Sunday, March 19, 2017

PHÁ GIẢI CÁCH HIỂU SAI LẦM TRONG MỘT CÂU NÓI CỦA KHÔNG TỬ

Văn hóa truyền thống vốn mang nội hàm rất lớn. Nếu chỉ xem bề mặt chữ nghĩa hoặc chỉ bó buộc vào nội dung đơn lẻ một vài câu nói mà không hiểu được ngữ cảnh phát xuất câu nói, lại vội vàng gán ghép cho tác giả những ý tứ bản thân thiển cận hiểu được, như vậy thật đáng tiếc và uổng công tâm sức của những bậc thánh hiền! Dưới đây là một ví dụ.


Rất nhiều người biết rõ Khổng Tử đã từng nói câu: “Duy nữ tử dữ tiểu nhân, vi nan dưỡng dã” (唯女子與小人為難養也), nhưng lại không biết phía sau còn có một câu: “Cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán” (近之則不孫 遠之則怨). Có nghĩa là “Duy có bọn con gái và tiểu nhân là khó dạy bảo; nếu mình gần họ và dễ dãi với họ thì họ sinh ra lờn mặt, còn mình nghiêm nghị thì họ oán ghét”.

Từ câu này, nhiều người hiểu nhầm rằng Khổng Tứ có ý khinh miệt phụ nữ, quy đồng “phụ nữ” và “tiểu nhân” là 2 đối tượng “khó dạy bảo”, rồi từ đó gia cường thêm quan niệm “trọng nam khinh nữ” và khăng khăng cho rằng văn hóa truyền thống Nho gia từ xưa đã có sự phân biệt đối xử nam nữ như thế rồi. Thế nhưng, ít ai chịu bình tâm suy xét, tìm hiểu kỹ càng những hoàn cảnh, câu chuyện đằng sau của từng câu nói đó.



Bậc thánh nhân, mỗi lời nói, mỗi hành vi cử chỉ đều cẩn thận suy xét, làm tấm gương cho học trò và người hậu thế. Thế thì, trong hoàn cảnh nào Khổng Tử lại nói câu đó?

Trong “Sử ký: Khổng Tử thế gia” có đề cập tới lúc trước chuyến đi tới nước Vệ của Khổng Tử: [Khổng Tử ở Vệ hơn một tháng. Vệ Linh Công cùng phu nhân ngồi trên xe, viên hoạn quan là Ung Cứ cùng ngồi đi ra, sai Khổng Tử ngồi trên cái xe đằng sau. Mấy người lượn qua chợ trước mặt đông người. Khổng Tử nói rằng: “Ngô vị kiến hảo đức như hảo sắc giả dã” (Tạm dịch: Ta chưa hề thấy có người nào yêu đức như yêu sắc đẹp). Thế là (Khổng Tử) cảm thấy khó chịu về việc đó và rời khỏi nước Vệ].


Có thể diễn giải phần ghi chép này như sau:

Khổng Tử được vua nước Vệ mời đến đây tham quan, học tập và tịnh dưỡng; nhưng khi ở đó, Khổng Tử đột nhiên phát hiện người ta vốn dĩ chỉ là muốn lợi dụng thân phận của Khổng Tử để khoe khoang và tâng bốc chính mình mà thôi, cũng không phải thật lòng muốn Khổng Tử tới đây trợ giúp giáo huấn dân chúng nước Vệ, nhất là phu nhân của Linh Công nước Vệ, vì để tâng bốc thân phận của mình, nên khoe khoang rất lộ liễu. Sau khi rời đi, Khổng Tử nhớ tới việc phu nhân của Linh Công nước Vệ ỷ mình được sủng ái nên đã ngang ngược, kiêu ngạo, ương ngạnh, loạn chính, nhiễu dân, thế nên nảy sinh cảm khái: “Duy nữ tử dữ tiểu nhân, vi nan dưỡng dã; cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán”. (唯女子與小人為難養也; 近之則不孫 遠之則怨)


Thật ra, “nữ tử” ở đây, cũng không phải là chỉ “nữ nhân” (người nữ) thời nay. Truyền thống cổ đại gọi “nhi tử” (con trai), “nữ nhi” (con gái) là “tử” (con), “tử” cũng là chỉ con gái. Ở đây nói “nữ tử”, trước chữ “tử” thêm một chữ “nữ”, là đặc biệt chỉ rõ ra là “nữ nhi” (con gái). Còn từ “dã”, trong “Thuyết văn giải tự” giải thích rằng: “Dữ, tứ dữ dã”, từ “dã” trong ý “giá” (gả) ở đây là “giá dã” (gả cho ai đó…). Thế nên, hàm nghĩa cả câu nói này chính là phản ảnh cách thức hay quan điểm chọn rể của Khổng Tử.

Tức là: “Chỉ khi đem con gái gả cho tiểu nhân, mới khó ở chung. Ở gần, kẻ đức hạnh thấp hèn, hành vi vô lại, ở gần không (chịu) được; ở xa, lòng nhớ mong con gái, xa cũng không đành”.


Phu nhân của Linh Công nước Vệ vì sao lại có thể hống hách ngang tàng như thế? Chính là ỷ vào sự sủng ái thái quá của Linh Công, chỉ vì ham mê sắc đẹp mà dễ dãi để cho vợ mình mặc sự ngang tàng, hống hách, bất kính với bậc thánh nhân. Nguyên vì Linh Công là người yêu sắc hơn yêu đức, nếu như thế thì chẳng khác gì kẻ tiểu nhân, phẩm chất thấp kém, hành vi vô lại. Thế nên, câu này vừa thể hiện sự cảm khái của Khổng Tử trong hoàn cảnh xấu hổ ở nước Vệ, vừa hàm ý muốn nhắc nhở thế nhân cách chọn rể khi có con gái.


Xem ra, thông qua câu nói và câu chuyện đằng sau câu nói này, chúng ta học hỏi được rất nhiều điều từ Khổng Tử: 

  • Cách chọn rể khi có con gái, chọn người có phẩm cách;
  • Trọng đức hơn trọng sắc, người con gái cao quý không phải ở dung mạo, địa vị, mà chính là đức hạnh;
  • Khi nhìn nhận một điều gì, cần bỏ sức tìm hiểu ngọn nguồn và hoàn cảnh phát sinh; chớ nên vội dùng hiểu biết thiển cận của mình mà gán ghép; hậu quả trước là hiểu sai, hình thành nên quan niệm sai, sau là không tôn trọng đối với người viết, người nói, đó cũng là nghĩ cho người khác; về phương diện tu luyện, đó chính là khẩu nghiệp, tùy tiện nói điều gì, tự ý gán ghép hiểu biết sai lệch của bản thân vào câu nói của người khác khi chưa hiểu ngọn ngành sẽ gây nghiệp lực khó mà trả cho hết.
Mai Mai, theo ca.ntdtv.com