Sunday, September 10, 2017

BÒ MỘT NẮNG MUỐI KIẾN VÀNG

Mấy tháng trước, tôi có post mấy bài giới thiệu về "mực 1 nắng, tôm 1 nắng, cá 1 nắng", hôm nay ngồi coi mấy vòng sơ kết của cuộc thi "Chiếc thìa vàng 2014", biết được thêm một món đặc sản của Phú Yên "bò 1 nắng", đây là loại bò đặc biệt nuôi ở cao nguyên Sơn Hòa, được nuôi thả rong và theo lời chị chủ cơ sơ sản xuất Hà Trung, bò của chị còn được cho ăn mía nữa nên thịt rất ngọt.


Trong cuộc thi sơ kết này, "bò 1 nắng" đứng hạng 3 cũng đủ cho chúng ta thấy cái ngon của nó đến cở nào. Bạn nào ăn rồi cho ý kiến, còn ai chưa ăn thì cùng đọc với tôi để có chút hiểu biết qua bài giới thiệu sau đây:

BÒ MỘT NẮNG MUỐI KIẾN VÀNG - GIA ĐÌNH BẠN ĐÃ TỪNG THƯỞNG THỨC? HÃY THỬ VÀ CẢM NHẬN NHÉ!
Thịt bò thông thường ai ai cũng sử dụng, và đâu đâu cũng có, nhưng nói đến đặc sản bò một nắng muối kiến vàng thì không phải nơi đâu cũng có, mà chỉ có ở vùng cao nguyên Sơn Hòa, một vùng sơn cước của Phú Yên mới thưởng thức được.


Bò một nắng mối kiến vàng không phải chế biến từ loại bò cao sang như bò Nhật Bản, bò Mỹ, bò Úc mà đó là biến từ thịt bò cỏ đặc trưng vùng Sơn Hòa, Phú Yên. Ở nơi đây, bò được chăn thả rong trên đồng cỏ tự nhiên xanh mượt trên vùng núi – từ địa phương gọi là “chận bò”, nên thịt bò ở đây thơm ngon và săn chắc. Bò một nắng muối kiến vàng hay còn gọi là Bò Một Nắng Hai Sương . Bò Một Nắng Hai Sương Không phải là mang thịt bò ra phơi một nắng hai sương, mà ý nghĩa của nó là nói lên công sức của người chế biến món đặc sản này, chế biến đặc sản này đòi hỏi rất công phu, tỉ mỉ và cơ cực.


Chế biến bò một nắng rất công phu: chế biến hoàn toàn bằng thủ công và đòi hỏi kỹ thuật chọn thịt và kiên trì trở thịt. Chế biến bò một nắng luôn sử dụng phần thịt ngon nhất: thịt thăn và thịt đùi. Sau khi chọn lọc kỹ càng những chỗ thịt ngon, rửa sạch bằng rượu, cắt thành miếng nhỏ dày khoản 1-1,5cm, ướp chung với hỗn hợp gia vị phù hợp - Gia vị được pha chế theo phương thức gia truyền của đồng bào - đã chuẩn bị sẵn, tiếp theo mang thịt phơi từ 1-2 giờ, tiếp đến cho vào lò sấy sấy khô khoảng 30%. Trong khi sấy thịt bò, người chế biến phải trực ở đó canh giờ, cứ mỗi 1 giờ 30 phút trở một lần, cứ thao tác liên tiếp như vậy trong thời gian 12 giờ, và sau đó mang phơi sương 1 giờ, và cứ mỗi 10 phút trở một lần. Cuối cùng đem thịt bò đi cho vào đóng gói bảo quản.


Mỗi một món đặc sản đều không thể thiếu đồ chấm phù hợp đi kèm với nó. Bò một nắng cũng vậy. Khi thưởng thức bò một nắng thì không thể thiếu đồ chấm, nếu thiếu đi đồ chấm đi kèm không thể thưởng thức một món ngon được trọn vẹn. Đồ chấm đi kèm với bò một nắng đó chính là muối kiến vàng. Chế biến muối kiến vàng phải đi vào trong rừng núi tìm kiếm từng tổ kiến vàng, và chỉ chọn lấy kén kiến, kiến non, sau đó về rang với muối hột, tiếp đến pha chế hỗn hợp muối kiến vàng theo bí quyết gia truyền của người đồng bào với tỷ lệ hợp lý không quá chua, không quá nặng mùi, không quá mặn nhưng vẫn giữ được đặc trưng độc đáo của muối kiến vàng.


Bò một nắng trước khi thưởng thức, phải nướng vàng đều hai mặt, không nên nướng chín quá kỹ thịt bò sẽ bị khô và không ngon, có thể dùng bếp than hoặc bếp điện hoặc thiết bị nướng khác, nhưng ngon nhất vẫn là nướng bếp than. Sau khi nướng chín, dùng kéo cắt miếng thịt dài theo thớ thịt, xé sợi thịt theo thớ thịt, và chấm muối kiến vàng, thưởng thức ngấu nghiến từ từ để thưởng thức hương vị ngon ngon ngọt ngọt của bò cỏ, thơm thơm mùi bò cỏ, vị chua chua của kiến vàng, là lạ của muối kiến, càng nhai càng ngọt, càng ăn càng thích, và có thêm một ly bia bên cạnh thì rất tuyệt vời không thể tả được. Chỉ khi những ai đến Phú Yên thưởng thức một lần thì mới biết được hương vị đặc trưng, thơm ngon khó quên của bò một nắng muối kiến vàng.
(Sưu tầm trên mạng)