Sunday, February 6, 2022

ĐIỀU TỐI KỴ NHẤT TRONG QUAN HỆ GIAO TIẾP LÀ MIỆNG NHANH HƠN NÃO

Người ta nói: Người không biết bơi thì thay đổi bao nhiêu bể bơi cũng không giải quyết được vấn đề. Người không biết nói chuyện thì thay đổi bao nhiêu công việc cũng không giải quyết được vấn đề quan hệ giao tiếp với đồng nghiệp.

Cô ấy liền kể lể về các đồng nghiệp, nói các đồng nghiệp đối đãi không tốt với cô, thường xuyên cô lập cô. (Ảnh: Shutterstock)

Cô em họ nơi công sở

Tôi có một cô em họ, gần đây ngày ngày kể lể với tôi về những chuyện không hài lòng ở nơi làm việc.

Nghe những lời oán trách này nhiều quá, cuối cùng tôi mới hỏi: “Rốt cuộc là không tốt ở chỗ nào?”

Cô ấy liền kể lể về các đồng nghiệp, nói các đồng nghiệp đối đãi không tốt với cô, thường xuyên cô lập cô.

Tôi tò mò, làm sao có thể người nào trong công ty cũng có vấn đề? Thế nên tôi hỏi: “Em nói chi tiết hơn xem nào”.

Cô ấy tức giận trả lời rằng:

  • Ví như có một đồng nghiệp, cách làm việc của cô ấy trông rất ngứa mắt. Em thẳng thắn vô tư nói với cô ấy một câu. Thế là cô ấy để bụng, tìm cách hạn chế, gây khó khăn cho em.

  • Ví như có mấy đồng nghiệp, em nói với họ một số chuyện riêng tư, ngày hôm sau họ đã lan truyền chuyện đó cho những người khác.

  • Ví như có một số đồng nghiệp, em hoàn toàn không thích họ, và biểu hiện ra không để ý đến họ. Dù họ lấy lòng em thế nào thì em cũng không muốn đáp lời với họ.

  • Còn có đồng nghiệp có khuyết điểm, em có lòng góp ý, nói thẳng cho cô ấy biết, cô ấy không những không cảm ơn em, mà trái lái còn nói em thích chuyện bao đồng.

  • Tóm lại là các đồng nghiệp của em toàn là những người không tốt.

Nghe xong chi tiết câu chuyện, tôi mới hiểu rõ, đó không phải là vấn đề của các đồng nghiệp, mà là vấn đề của cô em họ.

Tính cách cô em họ thì tôi hiểu rất rõ, nói một cách đẹp đẽ là: Thẳng thắn.

Còn nói theo cách không dễ nghe là: Miệng nhanh hơn não.

Người có tính cách như thế này, trước khi nói thường không cân nhắc suy nghĩ xem câu nói này có nên nói hay không, không suy nghĩ hoàn cảnh nói chuyện, cũng không suy xét hậu quả, luôn luôn là miệng nhanh hơn não, miệng mép tép nhảy, nói liến thoắng.

Họa từ miệng mà ra, câu nói này đã hình dung chính xác về loại người như thế này.

Carnegie, nhà văn, nhà thuyết trình, chuyên gia đào tạo kỹ năng giao tiếp, đã từng nói: “Thành công của một người thì thì 15% quyết định bởi tri thức và kỹ thuật, còn 85% quyết định bởi giao tiếp - khả năng phát biểu ý kiến và khả năng khơi dậy lòng nhiệt tình của người khác”.

Thành công của một người thì thì 15% quyết định bởi tri thức và kỹ thuật, còn 85% quyết định bởi giao tiếp. (Ảnh: Lindsrw/Pixabay)

Điển cố Kê lặc trong Tam Quốc

Sau khi cô em họ ‘trút bầu tâm sự’ xong, môi trường làm việc của cô khiến tôi nghĩ đến một nhân vật trong Tam Quốc: Dương Tu.

Điển cố Kê lặc - sườn gà (còn gọi là Kê cân - gân gà, do lỗi dịch thuật, lâu thành quen) là kể về chuyện của Dương Tu.

Dương Tu và Tư Mã Ý đều là đại thần của nước Ngụy. Luận về tài trí, mức độ thông minh, tài hoa, thì Dương Tu chắc chắn không hề kém Tư Mã Ý. Nhưng tại sao bậc tài hoa Dương Tu lại bị Tào Tháo, người yêu quý nhân tài, giết chết?

Kết cũng của Dương Tu chính là “họa từ miệng mà ra”, miệng nhanh hơn não, thiếu sự trầm tư, chín chắn và thao lược của Tư Mã Ý.

Dương Tu quả là bậc thiên tài, nhưng tính cách lại cậy tài kiêu ngạo, không coi ai ra gì, là một cuồng sĩ điển hình.

Nói như cách nói hiện đại, Dương Tu nói chuyện khiến người ta tức chết, trong mắt Dương Tu cả thiên hạ đều là kẻ ngốc, chỉ mình ông ta là người thông minh.

Vấn đề nguy hiểm là, miệng nói lời cuồng ngôn, tính cách kiêu ngạo không phục bất kỳ người nào, mà lại sử dụng trong chính trị thì không chết mới là lạ. Tào Tháo giết Dương Tu không đơn giản là vì Dương Tu đoán được tâm tư của Tào Tháo, mà chính là những lời của Dương Tu khiến dao động nhân tâm giữa lúc 2 bên đang dàn trận đối địch, nguy hại khôn lường.

