Saturday, August 15, 2020

NHÌN LẠI VÀI NHÂN VẬT TÀI BA MÀ VÔ ĐẠO TRONG LỊCH SỬ

Cổ nhân thường đàm luận về tiêu chuẩn dùng người, mà quan niệm phổ biến nhất chính là đặt đức lên trên tài, tuy vậy đôi khi cũng có người đặt tài ngang bằng đức như trong cuốn “Nhân Vật Chí” thời Nguỵ Tấn của Lưu Thiệu. Xuyên suốt lịch sử, có hai nhân vật cá biệt rất đỗi tài hoa, ngang dọc một thời, nhưng vì phẩm đức thấp kém mà gây tai họa cho quốc gia, bách tính.


Sái Kinh: Từ “đại thư pháp gia” tài hoa thành “tặc”

Sái Kinh là người thời Bắc Tống, từng đảm nhiệm chức tể tướng, thượng thư Bộ Hộ, nhưng lại là gian thần nổi tiếng, một trong những nhân vật khiến Bắc Tống diệt vong.

Sái Kinh có con mắt nghệ thuật hơn người, viết chữ rất đẹp, có thể nói là tài hoa ngời ngời. Ông từng theo học những đại sư như Thái Tương, Từ Hạo, Thẩm Truyền Sư, Âu Dương Tuân, tài nghệ thư pháp được khen rằng “thế chữ hào hùng, tráng kiện, nhẹ nhàng, trầm ổn”, nức tiếng một thời. Bắc Tống có 4 nhà đại thư pháp là “Tô, Hoàng, Mễ, Sái”, nghĩa là Tô Thức, Hoàng Đình Kiên, Mễ Phất, Sái Tương. Kỳ thực họ Sái ở đây ban đầu là chỉ Sái Kinh, nhưng vì ông ta là kẻ gian ác, nên sau này mới đổi thành Sái Tương.

Tống Huy Tông là vị “hoàng đế nghệ thuật” nổi tiếng trong lịch sử. Sinh thời ông rất ham thích nghệ thuật, và đạt được thành tựu về những lĩnh vực như thư pháp, hội hoạ, thi từ, âm nhạc. Tống Huy Tông rất coi trọng Sái Kinh, chính là yêu thích tài năng cầm kỳ thi thư hoạ của ông ta.

Sái Kinh cũng rất biết cách chiều lòng người, ông ta nắm chặt cái tâm ham thích những điều kỳ thú của Tống Huy Tông. Sái Kinh cho xây dựng riêng một hệ thống giao thông đặc biệt chuyên vận chuyển những loài hoa, viên đá kỳ lạ cho vua gọi là “Hoa Thạch Cương”, nhằm vơ vét những món đồ kỳ thú trong toàn quốc. Ông ta còn xây dựng Vạn Tuế San, sau này đổi tên thành Cấn Nhạc, nhằm thu thập những hòn đá nham thạch kỳ lạ, trưng thu hơn 400.000 dân công, vì vậy lạm thu tô thuế, hao phí không biết bao nhiêu tiền của.

Sái Kinh vì lợi ích, còn thay đổi đa số luật muối và luật trà, đồng thời đúc đồng tiền lớn, khiến chế độ tiền tệ hỗn loạn và thu lợi từ việc giao dịch vào túi riêng, khiến dân chúng điêu linh, vô cùng thống hận. Lúc đó trong triều có 6 loạn thần có quyền lực lớn nhất, được Trần Đông trường Thái Học gọi là “Lục tặc”. Trong đó Sái Kinh là kẻ cầm đầu, có thể thấy tiếng xấu của ông ta đồn xa tới mức nào.

Sau khi Huy Tông thoái vị, Khâm Tông lên ngôi, vì muốn thay đổi tình thế Khâm Tông đã giáng chức Sái Kinh và bắt ông ta đi đày. Trong quá trình lưu đày, suốt dọc đường ông ta bị người ta phỉ nhổ, thoá mạ. Dẫu Sái Kinh mang trên mình toàn là vàng bạc, châu báu, nhưng đa số thương nhân đều không muốn bán đồ ăn và nước uống cho ông ta. Quan sứ không cho phép ông ta được đi đường lớn, nhà trọ cũng không muốn lưu giữ ông ta. Cuối cùng Sái Kinh vừa đói vừa rét mà chết.

Tần Cối: Làu thông kinh sử, một đời gian ác

Lần giở lại lịch sử, Tần Cối tài hoa ngời ngời. Thời trẻ ông ta học hành chăm chỉ, trầm mặc ít nói, nhưng lại vô cùng nhạy bén. Thư pháp của ông ta đẹp vô cùng, sách đọc nhiều vô số, tổng hợp trên nhiều lĩnh vực, thi từ ca phú không món nào là không thông tỏ, kinh sử làu làu. Những tác phẩm kinh điển như “Tả truyện”, “Chiến quốc sách”, “Sử Ký”, “Hán Thư” ông ta đều am hiểu. Sau khi vào Thái Học (trường học quốc lập cấp bậc cao nhất) học vấn của ông ta lại càng nổi bật, được thầy giáo rất mực trọng vọng.

Khi nạn Tĩnh Khang xảy ra, ông ta thậm chí còn dẫn học sinh trường Thái Học chống lại quân Kim, từng là một nghĩa sỹ ái quốc nổi tiếng lúc bấy giờ.

Nhưng sau khi bị bắt sang nước Kim cùng với vua Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông, thì mọi chuyện đều đổi khác. Tần Cối thay đổi triệt để, trở thành người thân Kim, đến khi về nước thì thuộc phái chủ hoà.


Sau khi trở về Nam Tống, ông ta đã trở thành người kết nối giữa hai nước Tống, Kim. Trong thời gian phò tá Tống Cao Tông, ông ta làm quan tới chức tể tướng, đã phản đối thế lực của phái chủ chiến, phế bỏ quyền lực của Nhạc Phi và Hàn Thế Trung và dùng tội danh mưu phản được “thêu dệt” để giết hại cha con Nhạc Phi. Sau đó Nam Tống ký kết “Hoà ước Thiệu Hưng” bị nhiều người phản đối, triều Tống từ đó bước tới con đường diệt vong.

Mặc dù hoàng đế Tống Cao Tông quả thực đáng trách, nhưng bản tính Tống Cao Tông vốn nhát gan, nếu không dựa vào tài trí của Tần Cối thì không thể gìn giữ đại cục, bàn luận đại sự. Tần Cối phán đoán việc quân đều dựa trên lợi ích, tư tâm hãm hại Nhạc Phi, tội ác chồng chất, khiến ông ta trở thành tội thần đưa quốc gia tới con đường diệt vong.

Sái Kinh và Tần Cối đa tài, hơn nữa từng nắm đại quyền nghiêng ngả một thời. Nhưng những tấm gương của họ lại càng là lời nhắc nhở hậu thế rằng đối với vận mệnh một quốc gia, một dân tộc, thì không gì bằng coi trọng đức.

Trong thời đại khoa học kỹ thuật cao và cạnh tranh gay gắt ngày nay, việc tuyển mộ nhân tài đa phần đều dùng những tiêu chuẩn như “tài hoa”, “năng lực”, “tài giao tiếp”, thậm chí “tham vọng”, “dã tâm” mà đo lường. Nhưng kỳ thực, khi đo lường một “nhân tài xuất sắc”, phải chăng cần suy nghĩ về “nhân phẩm và đạo đức”?

Thiên Cầm