Saturday, September 23, 2017

LƯỢC TRUYỆN VỀ Ỷ LAN


Sử cũ chép rằng, bấy giờ, Vua xuân thu đã bốn chục nhưng chưa có vị hàng tử nào, lòng lấy làm lo lắng lắm, bèn đi cầu tự ở khắp nơi. Nghe tin Vua đến, dân làng Thổ Lỗi nô nức ra đường đón xem, duy chỉ có cô thôn nữ đặc biệt này lại ngồi dựa vào đám cỏ lan mà hát. Vua thấy lạ, liền đón về cung, lúc đầu cho làm cung nhân, sau sách phong dần lên đến nguyên phi (người đứng đầu hàng thứ hai của vợ vua). Nhà vua lấy ngay hình ảnh của kỉ niệm buổi đầu gặp gỡ ấy làm hiệu cho nguyên phi, người đương thời cũng như người bao thế kỉ qua nhân đó mà gọi là Ỷ Lan nguyên phi. Sự kiện này có lẽ xẩy ra trước hoặc sau năm 1063 chút ít.
Đến năm 1066, Ỷ Lan sinh hạ hoàng tử Càn Đức (sau là vua Lý Nhân Tông, 1072 - 1127). Địa vị của Ỷ Lan trong hoàng tộc trở nên vững vàng. Nhà vua vì đặc biệt yêu quý Ỷ Lan nguyên phi mà vào năm 1068 đã cho đổi gọi nguyên quán của Ỷ Lan là làng Thổ Lỗi thành làng Siêu Loại (nghĩa là vượt lên trên đồng loại).
Hoàng đế Lý Thánh Tông quả đúng là người có con mắt nhìn người rất tinh tường. Ỷ Lan không phải chỉ là cô gái đẹp mà còn là người tài hoa sắc sảo và rất có bản lĩnh. Bà hoàng có nguồn gốc dân dã ấy đã giành cho vua Lý Thánh Tông những bất ngờ lớn. Độc đáo hơn cả có lẽ là sự kiện năm Kỉ Dậu (1069). Bấy giờ, vua Lý Thánh Tông đích thân cầm quân đi đánh Chiêm Thành. Trước khi đi, Nhà vua vì tin cẩn mà trao quyền điều khiển chính sự ở triều đình cho Ỷ Lan nguyên phi, nghĩa là gần như cho bà làm vua khi vua vắng mặt. Lý Thánh Tông đánh mãi không thắng, bèn rút quân về, nào ngờ dọc đường về, Nhà vua nghe quan lại và nhân dân ca ngợi rằng nguyên phi có tài trị nước, lòng lấy làm xấu hổ mà nói: “Nguyên phi là đàn bà mà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng làm được việc gì hay sao ?”. Nói rồi quyết chí cho quân quay lại đánh nữa, và lần ấy Nhà vua giành đại thắng.


Năm 1072, vua Lý Thánh Tông mất, Thái tử Càn Đức lên ngôi, đó là Lý Nhân Tông, Ỷ Lan nguyên phi được tôn phong làm Ỷ Lan thái phi... Một năm sau sự kiện này, nội bộ cung đình có sự tàn sát lẫn nhau. Ỷ Lan thái phi đã bức hại Dương thái hậu cùng 76 thị nữ khác. Đấy là lỗi lớn của thái phi, sử không thể bỏ qua và chính Ỷ Lan cũng nhiều phen tự lấy làm tiếc… Dương thái hậu mất rồi, Ỷ Lan hiển nhiên là thái hậu với tên hiệu mới là Linh Nhân, nhưng người đời vẫn quen gọi bà là Ỷ Lan.
Ở địa vị tột đỉnh của hiển vinh nhưng Ỷ Lan vẫn không quên cảnh ngộ của những người phụ nữ nghèo hèn, những người đã và đang sống những cuộc đời còn thua kém cả thuở hàn vi của bà. Họ có khi còn không được quyền nghĩ đến hạnh phúc gia đình. Sử cũ chép rằng, vào năm Quý Mùi (1103), chính Ỷ Lan đã phát tiền ở kho nội phủ để chuộc những người con gái nhà nghèo bị bán đi ở đợ, đem họ mà gả cho những người đàn ông góa vợ. Bàn về sự kiện này, sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “Thái hậu đổi đời cho họ, cũng là việc làm nhân chính vậy”.


Nhờ có thời son trẻ sống chân lấm tay bùn ở nơi thôn dã, bà hiểu rõ rằng nông dân cần gì, nông nghiệp cần gì và làm sao để thiên hạ có thể an cư lạc nghiệp. Canh cánh nỗi lo ấy đã theo bà cho đến phút chót của cuộc đời. Sách Đại Việt sử kí toàn thưa (bản kỉ, quyển 3, tờ 17 a-b) có ghi lại một sự kiện xẩy ra vào mùa xuân năm Đinh Dậu (1117), tức là chỉ mấy tháng trước khi bà qua đời, như sau:
“Hoàng thái hậu nói: “gần đây ở kinh thành, hương ấp, có nhiều người trốn tránh, lấy việc trộm cắp trâu bò làm nghề sinh nhai, trăm họ cùng quẫn, đến nỗi mấy nhà phải cày chung một con trâu. Trước đây ta đã từng nói đến việc ấy, nhà nước đã có lệnh cấm, vậy mà nay giết trâu bò lại còn nhiều hơn”. Bấy giờ Vua mới xuống chiếu rằng, kẻ nào mổ trộm trâu bò thì phạt 80 trượng, đồ làm khao giáp (tức là làm kẻ phục dịch trong quân), vợ của kẻ đó bị xử 80 trượng, đồ làm tang thất phụ (tức là phục dịch ở nơi chăn tằm) và bồi thường trâu bò. Láng giềng nào biết mà không tố cáo cũng bị phạt 80 trượng”.


Bà là người sùng Phật. Tính đến năm 1115, Bà đã cho xây cất trên 150 cái tháp. Sử cũ có lời đoán định rằng, hẳn là bà sám hối về việc bức hại Dương thái hậu và 76 thị nữ nên mới làm như vậy. Thực ra, trước khi sùng Phật, Bà đã cho mời nhiều bậc cao tăng vào Hoàng cung để hỏi cho ra lẽ, rằng Phật là gì, Phật từ đâu tới, giáo lí của nhà Phật ra sao… v.v. Chính những lời đối đáp giữa bà với các bậc cao tăng đã đặt nền tảng đầu tiên cho việc ra đời của sách Thiền uyển tập anh (nghĩa là anh tú vườn Thiền) rất có giá trị sau này.
Ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu (1117), bà qua đời, có lẽ thọ vào khoảng ngoài 70 tuổi. Bà quả là một phụ nữ sáng danh của lịch sử nước nhà vậy.
(Theo “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo Dục)