Con người đến tuổi trung niên mới có thể biết được mệnh Trời và phân biệt được đúng sai. (Ảnh: Zhihu)
Khổng Tử từng nói: “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh“, ý rằng người tới ba mươi tuổi mới tự lập, bốn mươi tuổi mới thấu hiểu hết sự tình trong thiên hạ, năm mươi tuổi mới biết mệnh trời.
Con người đến tuổi trung niên mới có thể biết được mệnh Trời và phân biệt được đúng sai. Đến tuổi này, mới biết được người nào nên kết thâm giao, người nào cần phải rời xa.
Loại người thứ nhất: Không muốn thấy người khác hơn mình
Người xưa nói: “Mộc tú vu lâm phong tất tồi chi, điểu thái xuất đầu thương tất đả”. Câu này xuất phát từ “Vận mệnh luận” của Lý Khang, một người nước Ngụy trong thời Tam Quốc, có nghĩa là nếu một cây cao hơn cả khu rừng thì chắc chắn sẽ bị gió quật đổ, một con chim bay vượt đàn, thì phải đương đầu với súng của thợ săn. Con người cũng vậy, quá tài giỏi thường sẽ bị người khác đố kỵ.
Tô Đông Pha, một đại văn hào đời Tống, từng suýt chết vì bị tiểu nhân mưu hại trong vụ án thơ Ô Đài. Em trai của ông là Tô Triệt cảm thán nói: “Đông Pha có tội tình gì? Chỉ vì danh nổi quá cao”.
Một số người có tâm đố kỵ rất mạnh, hễ nhìn thấy những người khác làm tốt hơn mình thì đều cảm thấy bực bội khó chịu. (Ảnh: Tecknown)
Một số người có tâm đố kỵ rất mạnh, hễ nhìn thấy những người khác làm tốt hơn mình thì đều cảm thấy bực bội khó chịu, như thể gặp mặt kẻ thù; nhìn thấy những người kém hơn mình, lại tựa như trút được gánh nặng, thở phào nhẹ nhõm.
Đến tuổi trung niên, nếu bên cạnh bạn có loại người như vậy, thì sẽ rất mệt mỏi, đôi lúc dễ gặp phải những chỉ trích vô cớ, thậm chí còn bị hãm hại liên lụy. Giống như một cái cây ghen tị với một cây khác, chỉ hận không thể biến thành một cái rìu chặt một phát cho xong. Những người như vậy, lẽ nào còn không tránh thật xa?
Loại người thứ hai: Lấy oán báo ơn
Người xưa có câu: “Hữu ân bất báo phi quân tử, tri ân bất thường thị tiểu nhân”. Tiếp nhận sự giúp đỡ của người khác, lại thường nghĩ đến việc báo đáp chính là người quân tử; còn nhận ân huệ của người khác nhưng lại không nghĩ đến việc báo ân thì chính là kẻ tiểu nhân.
Một số người không chỉ đòi hỏi người khác giúp đỡ, mà còn lấy oán báo ơn. Loại người này, giống như người nông dân và con rắn vậy, cho nó ăn lại bị nó cắn một phát. Theo quan điểm của loại người này, giữa người với người chỉ có lợi ích, không có tình cảm, sau khi đạt được mục đích rồi liền qua cầu rút ván.
Giữa người với người cần có qua có lại, nhận một giọt nước, trả lại một dòng suối. (Ảnh: Investhipa)
Người xưa nói: “Người biết báo ân cũng là bậc hiền nhân”. Con người ta có thể nghèo khó, nhưng nhất định không thể vong ân phụ nghĩa, càng không thể lấy oán báo ơn. Vì đó là điểm mấu chốt cơ bản nhất của việc làm người.
“Thi Kinh” có câu: “Người quăng tặng đào, ta đáp lại mận”. Giữa người với người cần có qua có lại, nhận một giọt nước, trả lại một dòng suối. Những người lấy oán báo ân, quen biết họ thì chính là tai họa, tốt nhất là hãy tránh càng xa càng tốt, đừng cho họ có cơ hội làm tổn thương tới mình.
Cuộc đời này, bất kể 50 hay 60 tuổi, chúng ta có lẽ sớm đã minh bạch rằng ai mới là người tri kỷ, ai chỉ là khách qua đường. Bởi vậy, đừng ngần ngại kết giao với những người quân tử, có đạo đức nhân nghĩa mà tránh xa những người đem đến cho chúng ta tai họa.
Tuệ Tâm (Tinh Hoa)