kinh nghiệm quan trọng nhất anh khám phá là phải hiểu con men. Anh nói nó là một sinh vật. Như con người, nó cũng cần được ăn uống, tẩm bổ, nghỉ ngơi đúng mức thì mới có thể làm việc tốt. Trong quá trình thử nghiệm, anh bỏ thì giờ xem mỗi loại men thích ăn thức ăn nào, cần ăn khi nào, nhiều ít ra sao… Đó chính là bí quyết giúp tạo ra chất cồn tốt nhất, ngon nhất!

Chính vì những đòi hỏi chính xác như vậy nên ngay từ đầu anh đã quyết định không dùng men nhập từ Việt Nam, vì anh không biết được các thành phần trong đó có những gì, nhất là nếu nó đến từ Trung Quốc với nhiều mùi vị thuốc Bắc. Gạo cũng vậy. Thay vì dùng gạo Thái Lan hay gạo Việt Nam, anh dùng gạo ở Mỹ. Rất tình cờ anh tìm ra được một loại gạo thơm trồng ở Louisiana tên là Jazzmen có thể cho ra mùi rượu thơm dịu dàng, dễ chịu. Nhờ thế nên khi quyết định mở lò rượu, anh đã có sẵn nguồn gạo, không cần chở đến từ xa. Như các tay đầu bếp giỏi thường hay nói, món ăn ngon nhất thường được làm từ những vật liệu gần ta nhất, vì nó tươi nhất và hạp với phong thổ nhất.

Nhưng nấu rượu cho bạn bè uống chơi là một chuyện, mở lò rượu để bán cho thiên hạ lại là chuyện khác. Nó không dễ dàng như mở tiệm nail hay nhà hàng. Có cả rừng luật lệ kiểm soát kỹ nghệ sản xuất rượu bia, từ liên bang đến tiểu bang, xuống cho đến “quận huyện” và thành phố. Chưa kể đủ loại thuế má phải khai với chính quyền. Khó khăn khổ cực là thế, cớ chi hai vợ chồng Súy-Anh lại muốn nhào vô, trong khi chỉ chừng chục năm nữa là họ có thể về hưu khoẻ re?

Đằng sau “Ông Già” thấp thoáng bóng ai?

Một hôm nọ vào năm 2016, trong một buổi đi xe đạp với người anh em bên sui gia tên Ngô Thời Tiến làm nghề kiến trúc, Súy khoe là mình đang thử nấu rượu và “uống cũng được lắm”. Sau khi nếm thử, Tiến thấy “có lý”. Thế là mỗi cuối tuần, Tiến ghé sang nhà Súy để học làm rượu. Từ đó vợ chồng Tiến và vợ chồng Súy gặp nhau mỗi cuối tuần để thử các loại rượu gạo khác nhau cùng những món ăn để so sánh với rượu của Súy. Cuối cùng, mọi người công nhận rằng có những món ăn rất hợp với rượu đế và khẩu vị người Việt. Thế là ý tưởng làm rượu để bán bắt đầu nhen nhúm, nhưng không phải từ Súy mà là từ vợ anh, cô Trang-Anh.

Rượu Ông Già sản xuất không đủ bán (trong ảnh là chị Trang-Anh, vợ anh Súy) – (ảnh do SuTi cung cấp)

Trang-Anh kể rằng một hôm cô có một giấc mơ lạ. Trong mơ, cô gặp một cậu bé nói với cô rằng cậu ta là đệ tử của Thánh St. Martin de Tours. Thức giấc, cô bèn lên internet tìm hiểu thì phát hiện St. Martin là vị thánh tổ của nghề làm rượu. Cho rằng đây là thiên ý, cô bèn thuyết phục Súy hãy vững tâm tiến hành việc hợp tác với Tiến mở lò rượu. Nhưng là một người cẩn trọng, Súy vẫn còn lưỡng lự. Trong khi đó, anh Tiến cũng cần có sự đồng thuận của Mỹ-Hoàng, vợ mình. Chị Mỹ-Hoàng kể rằng thật ra chị đã ủng hộ ý tưởng kinh doanh này ngay từ đầu. Chị tin họ sẽ thành công vì thấy cách làm việc nghiêm túc của Súy, lúc nào cũng muốn làm sao cho ra được chai rượu ngon nhất. Điều khiến chị yên tâm là Súy không bao giờ nghĩ đến việc đi tắt đón đầu, không hề nghĩ đến việc hạ thấp phẩm chất để bán cho được nhiều.

