Mới đọc được bài của một bạn giới thiệu vể chợ Đồng Xuân Hà Nội rồi có một bạn khác nhắc về phố Huế ở Hà Nội, lạ quá !?
Tôi đã đến Hà Nội tháng 12/2013 ở đó mấy ngày, lang thang 36 phố phường trên một chiếc xích lô do một người Hà Nội chở vòng vòng, vào chợ Đồng Xuân, vòng quanh các điểm du lịch chính yếu cùa HN với người tour guide chuyên nghiệp, một mình đi qua, đi lại... nhưng không nghe ai nói hay cho biết ở Hà Nội có "phố Huế".
Tức mình, lên mạng lục lọi tùm lum, xong rồi tìm ra được. Tại mình không biết chớ ở Hà Nội thật sự có "phố Huế" từ lâu ngay cà trước thời Pháp thuộc, nhưng ít ai nói ngoại trừ dân HN chính cống mới biết. Trên mạng Wikipedia chỉ có mấy câu rồi chấm hết như sau:
"Phố Huế là một phường thuộc quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Phường Phố Huế có diện tích 0,2 km², dân số năm 1999 là 12189 người, mật độ dân số đạt 60945 người/km²."
Phường Phố Huế có diện tích 0,2 km², dân số năm 1999 là 12189 người, mật độ dân số đạt 60945 người/km²."
Cuối cùng cũng kiếm được một bài viết giới thiệu đôi chút nhưng cũng tạm cho ta hiểu sơ lược. (LKH)
PHỐ HUẾ Ở HÀ NỘI
Phố Huế bắt đầu từ phố Hàng Bài đến Ô Cầu Dền dài gần 1.200m. Xưa kia đây là khúc đường trọng yếu của con đường Thiên Lý (đường chạy trạm) nối kinh thành Thăng Long với các tỉnh thành phía Nam . “Huế” là tên thành phố miền Trung còn có tên là Phú Xuân, Thuận Hóa. Nơi đây từng là Kinh đô triều Nguyễn (1802-1945).
Thời tạm chiếm Pháp cũng đặt tên phố là Route de Hue: Đường Huế. Năm 1945 đổi tên phố Duy Tân. Năm 1959 phố chính thức mang tên Phố Huế.
Những năm cuối thế kỷ 19 phố Huế chỉ lác đác có vài ngôi nhà gạch còn chủ yếu là nhà lá của các làng xóm cũ: phường Phúc Cổ, thôn Ý Phường, thôn Đông Hạ, thôn Yên Thọ thuộc Tổng Tả Nghiêm huyện Thọ Xương. Thời ấy phố Huế là vùng ngoại thành, hai bên đường rải rác vẫn còn những ao hồ, vườn chuối, nghĩa địa. Cánh buôn gà, vịt, rau quả vào các buổi chiều ế hàng từ nội thành kéo nhau xuống chùa Đức Viên ngồi bán nốt. “Chợ Cóc” đông dần và có tên “chợ Hôm”, chợ chỉ họp vào buổi chiều hôm. Về sau người mua kẻ bán tấp nập chợ họp cả ngày đã biến một đoạn phố Huế ngắn này một thời có tên gọi mới “Dốc hàng Gà” - Phố hàng Gà – chợ Hôm. Rồi khi chiều tà hàng không bán hết cánh buôn lại kéo nhau xuống cuối phố Huế (phố Thịnh Yên bây giờ) để bán nốt. Người dân nơi đây “vui miệng” đặt tên là “chợ Đuổi”, “chợ Trời” (chợ phơi giữa trời, không lều, quán).
