Trong truyện Bát Tiên Bồng Lai kể rằng, có một người đọc sách tên là Lã Động Tân, vì 2 lần tham gia kỳ thi khoa cử (kỳ thi mối năm tổ chức một lần) đều không đỗ, từ đó về sau, không còn thấy ông đọc sách, mà chỉ dựa vào gia sản tổ tiên để lại, du sơn ngoạn thủy kết bạn bốn phương, sống mỗi ngày tiêu diêu tự tại.
Chuyện xưa kể rằng: Trước khi Lã Động Tân thành tiên, có một người bạn tâm giao đồng hương tên là Cẩu Diễu, cha mẹ của anh ta đều đã qua đời, gia cảnh rất nghèo khó. Lã Động Tân đồng cảm với người bạn này, liền cùng anh ta kết bái làm huynh đệ. Hơn nữa, còn mời anh ta đến ở tại nhà mình, động viên anh ta chịu khó học hành, tương lai mới có ngày mở mày mở mặt.
Một ngày nọ, nhà Lã Động Tân có một vị khách họ Lâm đến chơi, thấy Cẩu Diễu thanh tuấn nho nhã, lại chăm chỉ đọc sách, bèn nói với Lã Động Tân: “Lã tiên sinh, tôi muốn gả ngu muội của tôi cho Cẩu Diễu, ông thấy thế nào?”.
Lã Động Tân nghe vậy, sợ Cẩu Diễu bỏ lỡ tiền đồ, liền vội vàng từ chối, nhưng Cẩu Diễu lại ra chiều đồng ý mối hôn sự này.
Lã Động Tân nói: “Tiểu thư nhà họ Lâm vốn xinh đẹp đức hạnh, hiền đệ nếu chủ ý đã định, ta cũng không ngăn trở, chỉ là sau khi thành thân, ta muốn ngủ cùng tân nương tử (cô dâu) ba đêm đầu”.
Cẩu Diễu nghe xong không khỏi sửng sốt, nhưng vẫn cắn răng đồng ý. Buổi tối ngày Cẩu Diễu thành thân, trong động phòng, tân nương với khăn hồng che mặt, ngồi dựa lưng vào giường. Lúc này, Lã Động Tiên xông thẳng vào phòng, chẳng nói chẳng rằng, cứ ngồi ở bàn dưới ánh đèn, mải mê đọc sách. Lâm tiểu thư đợi đến nửa đêm, đành phải nằm ngủ một mình. Đến sáng tỉnh dậy, thì không thấy tân lang đâu. Cứ liên tiếp 3 đêm đều như vậy.
Trải qua 3 ngày vô cùng ức chế, Cẩu Diễu mới được vào động phòng, thấy nương tử đang buồn bã khóc lóc, liền bước đến nhận lỗi. Lâm tiểu thư vẫn cứ cúi đầu khóc nói: “Lang quân, vì sao 3 đêm qua lại không lên giường đi ngủ, chỉ đọc sách dưới đèn, mãi đến tối mới đến, sáng lại đi sớm?”.
Sau khi nghe tân nương trách móc, Cẩu Diễu trợn mắt há hốc mồm, đến nửa ngày, anh mới tỉnh ngộ, dẫm mạnh hai chân, ngửa mặt cười to: “Thì ra là ca ca sợ ta ham vui, lại quên đọc sách, đã dùng cách này để khích lệ ta. Ca ca thật dụng tâm, có thể nói là quá “nhẫn tâm” rồi!”.
Lâm tiểu thư nghe Cẩu Diễu nói như vậy thì thấy vô cùng khó hiểu, đợi Cẩu Diễu nói rõ xong, hai vợ chồng cảm động nói: “Ơn này của Lã huynh, tương lai chúng ta nhất định phải báo đáp!”.
Vài năm sau, Cẩu Diễu quả nhiên thi đỗ bảng vàng được đề bạt làm đại quan, hai vợ chồng đến nhà Lã Động Tân xúc động từ biệt để lên đường đi nhận chức.
Cẩu Diễu báo ân: “Huynh khiến thê tử ta giữ phòng trống, ta khiến thê tử huynh khóc đoạn trường”.
Nhoáng một cái đã 8 năm trôi qua, mùa hè năm đó, Lã gia không may bị cháy lớn, gia sản trong nháy mắt hóa thành đống tro bụi. Lã Động Tân đành phải dựng một căn nhà tranh, để cho vợ con tạm tránh mưa tránh gió.
Sau đó, hai vợ chồng bàn bạc, quyết định đi tìm Cẩu Diễu nhờ giúp đỡ. Trải qua quãng đường vất vả cực khổ, cuối cùng Lã Động Tân cũng tìm được Cẩu Diễu. Tuy nhiên, Cẩu Diễu khi nghe chuyện nhà Lã Động Tân gặp nạn thì tỏ vẻ thông cảm, nhưng lại không đề cập đến chuyện giúp đỡ, một chút tiền cũng không đưa cho Lã Động Tân.
Hơn một tháng trôi qua, Lã Động Tân nghĩ rằng Cẩu Diễu hẳn là đã vong ân bội nghĩa, nên một mạch trở về nhà.
Lã Động Tân vừa về đến nhà thì bất ngờ thấy một ngôi nhà mới. Không tin vào mắt mình, ông tiến vào bên trong nhà, thấy hai bên cửa lớn dán giấy trắng, giống như là trong nhà có người chết. Quá kinh ngạc, ông vội vàng bước vào, nhìn thấy giữa nhà có một cỗ quan tài, vợ con mình mặc áo tang, đang gào khóc thảm thiết.
