Thursday, March 9, 2017

MẶC TỬ VÀ MARTIN LUTHER KING

Phải thành thật với các bạn, nếu hỏi tôi về Khổng Tử, Lão Tử hoặc Phật học, ít hoặc nhiều, tôi có thể cùng bạn nói chơi đôi chút. các bạn hỏi tôi về Mặc Tử (墨子) , xin thưa, tôi chắc chắn có nghe qua nhưng nếu tiếp tục hỏi Mặc Tử là ai? Triết lý gì? Xin nói thưc tôi không và chưa nghiên cứu qua.


Nếu hỏi Mục sư Martin Luther King là ai? Tôi biết và hiểu ông qua câu nói nổi tiếng: "I have a dream", còn giữa ông và Mặc Tử có sự tương đồng như thế nào. Sorry, tôi không biết, nhưng có một bài viết về chuyện này. Các bạn có thích thì đọc tiếp. (LKH)

SỰ TƯƠNG ĐỒNG GIỮA TRIẾT GIA TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI MẶC TỬ VÀ NHÀ HOẠT ĐỘNG NHÂN QUYỀN MARTIN LUTHER KING

Kể từ năm 1971, ngày thứ Hai của tuần thứ ba trong tháng Một hàng năm là ngày quốc lễ tại nước Mỹ để tôn vinh ngài Martin Luther King Jr.—vị lãnh tụ vĩ đại về quyền công dân Mỹ. Hôm nay, ông được tưởng nhớ đến không chỉ vì những đóng góp cho phong trào dân quyền cách đây nửa thế kỷ, mà còn vì những giá trị phổ quát đã được phản ánh trong những thành tích và sự hy sinh của ông.
“Tôi không chấp nhận quan điểm cho rằng con người là tấn bi kịch bị ràng buộc vào những đêm tối của sự phân biệt chủng tộc và chiến tranh, khiến cho bình minh tươi sáng của hòa bình và tình huynh đệ không bao giờ có thể trở thành hiện thực”. Ngài King nói trong bài phát biểu nhận giải Nobel rằng “Tôi tin rằng sự thật không cần vũ khí và tình yêu vô điều kiện sẽ mang đến kết quả sau cùng”.
Đối với ngài, con đường đi đến sự tốt lành và tiến bộ là một vấn đề của sự giác ngộ về mặt ý thức.
Hàng trăm năm trước Công nguyên, trong thời chiến tranh loạn lạc tại Trung Quốc, triết gia Mặc Tử đã thấy được những nguyên tắc tương tự trong cách hành xử:

Mặc Tử đã dạy trong cuốn sách “Mặc Tử” của ngài rằng: “Đương xét loạn hà tự khởi? Khởi bất tương ái" 當察亂何自起,起不相愛 (Tạm dịch: Vậy thì sự hỗn loạn xuất phát từ đâu? Chính là do không yêu thương nhau).


Mặc dù ít được biết đến trong thời đại chúng ta, song những giáo lý nhân đạo và hòa bình của triết gia bình dân này rất được trọng vọng vào thời kỳ đó.
Giống như Martin Luther King, Mặc Tử đã thực hành những gì ngài tuyên giảng. Ngài vốn là một thợ mộc kiêm kỹ sư sống ở thế kỷ thứ năm và thứ tư trước Công nguyên, một giai đoạn trong lịch sử Trung Quốc được gọi là thời kỳ Chiến Quốc. Như cái tên cho thấy, ở thời kỳ này Trung Quốc được chia thành nhiều thế lực tranh giành lẫn nhau quyền kiểm soát “thiên hạ”.
Mặc Tử và những đệ tử của ngài thường bôn ba đến các nước chư hầu và đàm phán với nhiều vị quân vương, ấp ủ hoài bão rằng những vị ấy sẽ từ bỏ kế hoạch chinh phục những nước khác và cai trị đất nước mình theo đường lối hòa bình. Ngài Mặc Tử ghét chiến tranh, nhưng tin rằng việc duy trì phòng thủ kiên cố sẽ giúp các nước tránh bị xâm lược về mặt quân sự (từ các nước lớn). Vì thế ngài đã vận dụng kỹ năng mộc của mình để dựng lập các chiến lũy, trợ giúp ngài theo đuổi hoài bão ấy.
Mặc Tử ngăn chặn một cuộc tấn công
Từ bỏ chiến tranh dường như là một quyết định có giá trị về mặt đạo đức, nhưng đối với những vị quân vương mà ngài thương thuyết, ngài Mặc Tử có thể biến nó thành một vấn đề thực tế.