Năm 1923, một quan chức người Pháp làm ở Phủ Toàn Quyền xây ngay đầu phố bên dãy lẻ một ngồi nhà hai tầng sang trọng có sân vườn rộng, hàng rào sắt bao quanh. Tiếp theo ngôi nhà ấy vẫn chỉ là một khu vườn chuối lớn. Cổng vườn có một bà lão ngồi bán hàng nước chè xanh, chè vối cho cánh phu xe kéo. Vườn chuối thành nơi thay quần áo, chuyển đổi xe của đám phu xe, nơi đây thường xảy ra các cuộc cãi vã om sòm, chửi mắng, đánh đập của cai xe với người thuê xe nợ tiền. Xế cổng vườn bên dãy chẵn số nhà 26 là nhà cai Tước chủ cai xe. Nhà 28, 30, 32 là những quán cơm xuất 1 xu cho đám phu xe và người ít tiền. Số nhà 40 gia đình nghệ sĩ Ái Liên cũng là một quán nước. Vài cửa hàng xén nhỏ bán đủ thứ lặt vặt: kim, chỉ, xà phòng, bồ kết, diêm, thuốc lào, guốc gỗ v.v…
Những năm 1930 một số nhà có tiền mua đất xây nhà cho thuê như Phúc Lợi chủ cửa hàng đồ gỗ số 9 đã xây một dãy nhà 13, 15, 17, 19. Nhà Hanh Lợi làm một dãy nhà gần chục gian. Vũ Minh Châu thầu khu đất lớn xây dựng một dãy nhà 2 tầng 24 gian, 2 dãy nhà 1 tầng 24 gian gần cuối phố Huế v.v… Người thuê nhà là những công chức hạng trung họ đi làm cả ngày, cửa khóa im ỉm.
Sau năm 1940 phố Huế đã hình thành phố buôn bán lớn với cửa hàng “Núi Điện” nhà số 8 chuyên kinh doanh ngành điện, xây nhà 3 tầng bằng bê tông. Gác trên có điện thờ đắp tượng đầu người 3 mặt như tượng Khmer. Đức Thành 58, 58B bán đèn măng sông, đồ điện, đồ sắt. Lê Cường số nhà 88 làm nhà in, nhà xuất bản. Số nhà 99 là nhà xuất bản Phương Đông của Lê Tràng Kiều. Hàng loạt hiệu thuốc đông y lớn cũng được mở ra rải rac trên phố. Hiệu Phúc Đình chuyên trị bệnh sốt rét nhãn hiệu “con chim”. Nhà Phúc An chuyên chữa bệnh trẻ em; Lý Sáng thuốc đông y chuyên chữa bệnh người lớn số nhà 162 v.v…
Năm 1950 ông chủ giầu có Đức Âm đã mua khu đất vườn của tổng đốc Đỗ Văn Tâm xây rạp chiếu bóng Đại Nam bề thế, hiện đại.
Lịch sử cách mạng của Hà Nội trên phố Huế có số nhà 22B là nơi Hoàng Văn Thụ đến ở hoạt động cách mạng tháng 9 năm 1939. Trong ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1945 ngay đêm đầu tiên người dân phố Huế đã cùng các chiến sĩ tự vệ đại đội 3 tiểu đoàn 77 đắp chắn ngang đường một ụ chiến đấu như một bức tường thành cao tới mái nhà ngăn không cho quân địch vượt qua Ô Cầu Dền. Ngày 26/12/1945 quân địch phải dùng đến xe tăng và háp-tơ-rắc ủi, phá. Tự vệ ta đã dùng ba-dô-ka bắn cháy 1 xe tăng, 1 háp-tơ-rắc. Bất lực chúng đành phải dùng súng cối và trung liên từ xa bắn phá liên hồi. Để bảo đảm an toàn lực lượng trường kỳ kháng chiến giành lại thủ đô. Ngày 16/1/1947 chiến sĩ tự vệ rút ra ngoại thành.
Ngày nay phố Huế là một trung tâm thương mại lớn của Thủ Đô. Chợ Hôm – Đức Viên từ một khu chợ lụp xụp vài ngôi nhà cấp 4 nơi mậu dịch quốc doanh sử dụng bán mặt hàng cung cấp theo định lượng còn lại là những túp lều tranh của những người buôn bán nhỏ.
