Wednesday, August 17, 2016

THĂM “CĂN NHÀ MÀU XANH” Ở ĐỒNG THÁP

Độc giả của Marguerite Duras dẫu biết “Căn nhà màu xanh” không ghi dấu cuộc tình đẹp mà ngang trái của tác giả, nhưng vẫn tìm đến như một bằng chứng sống tạo thêm sự sống động và thực cho tác phẩm mình vừa đọc. Chính vì vậy, nhiều du khách, nhất là người Pháp, đến Việt Nam đều ghé thăm ngôi nhà này và lấy làm thích thú. 


Trong các Guide book tiếng Anh và Pháp, ngôi nhà này được gọi bằng cái tên khá thơ mộng là “Căn nhà màu xanh”. Ngôi nhà này hiện tọa lạc số 225A đường Nguyễn Huệ, phường 2, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Theo mô tả của nhà văn, ngôi nhà ngày xưa được sơn màu xanh. Bên trong trang trí gỗ lộng xen lẫn với kiếng màu xanh. Ban đêm, lúc lên đèn, ngôi nhà trở nên huyền ảo, lung linh.



Theo tài liệu ghi lại, ngôi nhà được ông Huỳnh Cẩm Thuận (hay Huỳnh Thuận) cất vào năm 1895. Ngôi nhà ba gian đặc trưng của vùng đất Nam bộ, nhưng sử dụng kết cấu nhà gỗ theo kiểu nhà người Hoa. Sau đó, ngôi nhà được sửa chữa lại thành biệt thự kiểu Pháp, nhưng vẫn giữ nét truyền thống kiến trúc Việt và Hoa. Như bao ngôi nhà cổ ở miền Tây, ngôi nhà màu xanh được xây tường gạch 30-40 cm, tạo không khí mát mẻ. Ngói âm dương lợp trên mái được liên kết bằng vôi vữa tạo những lượn sóng lòi lõm trên mái, giúp thay đổi áp lực gió trực tiếp thổi qua. Đặc biệt, hai đầu của đỉnh mái lại cong vút như hình chiếc thuyền miệt sông nước miền Tây. Đây là một trong những ngôi nhà có kiến trúc đông - tây đẹp nhất Việt Nam. Nhìn từ bên ngoài, không tính phần mái, ngôi nhà mang dáng dấp phương Tây với cửa hình vòm La Mã, có hai balcon trước và sau; trên tường có những họa tiết điêu khắc kiểu Phục Hưng thế kỷ XVII. Mặt sau gạch lót sàn nhà vẫn còn dấu đóng của vùng Ardèche-Pháp.


Tại sảnh trước, có một viên gạch được cạy lên để giới thiệu với du khách. Đây là điều thích thú đối với nhiều người. Nét phương Đông ở ngôi nhà này là mái lợp âm dương và các họa tiết gỗ chạm khắc tinh xảo trang trí nội thất. Đặc biệt, sảnh trước thể hiện rất rõ nét truyền thống này. Bao lam khung thờ được chạm khắc hình cây trái, chim muông, tứ linh... được sơn son thiếp vàng mà chỉ có đại gia thời đó mới có được. Trần nhà gian chính chạm rồng và 4 gốc chạm hình dơi ngậm kim tiền thể hiện sự quyền uy, lộc thọ theo truyền thống người Hoa. Hai tấm liễn đề hai cấu đối mà hai chữ đầu lấy từ tên của ông: “Cẩm Tâm Khôi Thế Nghiệp” và “Thuận Ý Thiệu Cơ Cừu”, để nhắn nhủ con cháu về cách sống ở đời và chăm lo sự nghiệp của dòng tộc... 

Ngôi nhà này được giao cho Công ty Cổ phần du lịch Đồng Tháp quản lý từ năm 2006 và đưa vào khai thác du lịch vào đầu năm 2007.



Du khách đến đây như một chuyến đi thực tế vào tiểu thuyết của nữ văn sĩ Pháp. “Tôi mười lăm tuổi rưỡi. Trên chuyến phà qua sông Cửu Long...”. Nữ văn sĩ Pháp Marguerite Duras (Pháp) viết trong tiểu thuyết “L’ Amant”, tên tiếng Việt là “Người tình”, của mình như thế. Tiểu thuyết và cũng là tự truyện của tác giả. Duras là người con gái một gia đình người Pháp nghèo sinh sống tại Sa Đéc. Còn Huỳnh Thủy Lê là một công tử, con ông Huỳnh Thuận giàu có nhất vùng này. Điều trớ trêu là nàng xuất thân từ “mẫu quốc” Pháp nhưng lại nghèo khó; còn chàng là công dân của nước thuộc địa nhưng giàu sang. Định kiến gia đình xô đẩy mối tình đẹp này đến hố sâu của sự chia ly. Cuộc tình chỉ kéo dài một năm rưỡi, Huỳnh Thủy Lê phải cưới vợ theo sự sắp đặt của gia đình với một cô gái đã hứa hẹn trước ở Tiền Giang. Rồi xảy ra biến cố, nàng cùng gia đình lên tàu trở về Pháp. Đứng tựa lan can tàu nhìn xuống bến, nàng thấy chiếc Limousine màu đen. Phía sau là dáng người quen thuộc, đứng bất động, nhìn về hướng nàng. Nàng biết chàng đã đến, đến trong giã từ. Tàu nhổ neo rời xa bến, nàng nhìn mãi đến khi không còn thấy rõ bóng người nữa và chiếc Limousine cũng nhạt nhòa xa xa. Nàng vẫn đứng trên lan can tàu như đứng trên lan can phà qua sông Tiền ngày nào. Nhưng lần này, nàng đứng chết lặng... 


Nếu chuyện chỉ dừng lại đó, có lẽ mối tình này sẽ đi vào quên lãng. Nhưng những ngày xưa đã chợt sống lại sau ngót nửa thế kỷ xa nhau sau bao thay đổi trong hôn nhân, bao nhiêu quyển sách bà viết đã ra đời. Đó là ngày nàng nhận được điện thoại từ chàng. Cú điện thoại làm hồi sinh một cuộc tình buồn và tiểu thuyết “L’Amant” ra đời. Nhà xuất bản Les Éditions de Minuit ấn hành năm 1984 và trở thành “hiện tượng văn học” với số lượng xuất bản 2,4 triệu bản. L’Amant đã đoạt giải Goncourt - một giải thưởng danh giá của văn học Pháp ngay năm đầu xuất bản. Hiện nay, tiểu thuyết này đã được dịch ra 43 thứ tiếng.
Theo Báo Hậu Giang