Bình thường, Dương Tu cũng nói mà không suy xét cân nhắc, trong quan trường, quan trên của ông ta đều không vui. Trước khi ông ta bị xử trảm, Tào Tháo đã trên trăm lần có ý nghĩ muốn giết Dương Tu, cuối cùng chuyện Kê lặc (sườn gà) chỉ là cái cớ mà thôi.

Người xưa nói: “Người quân tử ăn không cầu no, ở không cầu an, nhanh nhẹn xử lý công việc và thận trọng khi nói năng phát ngôn, gần gũi với những người có Đạo để quy chính bản thân mình”.

Người quân tử ăn không cầu no, ở không cầu an, nhanh nhẹn xử lý công việc và thận trọng khi nói năng phát ngôn, gần gũi với những người có Đạo để quy chính bản thân mình”. (Tranh minh họa vẽ tay: Zhiqing / Vision Times)

Thận trọng khi nói năng phát ngôn chính là trí tuệ cao nhất của con người

Giống như cô em họ đó, ở giữa nơi công tác mà cô lại kể những chuyện đời tư. Nói chuyện đời tư nơi công sở là một đại kỵ. Người ta có khuyết điểm, tuy cô có lòng tốt chỉ ra, nhưng cô đã cân nhắc hoàn cảnh chưa? Trước mặt mọi người mà vạch khuyết điểm người ta ra, cô đã suy nghĩ xem xét đến sự tự tôn của đồng nghiệp chưa?

Người ta muốn hòa thuận với cô, lấy lòng cô, cùng làm việc với nhau, sao cô không thể hài hòa với mọi người, người ta làm gì khiến cô ngứa mắt?

Tất cả những vấn đề này đều là vấn đề của cô ấy, những lời nói của cô ấy xưa nay chưa từng cân nhắc đến hậu quả, do đó mới khiến cho môi trường công tác của cô xấu đi, đâu đâu cũng là chuyện không hài lòng, khốn khổ.

Người ta nói: Người không biết bơi thì thay đổi bao nhiêu bể bơi cũng không giải quyết được vấn đề. Người không biết nói chuyện thì thay đổi bao nhiêu công việc cũng không giải quyết được vấn đề quan hệ giao tiếp với đồng nghiệp.

Trước khi nói chuyện, cần suy xét: Nói chuyện với ai? Dùng phương thức nào nói chuyện? Đối tượng nói chuyện có quan hệ thế nào với mình? Địa điểm nói chuyện này có thích hợp không? Tại sao cần phải nói những lời này? Nói rồi sẽ có kết quả thế nào?

Khả năng nói chuyện của người ta ở 2 trường hợp này thì dễ nhận ra nhất: Nhỏ thì là việc thảo luận hợp tác nơi công sở, lớn thì là việc đàm phán ngoại giao quốc gia. Rất nhiều người cả đời nói rất nhiều, nhưng chưa chắc đã biết nói chuyện.

Bởi vì đằng sau ngôn ngữ là thể hiện sự tu dưỡng cá nhân, tri thức, phong độ và tính cách cá nhân.

Càng ở những trường hợp trọng đại thì càng phải động não trước rồi mới động cái miệng.

Bởi vì đằng sau ngôn ngữ là thể hiện sự tu dưỡng cá nhân, tri thức, phong độ và tính cách cá nhân. (Tranh vẽ NTDVN)

Người xúi quẩy đáng ghét

Có một người bạn đã kể câu chuyện rằng, một người bạn của anh ta xưa nay nói chuyện chưa bao giờ xem xét cân nhắc hoàn cảnh có thích hợp hay không.

Một lần trong nhóm bạn bè có người khánh thành nhà mới, mọi người đến mừng tân gia. Giữa lúc chủ nhà đang vui vẻ tất bật đón tiếp khách khứa, thì anh bạn này nói một câu: “Ái chà, nhà anh xây cao thế này, nếu động đất thì sẽ đè chết không biết bao nhiêu người”.

Lúc đó, sắc mặt chủ nhà đột nhiên xanh rớt như tàu lá, thậm chí còn nảy sinh cái tâm giết người.

Người ta vất vả làm lụng tích cóp không biết bao nhiêu năm mới xây được ngôi nhà, ai nấy đều vui vẻ, sao lại có người đến nói lời nguyền độc ác như thế này?

Người nói lời này rõ ràng là không có bụng dạ xấu nào, cũng chẳng phải nguyền rủa ai, chỉ là bối cảnh nói chuyện, đối tượng nói, và lời nói đều không trải qua sàng lọc của bộ não mà thôi. Người như thế này thì đi đến đâu cũng bị người ta chán ghét và tránh như tránh dịch.

Nhất định chớ coi hữu khẩu vô tâm là tính cách thẳng thắn chân thực, cách nói như trẻ con ngây thơ nói chân thực không phù hợp với người lớn. Người càng trưởng thành thì càng sâu sắc và chín chắn.

Cần ghi nhớ rằng, trên thế gian này, không phải tất cả mọi người đều có thể chịu đựng được sự vô lễ của bạn, không phải tất cả mọi người đều có thể bao dung tâm trạng của bạn, không phải tất cả mọi người vì bạn mắc lỗi lần đầu nên sẽ cho bạn cơ hội lần thứ hai, bởi vì họ không phải là cha mẹ của bạn.

Trước khi nói, bạn là chủ nhân của lời nói, sau khi nói, bạn là nô lệ của nó, thế nên, cần phải có trách nhiệm với lời nói của mình.

Nhất định không được để miệng nhanh hơn não, bởi vì như thế thì nó sẽ hại bạn cả cuộc đời.

Hoàng Mai
Theo Apollo - nguồn gốc 360doc