Phải gọi đây thật sự là một cuộc phiêu lưu đầy tính rủi ro bởi vì một khi hai bên bắt tay vào việc, cô y tá Mỹ-Hoàng đã phải rút tiền từ quỹ hưu trí 401K để hùn vốn cho chồng làm ăn (và dĩ nhiên phải đóng thuế khá cao). Nhưng Hoàng nói thà vậy còn hơn là đi mượn đầu này đầu kia từ gia đình hay bè bạn. Mặc dù không góp tay trực tiếp vào công việc của chồng nhưng sự ủng hộ về mặt tài chánh cũng như tinh thần của Hoàng đã giúp rất nhiều cho những bước đầu của công ty SuTi – ghép từ hai chữ “Súy” và “Tiến”.

Phần mình, cô Trang-Anh cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Để được cấp bằng hành nghề, SuTi cần một địa điểm. Ban đầu Súy đề nghị mướn chỗ để “làm thử”, nếu không thành thì thoái bộ rút lui cũng dễ. Nhưng Trang-Anh, với kinh nghiệm lăn lộn trong nghề địa ốc, cuối cùng đã thuyết phục mọi người nên mua đất xây lò, vì tính ra không mắc hơn mướn bao nhiêu. Lý do dễ hiểu là dù mướn chỗ nào chăng nữa thì cũng tốn rất nhiều tiền để làm hệ thống điện, nước, cống v.v. theo đúng tiêu chuẩn và qui định. Rồi nếu phải rời chỗ mướn thì coi như mất hết vốn.

Trang-Anh nghĩ, rủi như lò rượu không thành công, tiền dành dụm bấy lâu có bay mất hết thì cũng chả sao. Nhà đã trả xong. Con đã lớn. Cùng lắm thì làm lại từ đầu, vẫn còn hơn lúc mới qua Mỹ chỉ có hai bàn tay trắng, không bằng cấp, không nghề nghiệp, không có gì cả. So với bây giờ thì có chi mà phải sợ. Không những vậy, cô cho rằng giấc mộng gặp đệ tử thánh St. Martin là điềm lành. Cô tin mình được quới nhơn phù trợ.

Con gái mua rượu Ông Già cho… ông già – những khách hàng Việt của lò rượu đế SuTi (ảnh do SuTi cung cấp)

“Ông Già” chu du thế giới

Sau một thời gian, họ tìm được một mảnh đất khang trang ở Kennedale (dân số 9,000) gần Fort Worth, hội đủ điều kiện cần thiết để xây lò rượu. Có điều khi đụng đến các cơ quan nhà nước ở mọi cấp, họ mới phát hiện có cả chục thứ luật lệ nhiêu khê, làm cho dự án bị đình trệ cả nửa năm hơn. Anh Tiến kể, nơi gây khó khăn nhiều nhất cho SuTi lại là một cơ quan chẳng ăn nhập gì đến rượu hay ăn uống. Đó là TXDOT, tức Bộ Giao thông Texas. Chỉ vì địa điểm này nằm trên một xa lộ nhỏ của tiểu bang. Họ ngâm hồ sơ của SuTi mấy tháng trời. Sau nhờ có người quen từng làm trong Hội đồng Thành phố giúp nên SuTi mới được cấp giấy phép để tiến hành.

