Đáng buồn là đây không phải lần đầu tiên xãy ra chuyện bạo hành trẻ em. (Ảnh diadona)
Chẳng biết từ lúc nào mà người ta bắt đầu lưu truyền câu thơ: “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng?” Nếu xét cho kỹ, đây không phải là một quan niệm tốt, thậm chí có thể nói là một “tà thuyết”, nhưng trải qua bao đời truyền miệng nó dần được xem như chân lý bất biến.
Nhân loại đến hôm nay đã trải qua ít nhất mấy ngàn năm lịch sử, trong nhân tính thì Thiện và ác đồng thời tồn tại, vì vậy mà từ xưa đến nay người tốt và kẻ xấu đều có. Về “quan hệ mẹ kế con chồng”, thời cổ cũng có cả hai vai chính diện và phản diện: có những người mẹ kế ngược đãi con chồng, chẳng hạn như vợ bé của Phạm Công trong giai thoại Phạm Công Cúc Hoa, hay những hình mẫu đời thực của “mụ dì ghẻ” được dân gian hình tượng hóa vào truyện Tấm Cám; nhưng mà đổi lại, cũng có những người mẹ kế tốt bụng đức hạnh, thương yêu con chồng như chính con ruột của mình, có những người mẹ kế mà khi đất nước loạn lạc, họ thà nuốt nước mắt để cho chính con ruột đi tòng quân cũng nhất định phải bảo vệ đứa con của người vợ trước…
Điều kỳ lạ chính là chúng ta rất dễ tiếp thu điều ác, nhưng lại rất khó tiếp thu điều Thiện, bài học tốt đẹp thì nhanh chóng bị lãng quên, còn hình tượng xấu ác thì cứ truyền tụng mãi mãi. Những người mẹ kế đoan trang đức hạnh kia đã lu mờ, thậm chí trở nên vô danh khi mà hình ảnh “mụ dì ghẻ” được khắc họa quá nổi bật. Đây là kết quả của việc người ta chỉ thích nghe ác mà không thích nghe Thiện. Dần dà rồi ai cũng cho rằng, cứ là mẹ kế thì nhất định phải bạc đãi con chồng, không phải con do mình sinh ra thì không cần yêu thương, dẫn đến tình trạng cái câu “mấy đời bánh đúc có xương” kia trở thành chân lý, thành điều hiển nhiên được quần chúng thừa nhận.
Những người mẹ kế đoan trang đức hạnh kia đã lu mờ, thậm chí trở nên vô danh khi mà hình ảnh “mụ dì ghẻ” được khắc họa quá nổi bật. (Ảnh qua Ncctv)
Thực tế đó chỉ là “tà thuyết” phản nhân tính, nó cưỡng ép một người phụ nữ phải vào vai phản diện để hành hạ một đứa bé vô tội. Cho đến ngày nay ai cũng đã tiếp thu quan niệm này, nên không còn biết tới những tấm gương mẹ kế đức hạnh mà chỉ nhớ mỗi “mụ dì ghẻ”, chỉ còn biết ác mà không còn biết Thiện, những chuyện bạo hành trẻ em đau lòng kia mới xuất hiện khắp nơi!
Giả sử chúng ta không truyền bá cho những vai phản diện, mà thay vào đó là ca ngợi những tấm gương sáng, thì người đời sau chỉ biết có vai tốt chứ không biết vai xấu, không học theo vai xấu, hỏi rằng thảm kịch “hành hạ con chồng” có xảy ra nhiều thế này không?
Câu chuyện của bà nội và cô tôi
Đây là chuyện trong gia đình tôi. Cô tôi không phải là con ruột của ông bà nội, ngày đó bà nội tôi sinh ra một đứa con gái, nhưng đứa bé bất hạnh chết ngay. Gần đó lại có một cặp vợ chồng khác vừa sinh con, đang phiền muộn vì không có tiền nuôi con và có ý định mang đi cho, bà nội tôi và chị của bà bèn bàn nhau xin đứa bé ấy về làm con gái, đó chính là cô của tôi hiện nay.
Thực tế bà nội tôi chưa hề nói ra chuyện này, nên ban đầu trong nhà không có ai biết, cha tôi và các bác đều không biết. Suốt hơn 50 năm bà nội đã giữ kín chuyện này trong lòng. Ông bà nội tôi có tận 9 người con, nhưng chưa từng xem cô tôi như người ngoài hay đối xử khác biệt với cô bao giờ.
Những năm cuối đời bà nội tôi rất lạ, thường đi khắp đường phố lượm ve chai về bán kiếm tiền, dù thực tế cuộc sống của bà rất đầy đủ. Nhìn hình ảnh một bà già ngoài 80 tuổi đi đến từng thùng rác để lượm từng lon bia lon nước ngọt về bán ve chai, ai cũng lắc đầu mà than “già sinh tật”. Trong tôn giáo thường hay nói con người ta một đời đã tạo nhiều nghiệp chướng, nên khi về già ông Trời sẽ khiến họ sinh ra tật này nọ, để họ kiếm khổ mà chịu, thực tế là giúp họ trước khi qua đời có thể trả hết những gì mà họ mắc nợ kiếp này, đối chiếu cho trường hợp của bà tôi thì cũng rất có thể là vậy.
