Nhớ ai như vợ chồng Ngâu
Một năm mới gặp mặt nhau một lần.
(Ca dao)
Tháng 7 mưa Ngâu, trời mưa dầm dề, các cơn mưa liên tiếp nối nhau, mưa rồi lại tạnh, tạnh rồi lại mưa. Loại thời tiết đặc biệt này gắn liền với truyền thuyết ông Ngâu bà Ngâu, đôi vợ chồng phải xa cách, một năm mới gặp nhau một lần vào ngày 7 tháng 7 âm lịch, và những cơn mưa đó là nước mắt của họ.
Sau này Tây Vương Mẫu thương tình, cho phép họ mỗi năm vào ngày mùng 7 tháng 7 được đàn quạ dùng đầu của mình bắc cầu cho đôi tình nhân được gặp nhau. (Ảnh: Zhong Yuan / Epoch Times)
Nguồn gốc ngày lễ Thất Tịch
Ngày lễ Thất Tịch (ngày 7 tháng 7 âm lịch) gắn liền với truyền thuyết về hai ngôi sao Ngưu Lang và Chức Nữ. Theo truyền thuyết Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau trên cầu Ô Thước - cây cầu do những chú chim ô thước nối nhau bắc qua sông Thiên Hà.
Sao Chức Nữ chính là ba ngôi sao ở bờ phía Bắc của dải Ngân Hà, người phương Tây gọi là chòm sao Thiên Cầm. Bởi vì nó thay đổi vị trí bảy lần từ sáng đến tối, mô hình chuyển động của nó giống như trục dệt vải, do đó có tên Chức Nữ - Cô Gái Dệt Vải.
Sao Ngưu Lang một ngôi sao ở bờ bên kia Ngân Hà đối diện với Sao Chức Nữ, người phương Tây gọi nó là chòm sao Thiên Ưng.
Trong lòng mọi người, Chức Nữ là một nàng tiên xinh đẹp, thông minh và tài trí. Vì vậy, vào đêm ngày 7 tháng 7, các thiếu nữ và thiếu phụ sẽ ra ngoài để thờ cúng và cầu xin Chức Nữ ban cho họ sự thông minh và hai bàn tay khéo léo giống như Chức Nữ, để có được một cuộc đời hạnh phúc. Đây cũng là nguồn gốc ngày Lễ Thất Tịch, nó bắt nguồn từ chuyện tình của chàng Ngưu Lang và nàng Chức Nữ như sau:
Chức Nữ là con gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế, đã đem lòng yêu chàng trai chăn trâu (Ngưu Lang) ở dưới trần gian, hai bên bèn kết duyên chồng vợ sống với nhau rất hạnh phúc. Sau đó, Ngọc Hoàng biết chuyện, sai Vương Mẫu nương nương (còn gọi là Tây Vương Mẫu) xuống trần gian bắt Chức Nữ về chịu tội. Ngưu Lang vô cùng đau khổ, nhờ con trâu giúp sức, đuổi theo lên trời, gần đuổi kịp thì bị Tây Vương Mẫu dùng cây trâm trên đầu vạch một đường thành sông Ngân Hà ngăn cách. Ngưu Lang, Chức Nữ bị Ngân hà cách trở, chỉ biết đứng nhìn nhau qua sông mà khóc. Sau này Tây Vương Mẫu thương tình, cho phép họ mỗi năm vào ngày mùng 7 tháng 7 được đàn quạ dùng đầu của mình bắc cầu cho đôi tình nhân được gặp nhau. Câu nói dân gian quen thuộc của người dân Việt xưa là “Quạ trọc đầu bắc cầu Ô Thước” giúp Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau chính là do tích này.
Ngưu Lang vô cùng đau khổ, nhờ con trâu giúp sức, đuổi theo lên trời, gần đuổi kịp thì bị Tây Vương Mẫu dùng cây trâm trên đầu vạch một đường thành sông Ngân Hà ngăn cách. (Ảnh miền công cộng)
Bí mật của số 7 và ngày 7 tháng 7
Trước hết, người ta có cảm giác bí ẩn đối với "số 7", nó không chỉ phổ biến trong văn học dân gian mà còn có trong các nghi lễ tôn giáo và kinh sách.
Trong Phật giáo, có truyền thuyết kể rằng Phật Thích Ca Mâu Ni đã thành quả thật sau khi ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề "bẩy bẩy bốn chín ngày".
Người xưa cũng nói: "Cứu nhân nhất mạng thắng tạo thất cấp Phù Đồ", nghĩa là "Cứu một mạng người còn hơn xây Tháp Phật 7 tầng". Câu nói này được lưu hành trong dân gian là:
Dù xây 7 cấp Phù Đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người.
