Ðịa danh Kè Một
Vùng Kè Một nay thuộc xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, trong khu vực rừng U Minh Thượng. Trước tiên, địa danh Kè Một được giải thích theo từ nguyên học, nguyên gốc tiếng Khmer là Kẹp-dum. “Kẹp” có nghĩa là con ếch, “dum” là kêu, khóc. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì vùng này trước đây có địa hình trũng thấp, vào mùa mưa ếch nhái tụ hội về rất nhiều, đêm đến kêu rền vang, đến nỗi hai người ngồi kế bên nói chuyện mà không nghe rõ.
Tuy nhiên, bà con miệt này hay lý giải địa danh xứ sở bằng những giai thoại lý thú. Theo “Sổ tay địa danh Kiên Giang”, tương truyền xưa kia, có một người đàn ông từ vùng Ngũ Quảng chạy trốn triều đình phong kiến, đến vùng đất này. Khi đi ông có dặn vợ con, hễ đến xứ có cây kè bên cạnh nhà, thì ông ở đó. Bẵng mấy mươi năm sau, người vợ dẫn con đi tìm và đúng như lời ông đã dặn vậy, đó là nhà ông nhưng ông đã đi đâu mất. Bà dẫn con hướng về địa danh ngày nay gọi là Cây Bàng để tìm. Do vậy, dân xứ này truyền tụng câu ca dao:
“Nhà Ngang, Kè Một, Cây Bàng
Ngược xuôi theo dấu chân chàng, chàng ơi”
Tuy nhiên, cũng với câu ca dao này, nhưng chúng tôi lại sưu tầm được một giai thoại khác, khá thú vị. Chuyện là xưa kia có một anh Hai, tính tình cương trực, trượng nghĩa. Khi thấy vợ anh bị tên hương quản làng thất lễ, trêu ghẹo, ý muốn dở trò đồi bại, trong phút nóng giận, anh đã giết tên này. Buộc phải bỏ xứ, anh dặn vợ khi con tròn 20 tuổi hãy về miệt rừng mà tìm anh, cứ thấy con rạch nào có căn nhà bắc ngang qua là anh ở đó. 20 năm sau, người vợ làm y như lời chồng dặn nhưng họ đâu ngờ vì chống lại bọn cường hào ác bá, bênh vực dân nghèo, anh Hai đã ra tay nghĩa hiệp và lại phải bỏ xứ ra đi. Lần này anh dặn bà con: “Chừng nào vợ tôi tới, bà con giùm chỉ thẳng vô ngọn rạch, thấy nhà nào có duy nhất cây kè là nhà tôi”. Tương tự đến lần thứ ba, nhưng lần này anh dặn là nhà anh ở sát cây bàng. Lần này, gia đình được đoàn tụ, mọi người nể trọng, biết ơn anh Hai vì sự nghĩa hiệp. Họ đặt cho những nơi anh đi qua gắn với dấu chỉ anh để lại, lần lượt là các địa danh: Nhà Ngang, Kè Một, Cây Bàng. Ngày nay, 3 địa danh này không cách xa nhau là mấy.
Ngoài lý giải bằng từ nguyên học và truyện dân gian, địa danh Kè Một còn được giải thuyết bằng lịch sử vùng đất. Cụ thể, người dân trong vùng ngoài gọi là Kè Một thì cũng còn gọi là Kèo Một. “Kèo” ở đây mang ý nghĩa là kèo ong, tức cây gác trong rừng để dẫn dụ ong về làm tổ. Gác kèo ong là nghề phổ biến ở vùng rừng U Minh thuở xưa, và khi vùng Kè Một còn chưa được khẩn hoang như bây giờ thì cũng có nhiều gác kèo ong. Lý giải thêm, sách “Sổ tay địa danh Kiên Giang” kể, tương truyền xưa có một cánh rừng gác kèo ong đến hàng trăm cây kèo. Nhưng năm nọ, cánh rừng bị cháy, kèo ong bị thiêu rụi, chỉ còn lại một kèo ong của cụm rừng nhỏ. Người gác kèo ong đó thu về lượng mật gấp chục lần kèo ong thông thường. Từ đó, dân trong vùng gọi là Kèo Một.
Mỗi cách lý giải có một cơ sở khác nhau, cũng không thể kết luận cách nào là chính xác, là khoa học. Duy có điều, từ 3 cách lý giải này, nổi bật lên bản sắc của một vùng đất. Ở cách lý giải từ nguyên học, xuất phát từ tiếng Khmer, hiện nay vùng này cũng có bà con Khmer sinh sống khá đông. Chùa Kè Một là chùa Khmer, tên gọi là chùa Uttama Prưksa, có kiến trúc đẹp, lịch sử lâu đời. Cách lý giải về truyện dân gian lại phác họa tính cách của người dân nơi đây: trượng nghĩa, phóng khoáng và hào hiệp. Với cách lý giải hiện thực tự nhiên, cho thấy thực tại vùng đất thời bấy giờ với những sản vật, tài nguyên đặc trưng. Ngày nay, dù Kè Một không phải là địa danh hành chính nhưng lại được chọn đặt tên cho rất nhiều công trình như cầu, chợ, chùa, khu dân cư, vùng đất...
