Friday, August 7, 2020

HOA HỒI, GIA VỊ ĐẶC TRƯNG CỦA MÓN ĂN VIỆT

Hoa hồi nổi tiếng là gia vị không thể thiếu cho nhiều món ăn, nhờ có mùi hương và vị rất đặc biệt. Hơn nữa, gia vị hoa hồi còn đem lại một mùi thơm đặc trưng khiến cho món ăn trở nên hấp dẫn hơn.


Trong ẩm thực, hoa hồi không thể thiếu trong nồi nước dùng phở, các món tiềm, ninh, hầm, cà ri... vừa để tăng giá trị dinh dưỡng, vừa tạo thêm hương thơm cho món ăn. Nếu trong ẩm thực phương Tây, hoa hồi là nguyên liệu chính trong rượu khai vị thì trong ẩm thực phương Đông, hoa hồi làm món ăn thêm phần tròn vị và dậy hương.

Ở bất cứ nơi nào, loại gia vị này cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc nâng tầm ẩm thực. Nghiên cứu của Trung tâm Anderson (thuộc Đại học Texas MD, Mỹ) chỉ ra rằng, hoa hồi không chỉ đem lại hương thơm và hương vị ngọt ngào đặc trưng cho món ăn nhờ chất anethole mà còn có tác dụng giảm viêm, sưng tấy rất tốt.

Rất nhiều đầu bếp đã sử dụng hoa hồi khi nấu ăn bởi mùi thơm đặc trưng cũng như những tác dụng tuyệt vời của loại gia vị này. Đặc biệt, với các món ăn chế biến từ đuôi bò, chân vịt, dạ dày... hoa hồi sẽ làm cho món ăn thêm ấm nồng, còn cánh hoa sẽ trang trí cho món ăn thêm phần bắt mắt.

Bột hoa hồi có thể làm gia vị hầm, nướng rất hấp dẫn, nhất là món nướng.

Ngoài ra, tại một số vùng quê nước ta còn có món chè kho được nấu từ đậu xanh và đường, rất cần một ít hoa hồi cho hương vị thêm đậm đà. Bột hoa hồi có thể làm gia vị hầm, nướng rất hấp dẫn, nhất là món nướng, bởi mùi thơm đặc trưng, tăng sự kích thích cho món ăn. Loại bột gia vị này cũng dùng trong tẩm ướp thực phẩm, giúp khử mùi tanh.

Để làm món thịt bò nướng hoa hồi, bạn hãy thái lát mỏng thịt bò phi lê vừa ăn. Rang thơm và giã nhuyễn hoa hồi. Ướp thịt với hoa hồi, nước tương, mật ong, hạt nêm, bột ngọt, tiêu, dầu ăn và nước cốt dừa, khoảng 20 phút cho thịt ngấm đều gia vị. Xiên bò vào que rồi nướng vàng mặt. Rưới mỡ hành lên trên và dùng nóng với rau sống.

Với món cánh gà om thì tuyệt đối không thể quên hoa hồi. Cánh gà sau khi rửa sạch, dùng khăn thấm khô, sau đó dùng dao sắc khứa để cánh gà vừa đẹp vừa nhanh ngấm gia vị. Dùng chổi phết một lớp dầu ăn thật mỏng lên chảo, rồi cho cánh gà vào, rán sơ vàng đều hai mặt.

Với món cánh gà om thì tuyệt đối không thể quên hoa hồi.

Gắp để riêng ra đĩa. Trải một lớp cọng hành lá lên chảo vừa rán cánh gà, xếp cánh gà lên trên. Lần lượt cho hoa hồi, gừng thái miếng, quế đập dập, ớt bột, đường, nước tương, hạt tiêu... và bắt đầu rim với lửa nhỏ đến khi nước sền sệt.

Sử dụng hoa hồi nấu phở bò sẽ cung cấp cho món ăn vị cay nhè nhẹ cùng với mùi thơm nồng tinh tế. Hoa hồi có vị ngọt dịu như cam thảo, góp phần tạo nên vị nước dùng phở thơm ngon khó quên. Những cánh hồi tuy nhỏ bé nhưng đã góp phần tạo nên hương vị nồng nàn quyến rũ của nước dùng phở.

Nếu thiếu hoa hồi, nước phở sẽ trở nên nhạt nhẽo, thiếu hấp dẫn. Khi nấu, hãy ninh qua xương bò, đổ nước lần đầu. Sau đó, cho xương vào ninh nhừ trên 200 độ C khoảng 15 phút. Nướng hoa hồi, thảo quả, quế chi, hành khô... cho vào nồi. Thêm sá sùng vào nồi, ninh khoảng 30 phút, nêm gia vị vừa đủ là đã có một nồi nước dùng phở thơm phức.

Nếu thiếu hoa hồi, nước phở sẽ trở nên nhạt nhẽo, thiếu hấp dẫn.

Tuy đem lại mùi vị quyến rũ cho món ăn nhưng hoa hồi cần sử dụng ở mức vừa phải, để không làm lấn át nguyên liệu chính của món, làm đồ ăn bị sai mùi vị và có thể gây ngộ độc nhẹ. Tránh sử dụng hoa hồi bị ẩm mốc vì ngoài việc bị mất mùi thơm còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nên chọn hoa hồi còn nguyên, và già thì sẽ thơm hơn. Hoa hồi già thường có màu nâu sẫm, trong cánh có các hạt nâu bóng. Có thể phơi khô hoa hồi để bảo quản được lâu hơn. Dùng lọ hoặc túi kín để bảo quản hoa hồi, thỉnh thoảng mang ra phơi nắng để tránh ẩm mốc và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

Thiên Lý