Sản phẩm Ông Già ngày càng vang danh (ảnh do SuTi cung cấp)

Vì là kiến trúc sư nên Tiến lo việc xây cất lò, Súy chỉ cần tập trung vào việc nấu. Tiến kể, lần nọ Súy tìm được một cái nồi nấu rượu trên internet với giá rẻ, nhưng nó ở mãi tận Wisconsin. Thế là cả bọn mướn chiếc trailer chạy mấy ngàn cây số lên đó rinh về. Nhờ vậy cũng tiết kiệm được một số tiền không nhỏ. Sau hơn một năm trời xây cất, cuối cùng SuTi khánh thành vào Tháng Mười Một năm 2020…

Từ đó đến nay, trong vòng chưa đầy một năm, công việc làm ăn của SuTi trôi chảy và có thể nói là thành công ngoài tiên liệu. Khách hàng Việt nghe đồn rủ nhau đến mua đã đành, dân Mỹ cũng háo hức đến thử (và ghiền) cái gọi là “whisky Việt Nam”. Đến nay thì mùi thơm nồng rượu đế Ông Già đã “bay” đến tận California cũng như nhiều tiểu bang khắp Mỹ. Trên bàn nhậu của người Việt ở quận Cam bây giờ, sự góp mặt của chai Ông Già đã không còn là chuyện lạ. Ông Già thậm chí có mặt ở Phần Lan, Hy Lạp, Thụy Điển…, nhờ những khách hàng đến lò rượu SuTi mua mang đi.

Trước mắt, “Ông Già” SuTi vẫn chưa được phép “tự mình” chu du khỏi Texas. Một trong những câu hỏi được nghe nhiều nhất là khi nào SuTi mới có thể ship rượu đến các tiểu bang khác. Anh Tiến cho biết, SuTi đang điều đình với một công ty phân phối rượu bia có giấy phép tại 44 tiểu bang trên nước Mỹ; tuy nhiên, muốn ký hợp đồng với họ, SuTi phải bảo đảm sản xuất mỗi tháng một số lượng rượu nhất định, trong khi hiện giờ SuTi chưa đủ khả năng. Nói cách khác, bao nhiêu chai rượu SuTi làm ra đều được, chủ yếu là “quân ta”, vét sạch sành sanh.


Không lâu sau khi lò rượu SuTi hoạt động, ngày nọ, có một vị linh mục từ Indiana đến thăm. Ông là Cha Lâm, người quen của gia đình Mỹ-Hoàng nhưng mấy năm chưa gặp lại. Nhân dịp đến Dallas, ông đến SuTi và làm lễ ban phép lành cho lò rượu đế đầu tiên của người Việt trên nước Mỹ. Trong buổi họp mặt, khi nghe Trang-Anh kể về giấc mơ “I had a dream” của mình, Cha Lâm buột miệng nói: “Thế sao?! Tên thánh của tôi cũng là Martin, theo thánh Martin de Tours!”.

Nhân dịp Xuân về, các bạn hãy cùng tôi nâng ly (rượu đế, nếu có) để cảm tạ… vị thánh St. Martin de Tours đã… “mở đường” cho việc hình thành một lò rượu đế đậm chất Việt trên đất Mỹ, để nhâm nhi thưởng thức hương vị thuần quê nhà trên đất khách quê người. Nhân tiện, cũng nâng ly chúc Xuân – không chỉ cho anh Súy và anh Tiến – mà còn với hai phu nhân Trang-Anh và Mỹ-Hoàng của các anh. Không có sự giúp đỡ và ủng hộ hết lòng của nhị vị cô nương từ những ngày đầu thì mâm cỗ Tết hôm nay không thể có sự góp mặt của những chai đế Ông Già ngon quá ngon, đã quá đã! Dzôôô nào…!

Ian Bùi
Theo SGN News ngày 10 tháng 2, 2022
(Bài đã đăng trong ấn phẩm Xuân Saigon Nhỏ phát hành toàn nước Mỹ từ Tháng Mười Hai 2021.)