Một lần, vua nước Sở—nước lớn nhất trong số các chư hầu—muốn tấn công nước Tống. Lúc bấy giờ nước Sở có một kỹ sư giỏi tên Công Du Ban sáng tạo được vân thê (thang mây), là một loại vũ khí tân tiến có thể công phá được thành trì kiên cố của nước Tống. Ngài Mặc Tử nghe được những kế hoạch này đã vội tức tốc lên đường đến nước Sở. Ngài đi liên tục suốt mười ngày đêm để đến giảng giải cho Sở vương và Công Du Ban.
Tại cung điện nước Sở, ngài đã cố gắng đưa ra những lý lẽ thuyết phục Sở vương không nên tấn công nước Tống. Nhưng Sở vương muốn Mặc Tử chứng minh lời nói của mình trước mặt Công Du Ban. Ngài Mặc Tử tạo ra một số miếng gỗ, cởi thắt lưng của mình, rồi đặt chúng trên mặt đất. Thắt lưng đại diện cho tường thành nước Tống, và các miếng gỗ đại diện cho lực lượng quân đội của hai nước.
Đại diện cho quân nước Sở, Công Du Ban đã cầm một số miếng gỗ và cố gắng dùng tay để đánh nhau với Mặc Tử. Họ đã qua chín trận tiến thoái giao tranh, dù cho Công Du Ban có cố gắng đưa ra bất kỳ kế hoạch tấn công nào đi nữa , thì ông vẫn thấy mình bị thất bại bởi sự phòng thủ của ngài Mặc Tử.
“Vậy thì chỉ còn một cách để đánh bại ông…”, Công Du Ban tuyên bố trong bối rối.
Ngài Mặc Tử trả lời: “Tôi biết ông đang muốn lập mưu sát hại tôi, như vậy sẽ không còn ai lãnh đạo phòng thủ cho nước Tống. Ông đang nghĩ rằng nếu tôi chết thì cuộc xâm lược sẽ thành công. Tuy nhiên, tôi cảnh báo ông nhé, ba trăm đệ tử của tôi đang đợi sẵn ở cổng thành nước Tống. Chúng đã được trang bị các chiến cụ phòng thủ do tôi sáng chế và đều tinh thông phương pháp của tôi. Kể cả khi ông giết tôi ngay tại đây, thì nước Tống chắc chắn vẫn có đủ sức mạnh phòng thủ để đối chọi với quân cướp nước”.
Sở vương sau đó đã cân nhắc và quyết định không tấn công nước Tống.


Chủ thuyết của Mặc Tử
Theo lời ngài Mặc Tử, thực hiện bình đẳng, kiêm ái 兼愛 (yêu quý mọi người như nhau) là cách duy nhất để đảm bảo một xã hội hài hòa và vị tha. Điều này được lưu lại trong cuốn “Mặc Tử”—một bộ kinh sách ghi chép các nguyên tắc về giáo lý của ngài, Mặc Tử đã có những quan điểm như sau:
“Nếu tất cả mọi người trên thế giới cùng yêu thương lẫn nhau (kiêm ái), nước này không tấn công nước khác, nhà này không làm phiền nhà khác, trộm cướp không còn đất lộng hành; vua—tôi, phụ—tử luôn thương yêu và cung kính nhau—nếu được như thế thì thế giới sẽ có trật tự. Vì lẽ ấy, bậc thánh nhân cai trị thiên hạ như thế nào để có thể giảm bớt sự hận thù và khuyến khích tình yêu thương?”.
Đề cập đến hành vi sát nhân, ngài Mặc Tử đưa ra lập trường về việc (các nước lớn) phát động chiến tranh: “Bậc quân tử trong thiên hạ đều nhận thức rằng sát nhân cần bị lên án, coi đó là hành động phi nghĩa. Nhưng đối với những cuộc chiến tranh lớn giữa các nước, thì họ không biết rằng họ cần phải lên án nó. Ngược lại, họ hoan nghênh nó, cho đó là hành động chính nghĩa”.
Giáo lý của ngài Mặc Tử vẫn thường được coi là đối lập với những lời dạy của đức Khổng Tử. Nho học mặc dù ủng hộ tình huynh đệ tương thân tương ái, nhưng không xây dựng một hệ thống triết lý “kiêm ái”—đó là tình thương bình đẳng và phổ cập mà ngài Mặc Tử hy vọng. Thay vào đó triết lý Nho gia lại nhấn mạnh đến sự tu dưỡng đức hạnh cá nhân và cai trị bằng đạo đức: “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.


Ngài Mặc Tử cũng không đồng ý với sự nhấn mạnh của Khổng giáo đối với lễ nghi và âm nhạc. Trong khi Đức Khổng Tử cho rằng đây chính là các khía cạnh của đời sống xã hội có thể mang lại trật tự và sự ổn định, thì với con mắt của một kỹ sư, ngài Mặc Tử đã nhận thấy chúng là một sự phung phí rất lớn về nguồn lực trong việc tăng cường phúc lợi xã hội.
Cuối cùng, thời Chiến Quốc đã kết thúc khi Trung Quốc bị chinh phục bởi nước Tần hùng mạnh. Vị vua của nước này, người đã trở thành hoàng đế đầu tiên, đã không đi theo trường phái của Khổng giáo lẫn Mặc gia, mà còn sử dụng bạo lực để đè bẹp cả hai trường phái này. Nhiều học giả đã bị trừng phạt và kinh thư của họ đã bị thiêu hủy.
Triều đại nhà Tần chỉ kéo dài 15 năm, và sớm bị thay thế bởi triều đại nhà Hán huy hoàng nhất. Các học giả Trung Quốc đã phục hồi và truyền bá các tác phẩm của nhà hiền triết Khổng Tử, và kể từ đó, những giáo lý cùng với đạo đức của đức Khổng Tử đã trở thành một phần cơ bản của văn hóa và văn minh Trung Quốc. Mặt khác, phần lớn giáo lý của ngài Mặc Tử gần như đã bị lịch sử quên lãng.
(Sưu tầm trên mạng)

No comments: