Monday, August 20, 2018

BÀI KIỂM ĐỊNH KỲ

Trong cuộc sống hàng ngày, tôi rất ít khi đi gặp Bác Sĩ để khám bịnh trừ khi gặp BS để xin thuốc trị gout. Gần cả chục năm tôi mới đi thử máu để khám tổng quát còn người khác thì một năm khám tổng quát ít nhất 2 lần. Có lẽ tôi muốn tiết kiệm cho chánh phủ Úc vì ở đây khám bệnh không mất tiền. Bài viết hôm nay của BS Lương lễ Hoàng cho ta một khái niệm tổng quát về việc khám định kỳ. Ai thích thì tiếp tục khám tổng quát theo định kỳ thường xuyên. Đó là một điều rất tốt. Còn ai làm biếng gặp BS như tôi thì đọc bài này để coi chừng chết bất tử vì không đi khám ở nơi mà khám bệnh và khám tổng quát không phải trả tiền.



BÀI KIỂM ĐỊNH KỲ 

Ai cũng biết ít nhiều về vai trò quan trọng của sinh tố A, D, E, C. Cả 4 loại sinh tố này càng được lưu tâm hơn nữa kể từ khi thầy thuốc hiểu rõ hơn về tác hại ngấm ngầm của chất oxy-hóa trong tất cả các căn bệnh được xếp loại vào nhóm “bệnh thời đại”, từ cao huyết áp cho đến cườm mắt. Lý do rất dễ hiểu, vì cả 4 loại sinh tố vừa kể đều là chất kháng oxy-hóa, nghĩa là hoạt chất có công năng trung hòa độc chất trong môi trường ô nhiễm, tia tử ngoại trong ánh nắng gắt, phế phẩm nội sinh từ tiến trình biến dưỡng của cơ thể, hóa chất tổng hợp trong sản phẩm tiêu dùng…
Cũng từa tựa như túi tiền. Thừa chút bao giờ cũng tốt hơn cạn túi. Chính vì thế cần đánh giá chính xác về nguồn dự trữ của 4 loại sinh tố vừa kể vì theo kết quả của hàng loạt công trình nghiên cứu, không quá khó để dự phòng nhiều bệnh chứng nghiêm trọng nếu cơ thể lúc nào cũng đừng thiếu A, D, E và C.
Muốn biết không mấy khó. Với bốn nhóm câu hỏi dưới đây độc giả có thể qua đó vừa tự đánh giá khả năng kháng bệnh, vừa phát hiện các yếu tố bất lợi cho hoạt động của hệ thống phòng vệ của chính mình. Chỉ cần trả lời các câu hỏi dưới đây với ĐÚNG (Đ) hay SAI (S), rồi sau đó tổng kết số câu đã trả lời với đúng.


A. Tiêu chí đánh giá khả năng thiếu hụt sinh tố A
1. Bạn đang hút thuốc? (Đ) (S)
2. Bạn uống rượu bia mỗi ngày? (Đ) (S)
3. Bạn phải làm việc nhiều giờ ngoài trời? (Đ) (S)
4. Bạn không quen ăn cải hơn 2 lần trong tuần? (Đ) (S)
5. Bạn ít khi ăn trái cây nhiều hơn 2 lần trong tuần? (Đ) (S)
6. Bạn thường bị quáng gà? (Đ) (S)
7. Bạn làm việc với máy vi tính nhiều hơn 4 giờ mỗi ngày? (Đ) (S)
8. Bạn dễ bị viêm họng? (Đ) (S)
9. Bạn hay bị nứt nẻ gót chân? (Đ) (S)
10. Bạn đang có thai hay đang cho con bú? (Đ) (S)
B. Tiêu chí đánh giá khả năng thiếu hụt sinh tố D
1. Bạn đã bị bệnh cột sống? (Đ) (S)
2. Bạn hay bị hư răng? (Đ) (S)
3. Bạn đã bị bệnh bướu cổ? (Đ) (S)
4. Bạn ăn chay trường? (Đ) (S)
5. Bạn kiêng cá biển? (Đ) (S)
6. Bạn ít khi ăn nấm? (Đ) (S)
7. Bạn không uống sữa? (Đ) (S)
8. Bạn hút thuốc? (Đ) (S)
9. Bạn chỉ làm việc trong văn phòng? (Đ) (S)
10. Bạn đã bị loãng xương? (Đ) (S)


C. Tiêu chí đánh giá khả năng thiếu hụt sinh tố E
1. Bạn đang được điều trị bệnh tim mạch? (Đ) (S)
2. Bạn dễ bị phù nề tay chân? (Đ) (S)
3. Bạn ít chơi thể thao? (Đ) (S)
4. Bạn phải làm việc thường xuyên dưới trời nắng gắt? (Đ) (S)
5. Bạn phải làm việc trong môi trường ô nhiễm? (Đ) (S)
6. Bạn hút thuốc? (Đ) (S)
7. Bạn ít khi dùng dầu ăn thực vật? (Đ) (S)
8. Bạn không quen ăn các món ăn có đậu nành? (Đ) (S)
9. Bạn theo chế độ kiêng khem để làm ốm? (Đ) (S)
10. Bạn ăn chay trường? (Đ) (S)
D. Tiêu chí đánh giá khả năng thiếu hụt sinh tố C
1. Bạn hút thuốc hơn 5 điếu mỗi ngày? (Đ) (S)
2. Bạn thường bị cảm cúm? (Đ) (S)
3. Bạn hay uống thuốc aspirin, paracetamol hay acetaminophen? (Đ) (S)
4. Bạn không ăn trái cây nhiều hơn 3 lần trong tuần? (Đ) (S)
5. Bạn không quen dùng các món rau trộn với dầu dấm? (Đ) (S)
6. Bạn ít khi uống nước ép trái cây? (Đ) (S)
7. Bạn thường dùng thực phẩm công nghiệp? (Đ) (S)
8. Bạn thường dùng thức ăn hâm lại nhiều lần? (Đ) (S)
9. Bạn ít khi có món cải luộc hay hấp trên bàn ăn? (Đ) (S)
10. Bạn thường bị căng thẳng thần kinh? (Đ) (S)


Với bản trắc nghiệm nào cũng thế, chỉ cần hội đủ 6 câu trả lời với đúng thì đã đến lúc bạn cần lưu ý bổ sung loại sinh tố tương ứng. Khác với chuyện thi cử, người muốn có kết quả trung thực về nguồn dự trữ sinh tố không cần tốn công “chạy trường”, cũng không cần lận lưng tài liệu. Chỉ cần thành thật với chính mình để đừng tìm cách quanh co với các câu hỏi nêu trên. Với sức khỏe thì đáp án bao giờ cũng đơn giản, nhưng chính xác, hoặc trắng, hoặc đen, không thể nửa trắng nửa đen, cũng không thể có màu xam xám, trừ khi tác giả cố ý pha màu.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng.