Bài dịch sau đây nói về một giai thoại lịch sử lần đầu tiên tôi mới đọc được, hồi nào tới giờ ai cũng biết Khổng Tử, ai cũng biết vua Càn Long triều Thanh, nhưng có ai biết hai họ là sui gia với nhau không ? (LKH)
CÀN LONG VÌ SAO 9 LẦN ĐẾN KHỔNG PHỦ?
CÀN LONG VÌ SAO 9 LẦN ĐẾN KHỔNG PHỦ?
Để duy trì sự thống trị, các vị hoàng đế của các triều đại đều giương cao ngọn cờ Nho học, coi trọng Khổng Tử 孔子. Từ triều Tây Hán đến triều Thanh, trước sau có đến 12 vị hoàng đế 19 lần đến Khúc Phụ 曲阜 tế bái Khổng Tử. Riêng số lần hoàng đế Càn Long 乾隆 đến Khúc Phụ là nhiều nhất. Theo những ghi chép trong lịch sử, từ năm Càn Long thứ 13 (năm 1748) đến năm Càn Long thứ 55 (năm 1790), hoàng đế Càn Long đã 9 lần tuần hạnh đến Khúc Phụ tế bái Khổng Tử. Số lần đến Khổng phủ có nhiều thuyết khác nhau: có thuyết là 7 lần, có thuyết là 8 lần và cũng có thuyết là 9 lần. Trong Khổng phủ nội trạch dật sự 孔府内宅轶事, Khổng Đức Mậu 孔德懋 nói Càn Long đến Khổng Phủ 9 lần. Nay theo thuyết này.
Thế thì, nguyên nhân nào khiến Càn Long “chung tình” với Khổng phủ như vậy? Trừ việc tôn trọng Khổng Tử, phát dương Nho học ra, nguyên nhân quan trọng nhất đó là: con gái của Càn Long hạ giá nơi Khổng phủ.
Theo truyền thuyết, Càn Long có một cô con gái do hoàng hậu Hiếu Hiền 孝贤 sinh ra, Càn Long vô cùng thương mến. Trên mặt công chúa có một nốt ruồi đen, theo tướng thuật nốt ruồi này chủ về tai ương. Cách duy nhất để phá tai ương đó là công chúa phải được gả cho một gia đình hiển quý hơn vương công đại thần. Như vậy chỉ có Khổng gia ở Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông là đáp ứng được. Do bởi chỉ có Diễn Thánh Công 衍圣公 (1) mới có thể cùng song hành với hoàng đế nơi ngự đạo của hoàng cung, nên khi đến Khúc Phụ, hoàng đế cũng cần phải hướng đến Khổng Tử, tổ tiên của Diễn Thánh Công hành lễ tam quỵ cửu khấu. Đây là điều mà các vương công quý tộc không thể nào hi vọng có được. Vì thế khi Càn Long lần đầu tiên đến Khổng Phủ đã định việc hạ giá cho công chúa. Nhưng theo chế độ triều Thanh, Mãn Hán không được thông hôn, Càn Long liền gửi con gái cho Vu Mẫn Trung 于敏中, một đại thần người Hán nuôi dưỡng, sau đó với danh nghĩa khuê nữ của nhà họ Vu, gã cho cháu đời thứ 72 là Diễn Thánh Công Khổng Hiến Bồi 孔宪培 . Người đời sau của Khổng Phủ gọi công chúa là Vu phu nhân. Nhà Vu Mẫn Trung nhân đó được dọn vào Khổng phủ, đời đời cư trú ở đó. Theo gia quy của Khổng phủ, anh em của Diễn Thánh Công sau khi thành niên đều phải dời ra 12 phủ ở bên ngoài, không được ở Khổng phủ. Chỉ riêng nhà họ Vu có được đặc quyền này, đó chính là do bởi có công chúa hạ giá.
Lúc Khổng Hiến Bồi và công chúa kết hôn, văn võ bách quan đều đến tặng lễ vật rất trọng hậu. Có một viên quan nọ chỉ tặng mỗi chiếc rìu nhỏ bằng vàng, Càn Long hỏi qua, ông ta đáp là để mai sau này cháu ngoại của Càn Long bổ quả hồ đào ăn. Càn Long nghe qua rất vui và nói chiếc rìu nhỏ bằng vàng ấy là lễ vật quý giá nhất. Nhân vì câu nói ấy chiếc rìu trở thành vật quý gia truyền của Khổng phủ. Sau khi công chúa kết hôn, mỗi khi sinh nhật, Càn Long vẫn sai quan viên đến chúc mừng và tặng quà. Công chúa vì không sinh được nên đã nhận người cháu là Khổng Khánh Dung 孔庆鎔 làm kế tự. Khi Khổng Khánh Dung vừa mới sinh ra đã được đưa đến chỗ công chúa, đồng thời lập tức trình báo hoàng thượng đã có cháu ngoại, Càn Long vô cùng vui mừng.
Trong Khổng lâm 孔林, một trong “tam Khổng” 三孔 nổi tiếng ở Khúc Phụ (Khổng phủ 孔府, Khổng miếu 孔庙, Khổng lâm 孔林), có một “Vu thị phường” 于氏坊 (2) ở phía bắc Khổng lâm được mọi người chú ý. Đây chính là phần mộ hợp táng Khổng Hiến Bồi và người vợ họ Vu của ông. Do bởi bà họ Vu này là con gái của Càn Long nên sau khi bà qua đời, Khổng phủ đã lập bài phường “Loan âm bao đức” 鸾音褒德 có quy mô to lớn này. Mỗi khi Càn Long nam tuần hoặc đông tuần đều đến Khúc phụ.