Lã Động Tân gọi vợ một tiếng. Người vợ quay đầu ra nhìn, liền run rẩy kêu lên: “Chàng, chàng là người hay là ma?”. Lã Động Tân càng cảm thấy lạ lùng, ông hỏi: “Nương tử, ta khỏe mạnh trở về, làm sao là ma được đây?”. Người vợ nhìn một lúc, mới nhận ra đúng là Lã Động Tân, nói: “Đúng là dọa tôi sợ đến chết!”.
Nguyên là, sau khi lã Động Tân rời đi không lâu, thì có người đến dựng giúp cái nhà, xây hẳn một ngôi nhà mới. Giữa trưa hôm trước, lại có nhóm người đến mang theo một cỗ quan tài, bọn họ nói: Lã Đông Tân khi đang ở nhà Cẩu Diễu thì bị bệnh chết.
Lã Động Tân nghe xong, biết là Cẩu Diễn bày trò đùa mình. Ông lại gần quan tài, cầm cái búa lớn bổ quan tài làm đôi, chỉ thấy bên trong tất cả đều là kim ngân châu báu, bên trên còn có một phong thư, viết: “Cẩu Diễu không phải là phụ lòng huynh, xin tặng huynh số kim ngân này và một căn nhà. Huynh khiến thê tử ta giữ phòng trống, ta khiến thê tử huynh khóc đoạn trường”.
Từ đó trở đi, hai nhà Lã Động Tân và Cẩu Diễu càng thêm thân thiết. Từ câu chuyện này, người ta mới có câu rằng: “Cẩu Diễu Lã Động Tân, bất thức hảo nhân tâm". Bởi vì “Cẩu Diễu” (苟杳) và “Cẩu giảo” (狗咬) đồng âm, truyền tới truyền lui mới trở thành “Cẩu giảo Lã Động Tân, bất thức hảo nhân tâm” (Chó cắn Lã Động Tân, không biết lòng tốt của người), là một câu thành ngữ trong nhân gian.
Câu thành ngữ có ý nghĩa sâu xa
Về sau câu thành ngữ này thường được người ta áp dụng cho nhiều tình huống mà những người tốt, tài đức bị thế gian rẻ rúng, ngược đãi, ám hại…
Chẳng hạn, Đức Khổng Tử luôn bị vua chúa bạc đãi, không tin dùng chính trị vương đạo của ngài. Có lúc ngài và nhóm môn đệ còn bị kẻ dữ vây hãm ở nước Trần, nước Thái, phải chịu nhịn đói nhiều ngày… Trong Sử Ký của Tư Mã Thiên (145 – 86 trước Công Nguyên), ở chương Khổng Tử Thế Gia có chép lời người nước Trịnh bảo rằng Đức Khổng trông giống như “con chó nhà có tang / tang gia chi khuyển”. Khi nghe kể lại những chuyện không vui như thế, nếu thông cảm và thương Đức Khổng Tử, người Trung Quốc có thể than: “Ôi! Cẩu giảo Lã Động Tân!”.
Đức Khổng Tử không phải là trường hợp duy nhất bị người đời bạc đãi trên đường truyền đạo của ngài. Đức Phật trong lúc đang hoằng Pháp cũng từng bị kẻ xấu cho voi dữ tấn công, lén lăn đá từ trên núi xuống, bị bỏ thuốc độc trong cơm để mưu sát, bị đàn bà độn bụng giả làm kẻ mang bầu rồi đi thẳng vào chỗ Phật đang giảng đạo mà lu loa vu khống.
Còn Đức Chúa Giêsu? Ngài bị quân dữ đánh đòn, bị đội vòng gai, bị khạc nhổ, bị đánh vào đầu, bị giễu cợt, bị đem đóng đinh trên thập giá .
Ngày xưa, Đức Khổng, Đức Phật, Đức Chúa nào có “tội tình” gì! Các Ngài chỉ đem hết tình thương và trí tuệ siêu việt ra giáo hóa, cứu độ chúng sinh mà thôi. Thế nhưng các Ngài đều bị bức hại, không có ngoại lệ. Các Ngài đều ở vào nghịch cảnh “Cẩu giảo Lã Động Tân, bất thức hảo nhân tâm”.
Trở lại với ý nghĩa thành ngữ “Chó cắn Lã Động Tân / Cẩu giảo Lã Động Tân” của người Hoa, ngày nay thành ngữ này được nhắc tới khá nhiều. Hơn nữa, còn được dịch sang tiếng Anh là: A dog biting Lu Dongbin, not being able to recognize a kind-hearted man. The goodness of a person is of no consequence to the ungrateful, dịch ra là: Chó cắn Lã Động Tân, không nhận biết ai là người tâm lành hạnh tốt; đức thiện hảo của một người lại chẳng quan trọng gì đối với phường bạc bẽo vong ân.
Tóm lại, dường như đã không ngoại lệ cho những ai muốn đem tâm huyết ra tận tụy phụng sự thế gian; nhưng họ vẫn luôn từ bi nhẫn nại đón nhận những đắng cay, chua chát, đớn đau… ấy. Họ dám chấp nhận tất cả chỉ vì một mục đích duy nhất – Cứu độ con người thế gian.
Bảo An
Theo Epochtimes