Đạo sĩ Ba Lưới, người duy nhất có mặt trên núi Cấm tròn một thế kỷ. Ở tuổi tròn 100, ông vẫn đi đứng nhanh nhẹn và khỏe mạnh lạ thường. Và, những câu chuyện huyền thoại về Thiên Cấm Sơn qua lời ông kể đã giải mã được phần nào về khu du lịch tâm linh có tượng Phật Di Lặc lớn nhất Đông Nam Á này….
Ông Ba Lưới tên thật là Nguyễn Văn Y, quê ở Chợ Mới (An Giang). Năm 18 tuổi bỏ nhà lên núi một mình. Ông có thời gian 15 năm lập am tu trên núi, nơi cách nhà ông đang ở bây giờ vài trăm thước. Con đường lên núi Cấm ngày xưa rất khó khăn, u tịch, bốn bề cây cối um tùm chắn lối. Hình như không ai biết gì về cuộc sống, con người ngoài những câu chuyện huyền bí loan truyền trong dân gian. Đến khi cụ Nguyễn Văn Hầu khảo biên cuốn “Nửa tháng trong miền Thất Sơn và Thất Sơn mầu nhiệm” thì thiên hạ mới biết chút ít về vùng rừng núi huyền bí này.
Núi Cấm (còn gọi là Thiên Cẩm Sơn, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên – An Giang) là ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn. Nơi đây, năm xưa Nguyễn Ánh (vua Gia Long) chạy trốn sự truy nã của nhà Tây Sơn đã trú ẩn trước khi chạy ra đảo Phú Quốc. Một số cấm vệ quân đã ở lại lập ra môn phái võ Thất Sơn lưu truyền đến ngày nay. Núi Cấm còn là nơi các nghĩa quân, chí sĩ yêu nước khởi nghĩa chống Pháp thất bại lui về đây ở ẩn, tu hành như Cao Văn Do (Bảy Do), cháu ruột của anh hùng Thủ Khoa Huân, người lập nên chùa Phật Lớn ngày nay.
Đạo sĩ Ba Lưới, nhân chứng sống về những câu chuyện Thiên Cẩm Sơn bí ẩn và huyền thoại
Theo lời đạo sĩ Ba Lưới, ngày trước, muốn tồn tại trên núi Cấm phải có gan liều, phải giỏi võ nghệ. Phải chống chọi với thú dữ trong rừng như: cọp, hùm beo, mãng xà, rắn độc… Câu chuyện chưa được kiểm chứng qua lời kể của ông Ba Lưới khiến người ta nghĩ tới núi Cấm vẫn còn tồn đọng bao sự huyền bí, ly kì đến tận bây giờ vẫn còn là sự tò mò, muốn khám phá. Đó là vào một bữa trưa, trên đường bán thuốc nam ở dưới Châu Đốc, chàng thanh niên Ba Lưới trong lúc gánh nặng lương thực vượt đường lên núi về am thì gặp một con rắn hổ mây to đến vài chục ký, nằm chắn ngang đường. Nhìn ông, con rắn ngọ nguậy, mở cặp mắt đỏ trừng trừng, thở khè khè, phùng mang chờ chực tấn công ông. Ba Lưới bình tĩnh hạ giỏ lương thực xuống, rút đòn gánh, ra thế tấn thủ, quan sát chóp đuôi con rắn di chuyển và bất ngờ tung đòn hiểm tấn công dũng mãnh vào cổ rắn. Cuộc đấu giữa người và mãnh thú khá lâu mới hạ hồi kết thúc. Ba Lưới đã hạ gục được con hổ mây chúa với người túa mồ hôi, bở hơi tai với cây đòn gánh gãy làm đôi…
Khoảng năm 1925-1930, rừng núi vùng Thất Sơn hầu như không thấy bóng người. Nếu có, con người cũng sống ẩn dật, lẩn tránh không gặp ai. Cuộc sống của dân dã sơn gần như biệt lập với đồng bằng. Ông Ba Lưới cũng là cư dân ẩn giật. Ông tự mình lập am, tự tìm thức ăn, nước uống và tu hành một mình giữa sơn lâm cùng cốc. Không chỉ có thú dữ, mà còn bao nhiêu thứ bệnh tật, thế lực thần bí vô hình khác mà con người không thể hiểu được. Từ đó mà đạo sĩ Ba Lưới chuyên tâm tìm các cây thuốc quý hiếm chữa bệnh, cứu người. Ông nuôi hươu, nuôi nhím quanh nhà và làm thuốc nam. Nhiều bài thuốc quý “bí kíp” được dân trên núi đồn đại, nhưng ông thản nhiên không giải thích một lời.
Năm nay đã đủ 100 tuổi, đạo sĩ Ba Lưới vẫn đi đứng nhanh nhẹn và khỏe mạnh lạ thường. Hình như cả đời ông chưa hề biết bệnh tật là gì. Cuộc sống hiện đại vốn gặm nhấm dần vùng hoang dã, khiến vùng Thất Sơn không còn yên tĩnh. Ông Ba Lưới cũng hòa theo không khí ấy, thường xuyên xuống núi, rít thuốc lá điệu nghệ và nói chuyện qua điện thoại di dộng một cách điệu nghệ. Từ nhà ông, lên xuống vài thung lũng khá sâu rồi lên chùa Phật Lớn cỡ 5 cây số nhưng ông đi như lướt trên dốc đá, nhẹ nhàng như không. Con trai Út ông Ba Lưới giơ tay chỉ về hốc úi xa xa, cho biết: “Mấy cái nhà xung quanh là của gia đình, ba tui ngủ trên nhà sàn “tuyệt tình cốc” riêng biệt trên dốc cao kia”.
Đạo sĩ Ba Lưới (phải) và điêu khắc gia Thụy Lam trong ngày lễ khởi công Thiền Viện chùa Phật Lớn
Thâm niên, đắc đạo, ông Ba Lưới được bầu chức Trưởng Ban quản tự chùa Phật Lớn – ngôi chùa có gần 200 năm tuổi. Hễ có tiệc tùng, cưới hỏi, lễ lộc, dân lên trên núi rước ông về dự. Nhiều người biết ông nói, ông vừa kể chuyện mà ngồi uống “mấy két” (bia) mà chưa thấm tháp gì, khiến người trẻ tuổi nghe mà giật mình.
Từ chùa Phật Lớn nhìn sang hồ Thủy Liêm, tượng Phật Di Lặc
Tay tượng Phật Di Lặc bắt ấn
Ngày nay, ngành du lịch An Giang đã đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, kéo điện lên khu du lịch tâm linh với quần thể các chùa Vạn Linh, Phật Lớn, hồ Thuỷ Liêm, tượng Phật Di Lặc cao 33,36 mét lớn nhất Đông Nam Á nên thu hút rất nhiều khách trong và ngoài nước đến núi Cấm. Kiệt tác vừa xuất hiện nằm trên dãy núi tâm linh này được thực hiện bởi điêu khắc gia Thụy Lam – một nghệ sĩ thích lang thang và cũng chứa đầy những câu chuyện bí ẩn về tâm linh…
Theo 24h (07/10/2010)