Hàng năm Khổng phủ tiến hành nhiều lần cúng tế, có khi hoàng đế đích thân đến, vì thế ở Khúc phụ có một ban hát với kĩ thuật cao siêu, mỗi năm diễn ít nhất cũng cả trăm vở “bì hoàng” 皮黄 (Kinh kịch) (3). Nhưng có 2 vở bị cấm diễn, đó là “Đả kim chi” 打金枝 và “Đả Nghiêm Tung” 打严嵩. Cấm diễn vở “Đả kim chi” là do bởi con gái của Càn Long được gả cho Khổng Hiến Bồi, Khổng phủ đã có “kim chi ngọc diệp” nên đương nhiên không thể diễn. Còn cấm diễn vở “Đả Nghiêm Tung” là do bởi cháu gái của Nghiêm Tung được gả cho cháu đời thứ 64 là Diễn Thánh Công Khổng Thượng Hiền 孔尚贤 .
Câu chuyện Càn Long có mối quan hệ hôn nhân với Khổng phủ không thấy ghi chép trong chính sử, cho nên vẫn còn là câu đố chưa có lời giải đáp.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- DIỄN THÁNH CÔNG 衍圣公: là phong hiệu thế tập con cháu dòng đích của Khổng Tử. Phong hiệu cho con cháu Khổng Tử bắt đầu có từ năm Nguyên Thuỷ 元始 thứ nhất thời Tây Hán, lúc bấy giờ để phát dương lễ giáo, Hán Bình Đế đã phong cho hậu duệ Khổng Tử là Bao Thành Hầu 褒成侯. Về sau trải qua cả ngàn năm, phong hiệu nhiều lần biến đổi. Đến năm Chí Hoà 至和 thứ 2 đời Tống Nhân Tông (năm 1055) đổi là Diễn Thánh Công 衍圣公. Từ đó về sau luôn giữ phong hiệu này. Đến năm 1935, chính phủ Dân quốc bỏ phong hiệu Diễn Thánh Công đổi thành “Đại thành chí thánh tiên sư phụng tự quan” 大成至圣先师奉祀官. Khổng Đức Thành 孔德成 sinh năm 1920 là vị Diễn Thánh Công cuối cùng và là Tự quan đầu tiên. Năm 2008, Khổng Đức Thành qua đời, phong hiệu Diễn Thánh Công cũng chấm dứt.
(2)- VU THỊ PHƯỜNG 于氏坊:
Phường 坊 ở đây tức “bài phường” 牌坊 còn gọi là “bài lâu” 牌楼, một công trình kiến trúc có dạng cổng chào với 3 lối đi, dùng để biểu dương công lao, hoặc biểu dương trung hiếu tiết nghĩa. Một số cung, quán, tự, miếu cũng dùng bài phường để làm sơn môn (cổng), cũng có loại bài phường dùng để nêu địa danh.
“Vu thị phường” ở phía đông bắc mộ Khổng Tử. Đây là công trình kiến trúc bằng gỗ, mái lợp ngói màu xám tro, dưới mái là phần chạm trỗ hoa văn có màu xanh lam.
Hoàng đế Đạo Quang 道光 cho xây dựng “Vu thị phường” để làm nơi tế Vu thị. Nhìn chung văn tế thường được khắc lên bia, riêng ở Vu thị phường, thánh chỉ tế văn của hoàng đế Đạo Quang ban xuống được khắc trên mặt chính của bài phường, nội dung ca tụng đức hạnh của Vu thị. Mặt sau khắc 4 chữ lớn “Loan âm bao đức” 鸾音褒德 ( chim loan cất tiếng ca ngợi đức hạnh), vì thế “Vu thị phường” còn được gọi là “Loan âm bao đức phường”. Sau “Vu thị phường” là phần mộ hợp táng Khổng Hiến Bồi và Vu thị.
Hoàng đế Đạo Quang 道光 cho xây dựng “Vu thị phường” để làm nơi tế Vu thị. Nhìn chung văn tế thường được khắc lên bia, riêng ở Vu thị phường, thánh chỉ tế văn của hoàng đế Đạo Quang ban xuống được khắc trên mặt chính của bài phường, nội dung ca tụng đức hạnh của Vu thị. Mặt sau khắc 4 chữ lớn “Loan âm bao đức” 鸾音褒德 ( chim loan cất tiếng ca ngợi đức hạnh), vì thế “Vu thị phường” còn được gọi là “Loan âm bao đức phường”. Sau “Vu thị phường” là phần mộ hợp táng Khổng Hiến Bồi và Vu thị.
(3)- BÌ HOÀNG 皮黄: tức Kinh kịch, có lịch sử hơn 200 năm.
Gọi là “bì hoàng” bởi do 2 làn điệu cơ bản là “Tây bì” 西皮 và “Nhị hoàng” 二黄 tổ thành, ngoài ra cũng kiêm một số khúc điệu của địa phương và của Côn khúc 昆曲. “Bì hoàng” được hình thành ở Bắc Kinh khoảng trước sau năm 1840, thịnh hành vào những năm 30, 40 của thế kỉ 20.
Dịch giả: Huỳnh Chương Hưng
Dịch từ nguyên tác Trung văn
CÀN LONG VI HÀ CỬU TIẾN KHỔNG PHỦ
乾隆为何九进孔府
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009.