Wednesday, November 9, 2016

SAO CHUỘT LẠI RÚT GIỮA ĐÊM KHUYA ?

Khỏi cần thống kê cũng biết nhiều người khổ sở do đang ngủ phải thức giấc vì đau điếng bởi vọp bẻ bắp chuối! Một số không ít nạn nhân, có lẽ vì nghe nói cầu thủ bỗng ngã ngữa trên sân là do cạn khoáng tố kalium trong máu nên tự mua thuốc điều trị, nhưng không hiệu quả! Tiếc ghê không chỉ vì mất tiền thuốc, mà vì hầu hết bệnh nhân chưa biết là việc lạm dụng thuốc kalium có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu người bệnh đã có vấn đề với nhịp tim, hay đang bị viêm thận.

Không kể trong lúc vận động, ngay cả ở trạng thái nghỉ ngơi bắp thịt vẫn phải trong tình trạng nếu không co thì duỗi để giữ vững tư thế của cơ thể. Do đó, không cần đợi đến lúc đạp xe hay đá bóng, bắp thịt bao giờ cũng cần được cung ứng đầy đủ về năng lượng và dưỡng chất, kể cả trong lúc ngủ! Thêm vào đó, bắp thịt chỉ có thể co duỗi một cách hài hòa khi có đủ một số chất điện giải cần thiết cho trạng thái quân bình của dẫn truyền thần kinh. Nếu không hội đủ các điều kiện vừa kể thì bắp thịt đến lúc nào đó bất ngờ dừng lại ở trạng thái căng cứng và qua đó gây đau nhói hơn cả bị dao đâm! Nếu biện luận về mục tiêu thì chuột rút là một phản ứng phòng vệ của cơ thể cốt để bắp thịt được nghỉ giải lao ít phút, dù là vô tình gây bất tiện cho gia chủ!

Về mặt cơ chế, bắp thịt muốn co hay duỗi theo đúng nhu cầu vận động của cơ thể phải chịu sự điều hành của não bộ thông qua tín hiệu thần kinh. Lệnh ra sao?, co nhanh hay duỗi chậm?, là do ảnh hưởng qua tỷ lệ của nhiều khoáng tố như vôi, manhê, kali và natri. Nếu vì lý do nào đó mà thành phần các khoáng tố này bị xáo trộn thì vọp bẻ sớm muộn sẽ là hậu quả khó tránh, vì cơ chỉ co vào mà không duỗi ra, hay ngược lại. Không lạ gì nếu nhiều người thất vọng sau khi dùng thuốc có kali. Trái với định kiến của nhiều người, khoáng tố manhê mới là nhân tố giữ vai trò quyết định trong phần lớn trường hợp vọp bẻ vì magne là đòn bẩy cho tiến trình hấp thu các khoáng tố khác như vôi và kali.

Nói chung thì natri ít khi tác động trực tiếp trên chuyện chuột rút. Để phòng tránh vọp bẻ do rối loạn tỷ lệ khoáng tố giữa magne, kali và canxi thì biện pháp đơn giản chính là uống cho đủ nước mỗi khi phải đổ mồ hôi. Muốn yên thân về đêm phải cố gắng uống cho đủ trong ngày. Người thường bị vọp bẻ trong lúc ngủ nên chia đều tối thiểu 2 lít nước trong ngày. Ngay cả trong lúc chơi thể thao cũng đừng quên 200ml nước mỗi nữa giờ, nếu được nước khoáng càng tốt, nếu pha với nước trái cây theo tỷ lệ 1 phần nước trái cây + 4 phần nước khoáng càng hay hơn nữa. Đừng quên là nhu cầu của cơ thể về nước và chất điện giải bội tăng nhiều lần trong chiều hướng tỷ lệ thuận với số giờ tập dượt, với số giờ dang nắng của nông dân. Uống cho đủ nhưng không nên uống quá nhiều nước sau 18 giờ để tránh tình trạng mất ngủ không vì vọp bẻ mà do… tiểu đêm!

Bắp thịt không thể vô cớ sinh vọp bẻ nếu còn đủ năng lượng. Chất đường, bên cạnh nước và chất điện giải, cũng là hoạt chất cần thiết để bắp thịt đừng bất ngờ “trơ cán cuốc” rồi bỏ rơi gia chủ trong tư thế dở khóc dở cười, như thường gặp ở cầu thủ nước ta vào hiệp hai! Bánh kẹo trên nguyên tắc là món ăn không có lợi cho sức khỏe, nhưng với người bên bờ vọp bẻ thì lại nên thuốc.

Thêm một điều cần lưu ý, vọp bẻ giửa đêm khuya là dấu hiệu thường gặp ở hai nhóm đối tượng, ở người lớn tuổi và người bị rối loạn chức năng tuyến giáp. Không cần tìm chi bài thuốc gia truyền cho phức tạp. Muốn tiếp tế cho bắp thịt đầy đủ chất sinh năng và khoáng chất nên thử uống ly sữa đậu nành (canxi, manhê) hâm nóng có pha chút mật ong (chất đường) và chuối (kali) xay nhuyễn trước khi đi ngủ.

Chuyện gì cũng có ngoại lệ. Có loại chuột rút chắc chắn không thể điều trị với bài thuốc trên. Đó là trường hợp vọp bẻ bắp thịt quai hàm của các bà nghiến răng trèo trẹo suốt đêm vì ông nhà đến gần sáng vẫn còn họp khẩn với bạn bè ở quán nhậu nào đó.
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng

No comments: