Có lần, thầy ngâm cho bọn học trò chúng tôi nghe hai câu ca dao: “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” rồi bình giảng thêm: “Râu tôm, ruột bầu là thứ phế thải người ta vứt đi khi làm món ăn. Em nào đã từng ăn tôm hẳn biết râu tôm cứng quèo, nhạt thếch chớ có gì ngon. Ruột bầu cũng vậy, lọc riêng ra nó nhạt thếch. Nhà giàu nấu ăn thì loại bỏ những thứ này để cho thức ăn khi nhai mềm ngọt, không bị xảm. Nhà nghèo thứ gì ngon kiếm được phải bán để mua gạo, mua dầu, mua mắm muối hết rồi. Thứ gì không bán được, hay người giàu vứt đi thì người nghèo nhặt lấy mang về ăn. Như vậy, râu tôm nấu với ruột bầu thì ngon gì nỗi mà ngon, theo ý tôi đúng ra tình cảnh lúc đó phải là “chồng chan vợ húp, lắc đầu khen ngon.” Nếm vô miệng một miếng, lắc đầu là phản ứng tự nhiên khi cảm giác thấy món canh này quá dở tệ, nhưng lại “khen ngon” để làm vui lòng người chồng, người vợ của mình, qua đó có thể thấy vợ chồng nhà này rất thương yêu nhau, nên dù nghèo khó nhưng vẫn cố gắng tạo không khí bữa cơm gia đình đầm ấm, hạnh phúc.
Tại sao câu ca dao lại nói “chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”? Cái hay của hai vợ chồng này đạt đến mức “thượng thừa” ở chỗ biết kềm chế cảm xúc, kềm chế hành vi của mình trước một sự việc đáng lẽ phải phản ứng “lắc đầu” theo thói quen thì họ lại cùng nhau “gật đầu” khen canh ngon để cho người này không thấy cử chỉ khen gượng ép “miệng cười trong lúc nhắm chua cay” của người kia. Ngay cả việc rất nhỏ là cử chỉ trong ăn uống, không những họ cũng thể hiện văn hóa “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng” của tổ tiên để lại, mà còn biểu lộ một mối tình chồng vợ đẹp tuyệt vời, chung thủy, không đòi hỏi vinh hoa phú quý: “Chồng ta áo rách ta thương/Chồng người áo gấm xông hương mặc người.” Chẳng phải như bây giờ, có những kẻ vì cái ăn, cái mặc mà cam chịu đánh mất danh dự, nhân phẩm, bất cần sĩ diện, lương tâm.”
Dĩ nhiên, kèm theo “câu kết” thầy có dẫn chứng cụ thể đàng hoàng, nhưng viết ra đây hết thì dài dòng lắm, và có hơi bị… lạc đề, nên tôi sẽ kể về cái sự dẫn chứng của thầy tôi trong một dịp khác.
Dĩ nhiên, kèm theo “câu kết” thầy có dẫn chứng cụ thể đàng hoàng, nhưng viết ra đây hết thì dài dòng lắm, và có hơi bị… lạc đề, nên tôi sẽ kể về cái sự dẫn chứng của thầy tôi trong một dịp khác.
Tuy nhiên, nếu được ăn cả trái bầu nấu với tôm (chớ không phải râu tôm) thì đó là một món ăn ngon mát tuyệt vời đậm chất dân dã Việt Nam.
Người Việt có lẽ ai cũng biết trái bầu. Hồi tôi còn bé tí ti, tôi đã nghe ngoại tôi hát ru: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.” Lạ một điều là lúc đó mẹ tôi chẳng bao giờ cho chị em chúng tôi ăn canh bầu mà chỉ nấu canh bí, không cho ăn bánh ú mà chỉ cho ăn bánh dừa, không được ăn chuối già mà chỉ được ăn chuối xiêm, v.v… với lý do “phòng bệnh.” Vì vậy, tôi nghĩ chắc bầu là một thứ gì đó hung hăng, ghê gớm lắm nên bầu mới “ăn hiếp” bí như vậy. Tuy còn nhỏ, nhưng tôi đã nghĩ kiểu “phòng bệnh” của mẹ tôi là hết sức bậy bạ, nếu đúng thì chúng tôi phải mập mạp, cao lớn (có gien “voi” mà) chớ đâu phải đứa nào đứa nấy ốm nhom, dài xọc mỏng lét như con lãi.
Sau này, khi đã tự mình kiếm ra tiền, công việc xài tiền đầu tiên của tôi là đi mua bầu, bánh ú, chuối già… về ăn cho đã thèm. Nhờ vậy tôi mới trở thành “phì nhiêu màu mỡ” đến nay.
Trái bầu với trái bí đao xanh nhìn sơ qua thấy giống nhau, nhìn kỹ mới thấy nó khác nhau. Bầu có thể có màu da xanh mướt, trắng ngà hoặc lốm đốm bông trắng xanh. Còn trái bí đao chỉ duy nhất một màu ngọc xanh mướt.