Chợ Mông Thọ
Ðịa danh Mông Thọ
“Ðường Mông Thọ vừa dài vừa hẹp
Gái Rạch Tìa vừa đẹp vừa duyên”
Ðó là câu ca dao xưa miêu tả cảnh sắc vùng đất Mông Thọ thuở trước, nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, cách trung tâm TP Rạch Giá không bao xa. Ðịa danh này ngày nay được đặt cho 2 xã Mông Thọ A và Mông Thọ B, dọc tuyến quốc lộ 80. Nếu từ trung tâm Cần Thơ, qua địa bàn quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh rồi qua Tân Hiệp, Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, ta sẽ đi qua vùng đất này.
Trong “Tự vị tiếng nói miền Nam”, học giả Vương Hồng Sển nhắc đến vùng đất này với nhiều “tâm trạng”. Theo ông, tên gọi Mông Thọ xuất phát từ tiếng Khmer, gọi là “Chong Surei” (người Việt gọi là “Chung Sư”). “Chong Surei” có thể hiểu là mặt trời mới lên ửng đỏ trên ngọn cây. Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh này có ý nghĩa là: “Kỷ niệm buổi gặp nhau khi trời vừa điểm hồng trên chót ngọn tre (vừa hừng sáng, mặt trời vừa lú trên đầu ngọn tre)”.
Vậy nhưng, sự lý giải trại âm dẫn địa danh Mông Thọ của cụ Vương với sự “không hài lòng” có lẽ không hợp lý lắm. Trại âm lần một là “Chung Sư”, theo cụ là có thể chấp nhận được. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên tuyến quốc lộ 80 hiện vẫn còn cầu Chung Sư (hay gọi là cầu Móng). Nhưng theo cụ Vương, hồi khoảng đầu thế kỷ XX, để ghi sổ bộ tên đất, tên làng, các cụ Nho ở làng lãnh việc phiên âm hay phiên dịch địa danh tiếng Khmer ra bộ chữ nôm để dễ vô bộ. “Các cụ tự ý dịch theo sức học riêng của mỗi người và cũng không có phương pháp thống nhứt nào”, cụ Vương Hồng Sển thuật lại. Sau trại âm là Chung Sư, địa danh được đổi ra tiếng Việt là “Mong Thọ”, ý nghĩa rằng “mong” là “trông” mà “trông” gần âm với “chung” và “thọ” là cây, ngụ ý nhắc lại cây tre (giữ nghĩa bỏ âm nói). Rồi cụ than thở rằng: “Ðến ngày nay, sao dời vật đổi đã năm lần bảy lượt, kẻ uyên thâm Hán Nôm đã lu mờ như sao về sáng, còn lại nhóm tân học, Tây học, bất chấp điển tích, bèn tự ý canh cải;... thành ra tên xã thôn nay ngớ ngẩn, và thấy viết “Mông Thọ” “Ðông Thọ”, cũng không cần tìm hiểu căn cội chi cho mệt óc”.
Theo chúng tôi tra cứu trong các tài liệu về địa bạ, địa danh Mông Thọ vốn có thời Thiệu Trị, Tự Ðức, với tư cách là thôn, thuộc tổng Kiên Hảo, huyện Kiên Giang, phủ An Biên, tỉnh Hà Tiên. Năm 1876, Mông Thọ trở thành làng, thuộc hạt tham biện Rạch Giá. Trong bài “Góp ý một vài sai sót trong quyển “Tự vị tiếng Việt miền Nam” của cụ Vương Hồng Sển”, về chi tiết từ tiếng Khmer “Chong Surei” trại âm thành Mông Thọ, tác giả Lý Việt Dũng phản biện rằng, trong công trình “Gia Ðịnh thành thông chí”, tác giả Trịnh Hoài Ðức viết Mông Thọ là , có nghĩa là “hừng sáng mặt trời vừa ửng trên ngọn cây”, trùng khớp với nghĩa từ Khmer, chứ không có một sự trại âm nào cả. Lý giải của tác giả Lý Việt Dũng xem ra thuyết phục trong trường hợp này.
----------------------
Tài liệu tham khảo:
- “Tự vị tiếng nói miền Nam”, Vương Hồng Sển, NXB Trẻ TP Hồ Chí Minh, 1999;
- “Gia Ðịnh thành thông chí”, Trịnh Hoài Ðức (bản dịch của Viện Sử học), NXB Giáo dục, 1999;
- “Góp ý một vài sai sót trong quyển “Tự vị tiếng Việt miền Nam” của cụ Vương Hồng Sển”, Lý Việt Dũng, Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ, số 4(26), 1999;
- “Sổ tay địa danh Kiên Giang”, Anh Ðộng, NXB Ðại học Quốc gia Hà Nội, 2010.
Theo: Đăng Huỳnh / Báo Cần Thơ