- Các anh biên tập làm sao mà bây giờ đọc báo xong người ta ra đường sợ bị cướp, ở nhà sợ bị đâm bị hiếp! Thậm chí mới có gia đình khi bị đe dọa thảm sát, thay vì “méc” công an thì nạn nhân lại làm đám tang cho người sống để cậy nhờ âm binh bảo vệ mình! Lãnh đạo vừa phê bình chính các bài báo mô tả quá chi tiết tội ác đã khiến công chúng hoang mang, mất niềm tin vào luật pháp!
Thư ký tòa soạn vội triệu tập toàn thể phóng viên, giơ cao chiếc kéo:
- Tôi cấm từ nay không được mô tả tường tận các hành vi man rợ! Ai vi phạm, tôi... cắt!
Các phóng viên dạ rân rồi tỏa đi tác nghiệp. Cuối ngày, các bản tin phóng viên gửi về chỉ vỏn vẹn vài dòng: “Hôm qua, tại thành phố X, sau một vụ va quẹt nhẹ giữa đường, một trung niên hưởng dương, một thanh niên bị bắt”; “Hôm nay, tại một đám cưới ở tỉnh Y, một thực khách nghĩ mình bị nhìn đểu, hai ngày nữa là đám tang của người nhìn”; “Tại tỉnh Z, do không được đáp lại tình yêu, một chàng trai đã dùng một vật cứng chuyển cả nhà người yêu từ trạng thái đang sống sang từ trần!”
Trang tin dàn xong, đưa cho tổng biên tập duyệt, sếp đập bàn cái rầm:
- Trời ơi là trời! Viết thế này công chúng càng hoang mang vì chẳng hiểu tại sao ở xứ này người ta lại có thể chết vì những chuyện lãng xẹt! Không được, phải biến cái tiêu cực thành tích cực! Chẳng lẽ ở đây không có nhà báo nào làm được chuyện dễ như vậy?
Một phóng viên vội lôi laptop gõ lách cách rồi trình lên bản tin sau: “Do có số thảm sát luôn vượt so với cùng kỳ năm trước, nước ta được kỳ vọng sẽ là quốc gia kiểm soát dân số tốt nhất, góp phần đẩy lùi nạn nhân mãn trên phạm vi toàn cầu!”
Người già chuyện
Nguồn: Người Đô Thị Online