Trái bầu non hoặc vừa lớn (đủ hột bầu còn mềm) để nguyên ruột mà ăn, vị rất ngọt và mát. Bầu hơi quá lứa một chút (hột cứng) khi ăn phải khoét bỏ ruột. Trái bầu già chỉ có thể đem phơi khô khoét bỏ phần thịt bên trong lấy cái vỏ làm quả bầu đựng nước, đựng rượu, đựng đồ mà thôi. “Ôm bầu rượu đắng hồn say khướt/ Cạn chén men cay phách dật dờ/ Ðêm vắng canh tàn trăng nhỏ lệ/ Chập chờn giấc mộng tỉnh hay mơ.”
Gọt vỏ bầu, cắt khoanh tròn rồi luộc chín, dùng chấm chao hay muối mè, nước mắm mặn dầm trứng vịt luộc, ăn ngon hết sẩy. Vị vừa giòn, vừa ngọt, vừa mát, ăn hoài không thấy ngán, ăn nhiều cũng không sao mà có thể dùng như một loại thức ăn ít năng lượng để giảm béo.
Nếu không thích ăn bầu luộc thì lấy cái dao cắt theo chiều ngang trái bầu, rồi bằm bằm xuống mặt cắt, xong cắt ngang vài lần cho ra những sợi bầu lớn cỡ cây nhang, rồi lại bằm tiếp cho đến khi hết trái bầu. Dân gian hay nói: “Chửi nhau như bằm bầu” cũng có nghĩa là chửi tơi bời, vụn vằn, tan nát hết như ta bằm bầu nấu canh vậy.
Bầu bằm xong có thể dùng xào với trứng vịt, xào tép hoặc nấu canh tôm (tép), canh cua, canh cá lóc…
Cách nấu rất đơn giản. Trước tiên là bắt nồi lên bếp, phi một chút mỡ tỏi, cho tép đã lột vỏ vô xào sơ, rồi cho bầu vô xào, nêm thêm gia vị (muối, bột ngọt) cho vừa miệng, thêm hành lá vô xào cho hành vừa chín tới là xong, ta có món bầu xào tép xanh xanh, trắng trắng điểm màu hồng của tép, mới nhìn đã thấy ngon rồi. Nếu thích ăn canh thì đổ thêm tô nước vào bầu xào tép lúc nãy, nước sôi lên là ta có nồi canh bầu nóng sốt ngon lành.
Nếu làm món bầu xào trứng thì phi mỡ tỏi xong cho bầu vô xào chín, nêm gia vị, đập thêm hai cái trứng vịt vô, xào đều cho trứng bám xung quanh từng sợi bầu, cho hành lá cắt khúc chừng một phân rưỡi vô, đảo sơ cho hành chín là xong. Thích ăn ướt thì thêm vào tí nước, đảo đều chờ sôi lên rồi mới nhắc nồi xuống khỏi bếp.
Nếu nấu canh bầu với cá thì xào trước bầu chín rồi xúc ra tô để đó. Bắc nồi nước lên bếp, chờ nước sôi cho cá vào, nêm nếm gia vị vừa miệng, chờ nước sôi thêm lần nữa thì đổ tô bầu xào lúc nãy vào. Dùng cái dá đảo nhẹ cho đều (đảo mạnh tay quá nát cá nhìn hết đẹp), canh sôi lên lần nữa là xong, nhắc xuống múc ra tô, rắc thêm hành lá, tiêu sọ giã nát lên mặt rồi ăn nóng với cơm mới nấu trắng xốp, cá rô kho tộ thì ai thấy cũng phải chảy nước miếng thèm thuồng.
Nếu không thích ăn canh có dầu mỡ thì nấu canh bầu với tôm bằng cách rửa sạch tôm (khô hoặc tươi) rồi ninh tôm trên bếp cho thiệt chín mềm. Vớt tôm ra lột bỏ vỏ cứng rồi bỏ tôm trở vô nước luộc tôm này. Nêm thêm gia vị cho vừa miệng, bỏ bầu đã bằm vô nồi, chờ canh sôi lên thì rắc hành lá xắt khúc vô là xong, ta có nồi canh bầu nấu tôm ngọt mát ngon lành.
Ngoài ra, còn nhiều cách chế biến bầu thành món ăn ngon khác, nhưng liệt kê ra nhiều quá sợ trở thành dài dòng, mà quý vị độc giả có thể bị “bội thực” bầu, e rằng lại bị “tác dụng ngược,” vừa thấy bầu là cục ngán chạy lên tới lỗ mũi rồi.
Nghe nói, bầu ăn rất ngon miệng, bổ dưỡng và thanh nhiệt, mát đến nỗi ăn xong tối ngủ khỏi cần đội nón.
Tạ Phong Tần