Cơ Đốc giáo tin rằng Thượng Đế tạo ra mọi thứ trong vòng bảy ngày, vì vậy có bảy ngày một tuần. Đạo Hồi chia Thiên Đường thành 7 tầng.
Người Babylon, Ai Cập và người phương Đông đều tin rằng có bảy ngôi sao thiêng liêng trên bầu trời là: Mặt Trời, mặt Trăng, sao Mộc, sao Kim, sao Thủy, sao Hỏa và sao Thổ.
Thế giới phương Tây vẫn tôn trọng cái gọi là "7 đức tính" và tránh phạm cái gọi là "7 tội lỗi sẽ bị Trời trừng phạt".
Người Nhật thường cầu nguyện "7 vị Phúc Thần" ban phúc.
Người phương Đông cho rằng, con người có "thất tình" (7 cảm xúc): Hỉ, nộ, ưu, tư, bi, khủng, kinh. Quang phổ ánh sáng cũng có 7 màu: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Âm phổ cũng có 7 nốt: Cung, thương, giốc, chủy, vũ, biến cung, biến thương. Vàng bạc châu báu cũng có "thất bảo": Vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, hổ phách, san hô.
Có thể thấy việc sùng bái số 7 là một hiện tượng văn hóa rất phổ biến. Một số "7" đã rất khác thường rồi, vì vậy hai số 7 chắc chắn là bí ẩn hơn.
Theo ghi chép của thư tịch cổ đại: “Ngày mồng 7 tháng 7 là ngày tốt” nên được dùng làm ngày lễ chúc mừng vụ mùa bội thu.
Tương truyền ngày 7 tháng 7 là ngày các Thần Tiên trên Thiên Cung hội tụ. Sách Tục Tề hài ký có ghi chép: “Ngày mồng 7 tháng Bảy, Chức Nữ qua sông, chư Tiên về cung”.
Sách Hậu Hán cố sự có ghi chép rằng, Hán Vũ Đế gặp Tây Vương Mẫu 5 lần, mỗi lần đều vào ngày mồng 7 tháng 7.
Thời gian gặp gỡ của Ngưu Lang và Chức Nữ đã được đích thân Tây Vương Mẫu chỉ định là "ngày 7 tháng 7", còn gọi là "Thất Tịch".
Ngưu Lang và Chức Nữ đã được đích thân Tây Vương Mẫu chỉ định là "ngày 7 tháng 7"
(Ảnh miền công cộng)
Lễ Thất Tịch ở các nước
Thất Tịch (Hán-Nôm: 七夕), theo văn hóa phương Đông, nhất là các nước Đông Á và Đông Nam Á, là ngày Lễ tình yêu được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 Âm lịch, đôi khi được người phương Tây gọi là ngày Valentine Đông Á.
Hàn Quốc cũng có lễ Thất Tịch, tiếng Hàn gọi là Chilseok (칠석 - Thất Tịch), họ cũng có truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ tương tự, và kỷ niệm vào ngày mồng 7 tháng 7 âm lịch. Ngày này, người Hàn Quốc tắm để có sức khỏe, ăn bánh bột mỳ và bánh nướng truyền thống.
Nhật Bản cũng kỷ niệm lễ hội này để kỷ niệm ngày gặp gỡ của Orihime (織姫 Chức Cơ - tức sao Chức Nữ) và Hikoboshi (彦星 Ngạn Tinh - tức sao Ngưu Lang), gọi là lễ Tanabata (七夕 - Thất Tịch), nhưng theo dương lịch.
Trung Quốc là nơi khởi nguồn của truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ. Ngày này là ngày hội truyền thống ở Trung Quốc (Qixi Festival) để các cô gái trẻ trưng bày các món đồ nghệ thuật tự tạo, trổ tài khéo tay làm món xảo quả, bánh chiên, khắc trái cây thành các hình bông hoa, con thú tinh xảo, và cầu mong lấy được một tấm chồng tốt.
Việt Nam cũng có Lễ Thất Tịch còn được biết với tên gọi “Ông Ngâu bà Ngâu”. Người Việt có câu:
Đồn rằng tháng 7 mưa ngâu
Con Trời lấy chú chăn trâu cũng phiền
Đây chính là câu ca dao nói về chuyện tình của Ngưu Lang Chức Nữ mà người Việt gọi là ông Ngâu bà Ngâu. Chữ Ngâu này chính là đọc chệch từ chữ Ngưu mà ra. Trong ngày lễ, các đôi lứa yêu nhau thường đến chùa, làm lễ và cầu mong cho tình duyên son sắt, bền lâu.
Thanh Hà / Theo: ntdtv
No comments:
Post a Comment