Tết xưa luôn lắng đọng trong lòng mỗi người những dư vị riêng. Với những người lớn tuổi, Tết xưa là kí ức thời nghèo khó, đôi khi chỉ là miếng thịt mỡ dưa hành và tiếng pháo đì đùng. Với những người xa quê, Tết là niềm mong mỏi trở về, trở về cố hương và trở về những tháng ngày yên ấm. Với đám trẻ con nhà quê, Tết là manh áo mới, là bao lì xì rực đỏ. Tết dù như nào đi chăng nữa cũng là một khoảng thời gian đẹp và đầy vơi kí ức trong lòng mỗi người.
Mỗi khi thời khắc tháng Chạp sang chắc hẳn trong lòng ai cũng đều chộn rộn và thấp thỏm. Bởi, Tết đang về. Tết là đoàn tụ, là những câu chuyện hoài niệm, là không khí của ngày xuân với đầy đủ dư vị hạnh phúc.
Tết trong tôi bắt đầu từ thời điểm mẹ đi chợ phiên và mua về một rổ hành củ. Tết không thể thiếu vại hành muối chua chua cay cay. Mẹ thường bảo, món hành muối muốn ngon phải làm trước Tết nửa tháng. Nhất thiết phải dùng vại sứ Bát Tràng muối hành. Vậy nên, cứ trước Tết nửa tháng năm nào mẹ cũng mua một rổ hành về và nhiệm vụ của anh em chúng tôi là ngồi rửa sạch từng củ hành một, thái bỏ rễ và phơi cho hành tái dưới nắng hanh tháng Chạp. Nhiều khi rửa hành, nước hăng từ củ hành bắn vào mắt cay xè nhưng đứa nào cũng vui vì đó là một phần của Tết.
Với người lớn, có thể Tết cũng đan xen nỗi lo âu vì năm nay mất mùa không có tiền sắm Tết. Nhưng với đám trẻ con, Tết luôn luôn vui. Bởi kiểu gì đám trẻ con cũng được mặc quần áo mới, được nhận tiền mừng tuổi và nhất là được nghỉ học tận hơn tuần lễ tha hồ chạy nhảy, vui chơi.
Năm nào trước Tết, bố và anh trai cũng tranh thủ lên đồi sau nhà đẩn vài cây gỗ mục để phơi khô dưới nắng hanh chờ Tết nấu bánh chưng. Bố bảo, bánh chưng muốn ngon phải được nấu bằng nước mưa và dùng gỗ mục trên đồi. Cứ như vậy, Tết năm nào nồi bánh chưng nhà tôi cũng được nấu suốt 10 tiếng đồng hồ bằng nước mưa mà bố để dành từ tận hồi tháng 9. Bởi nói, cận Tết trời ít mưa rào, nếu không để dành nước mưa từ tháng 9 thì Tết sẽ không có được nồi bánh chưng ngon. Chính vì thế mà hồi nhỏ tôi vẫn luôn tự hào với đám bạn hàng xóm rằng bánh chưng nhà tôi ngon nhất làng. Bây giờ, bố vẫn giữ thói quen luộc bánh chưng mỗi khi Tết về bằng nước mưa. Nhưng những cây gỗ mục trên đồi không còn nữa. Bởi ngọn đồi sau nhà giờ đã san phẳng làm khu công nghiệp. Tuy nhiên, miếng bánh chưng bố nấu vẫn rền và xanh lắm.
Có lẽ trong ký ức của mỗi người chợ phiên ngày Tết vẫn là thứ ký ức vui nhất. Với đám trẻ con, chợ phiên lúc nào cũng đông vui, đa sắc màu. Tại đây, chúng tha hồ được chọn những tấm quần, tấm áo mới nhất mà ngày thường ít khi ba mẹ dẫn vào. Những hàng tò he xanh đỏ, những xe kem mát lạnh bao giờ cũng đông đúc đám trẻ đứng quanh.
Cũng giống như Tết vậy, chợ Tết là một bức tranh đầy đủ cảm xúc buồn-vui-ăm ắp tiếng cười-tiếng mếu. Chẳng thế mà, dù đã lớn nhưng mỗi lần xa quê trở về nhà đón Tết, chắc chắn ai cũng muốn mình được chen chân trong chợ để cảm nhận không khí của ngày buôn bán cuối năm.
Năm nào mẹ cũng đi chợ sớm và đến tận trưa mới mua xong đồ. Anh em chúng tôi được đi cùng vừa để mẹ mua cho quần áo mới và cũng để xách đồ cho mẹ. Chưa năm nào tôi được mẹ mua một chiếc áo vừa vặn, như ý. Lúc nào mặt tôi cũng phụng phịu với mẹ vì mẹ luôn chọn cho tôi chiếc áo rộng dài. Mẹ bảo, phải mua như vậy thì Tết xong vẫn còn mặc được chứ không lo chật. Bao giờ món đồ cuối cùng mẹ mua cũng là một bó lá mùi già thật to và chiều ngày 30 Tết sau khi bố vớt bánh chưng, mẹ dùng luôn chiếc nồi ấy rửa sạch, cho bó mùi già vào ninh thật nhừ rồi mẹ tắm cho từng đứa con một.
Mùi cây mùi già trộn lẫn mùi của lá bưởi làm tôi vương vấn cả thời thơ ấu. Thế nhưng, giờ nó bị cuốn trôi mất theo thời gian. Một điều nữa luôn làm tôi nhớ mãi trong buổi chiều ngày cuối cùng của năm cũ đó là, sau khi chuẩn bị xong tất cả mọi thứ, bao giờ, bố mẹ cũng gom lá rụng đốt trong vườn chiều. Mùi của đủ thứ lá khô cháy lép bép khiến tôi không thể nào quên, bởi sau những làn khói ấy là hình ảnh của bố mẹ tôi, hình ảnh người nông dân khắc khổ sau lớp khói mờ hằn những niềm thương.
Tết xưa có tiếng pháo đì đùng khi thời khắc Giao thừa vừa điểm. Mùi pháo cùng tiếng nổ rền vang chắc chắn giờ chỉ còn trong ký ức của mỗi người. Đám trẻ con như chúng tôi khi ấy, mỗi sáng mùng Một Tết không phải ở nhà để nhận lấy những bao lì xì xanh đỏ mà vui hơn là đi khắp các ngõ xóm nhặt lấy tép pháo tối Giao thừa vương lại chưa kịp nổ. Cứ thế, Tết xưa trở về trong kí ức với đủ đầy những cung bậc. Và cứ độ, sau 23 tháng Chạp, những người xa quê lại ngóng mong về.
Hoàng Dương