Năm 1991, chợ Hôm – Đức Viên đã xây thành tòa nhà cao 3 tầng có tổng diện tích mặt bằng 12.612m2 với 650 rạp hàng. Khu vực để xe rộng 320m, 10 cầu thang lên xuống, 6 cổng ra vào. Với quy mô như vậy sức chứa của chợ nâng lên từ 420 điểm bán cũ lên 1137 điểm bán mới ngăn nắp, sạch sẽ.
Cuối phố Huế có khu chợ Đuổi, chợ Trời (trong phố Thịnh Yên và ngõ Thịnh Yên). Thời gian dài chợ chỉ mua bán lén lút các loại quần áo cũ, xe đạp cũ, dép lốp và các mặt hàng linh tinh.
Tháng 3/1985 Ủy ban Nhân dân Quận Hai Bà Trưng ra quyết định chính thức thành lập chợ và đặt tên là chợ Hòa Bình. Số hộ đăng ký kinh doanh lên đến 800 hộ, chợ chuyên doanh các mặt hàng điện máy, ngành hàng xe đạp, xe máy, ô tô (săm lốp, vòng bi, piston, công-tơ-mát v.v…) ngành hàng dụng cụ gia đình, dụng cụ cầm tay khá phong phú. Trong chợ còn bày bán các loại quần áo may sẵn, giày dép, tạp hóa.
Đi trên phố Huế hôm nay, người Hà Nội và khách nước ngoài đều cảm nhận sức sống mạnh mẽ của một thị trường năng động, đa dạng, tiềm tàng năng lực kinh doanh.
Hai bên phố các cửa hàng thời trang cơ man kiểu quần áo, giầy dép sang trọng kiêu sa đắt tiền, duyên dáng khoác trên thân hình những bộ quần áo quyến rũ, hấp dẫn người mua. Hàng điện tử, điện máy bày la liệt sáng loáng như lời chào mời chân tình khách qua đường. Hàng trăm cửa hàng xe máy, xe đạp rực rỡ màu sắc phô bày phương tiện giao thông lịch sự, quý phái. Hàng chục cửa hàng ăn uống, rộng rãi thoáng mát, với những giàn hoa hồng tươi, những cành cây cảnh xanh dịu tạo một không gian thư thái cho thực khách thưởng thức các món ăn thật khoái khẩu.
Giống như thiếu nữ trẻ trung tươi tắn vẫn chưa hài lòng với vẻ đẹp xinh sắn hiện tại của mình. Hàng chục ngôi nhà, hàng chục cửa hàng trên phố Huế đang được xây dựng, sửa sang, hoàn thiện, vươn cao, hiện đại, bề thế dường như muốn đón đầu sự chuyển biến mạnh mẽ của thế kỷ mới đang hăng hái tiến lên phía trước.
LÊ NHẬT THĂNG
Tái Bút: Tôi nghĩ, tôi đã qua lại ở phố Huế vài lần nhưng không ai nói nên không biết. Hà Nội đẹp lắm, tôi sẽ còn đi thêm vài lần nữa. Cái đẹp ở HN khác Sài Gòn, HN êm đềm, lịch sự, cho ta cái cảm giác an toàn hơn khi đi dạo vào đêm. Tin tức thì ghê lắm, có lẽ ở HN "Gà cồ không ăn gạo tấm" (大雞唔食細米) cho nên ra HN không sợ bị móc túi, giựt đồ, chỉ có những vụ làm ăn lớn mà thôi. Mình dân thường nên không ai để ý đến. Thật sự là như thế, tôi đã kinh nghiệm rồi. Đi lang thang trên phố HN, không có ăn xin, không có ai theo mời bán vé số, không ai dòm ngó mình và nhất là những nơi du lịch không bao giờ thấy người tàn tật ăn xin...Mọi người đều tự trọng. Thiệt hay giả, không ai biết nhưng thật sự những ngày tôi thăm xứ Bắc là như vậy chớ không như lời đồn đại. (LKH).