Trong tôn giáo thường hay nói con người ta một đời đã tạo nhiều nghiệp chướng, nên khi về già ông Trời sẽ khiến họ sinh ra tật này nọ, để họ kiếm khổ mà chịu, thực tế là giúp họ trước khi qua đời có thể trả hết những gì mà họ mắc nợ kiếp này. (Ảnh qua Bigschool)
Lúc đó tôi còn khá nhỏ, một năm nọ bà nội dẫn tôi đi xe đò đến thăm cô tôi. Hai bà cháu ngồi xe đò hơn trăm cây số, khi đến nơi lại đi bộ trên con đường đất đỏ dài mấy cây số nữa mới đến nhà cô. Cô tôi thấy bà nội đến thăm thì rất xúc động, nhưng bà tôi còn xúc động hơn. Bà ôm lấy cô vừa khóc vừa nói: “Sao lâu quá con không về thăm má? Má nhớ vợ chồng con lắm, má nhớ cháu ngoại của má nữa!”
Lúc đó cô của tôi cũng đã ngoài 50 tuổi rồi, sức khỏe của cô còn không tốt bằng bà nội tôi, cô mắc đủ thứ bệnh như tim mạch, khớp và huyết áp, nên không tiện đi xa về thăm bà, chứ cũng không phải cô vô tâm với bà.
Bà nội tôi lấy ra hai chỉ vàng, nói: “Cái này má cho con!”, nhưng cô tôi có cuộc sống khá đầy đủ, con cái cũng đều thành đạt, nên đâu có muốn nhận làm gì hai chỉ vàng của bà? Khi cô từ chối, bà nội tôi đã nói: “Này là má bán ve chai suốt mấy năm mới để dành mua được, nó là kỷ niệm má muốn để lại cho con, chứ không phải là tiền. Má thương con lắm!”
Cô tôi lúc đó đã khóc rất nhiều và nhận lấy hai chỉ vàng đó, tới giờ đã qua gần 20 năm, cô vẫn giữ nó như một kỷ niệm theo lời của bà.
Lúc đó tôi chỉ ở bên cạnh nghe bà và cô nói chuyện, tôi đâu biết rằng cô chỉ là con nuôi của bà, ngay cả chính cô tôi cũng không hề biết, chỉ có bà nội là biết, nhưng bà chưa bao giờ nói ra. Bà vẫn xem cô như con ruột của mình, đôi lúc tình cảm mà bà dành cho cô đến cả mẹ ruột dành cho con cũng không được như vậy.
Sau này chị của bà nội tôi sắp qua đời, mới mang việc nhận con nuôi kể ra cho cô tôi nghe, cô tôi về khóc mà hỏi bà nội tôi sự thật có đúng vậy không? Bà nội tôi chỉ lẳng lặng gật đầu. Sau đó bà gọi tất cả con cái lại, và dặn rằng từ nay về sau tuyệt đối không ai được nhắc lại chuyện này nữa, cô tôi mãi mãi là con của bà.
Cho đến hôm nay, bà nội tôi đã mất được 8 năm, cha và các bác tôi cũng chưa từng xem cô tôi như người ngoài…
Mẹ nuôi và mẹ kế thì cũng gần giống nhau, trong cái gọi là “văn học dân gian” vẫn thường bị xem là “mụ dì ghẻ” lấy việc ngược đãi con chồng làm vui. Nhưng theo những gì tôi nhìn thấy ở bà nội tôi, điều này lại trái ngược hẳn! Tốt và xấu vốn là do con người ta tự mình lựa chọn, tại sao ngay từ đầu đã xếp mẹ kế, mẹ nuôi vào những vai phản diện chứ?
Người phụ nữ xưa vốn có đức hạnh rất cao, họ có thể làm ra hành vi độc ác như vậy không? (Ảnh qua Sohu)
Bà nội tôi không phải là một người phụ nữ có học vấn cao, cũng không phải bậc nữ lưu dịu dàng đức hạnh nào cả, trái lại tính khí bà rất nóng nảy, ngày nhỏ tôi từng thấy bà cứ cãi nhau với ông nội suốt vì những chuyện rất không đâu. Dẫu là vậy, giữa con người với nhau vẫn có cái tình cái nghĩa, bà có thể nóng tính nhưng bà không hề đi hành hạ con nuôi giống như những gì mà “văn học dân gian” kia miêu tả.
Người xưa vốn có đạo đức cao thượng hơn chúng ta, thời đó quan hệ giữa người với người cũng không xung đột gay gắt như hiện nay. Một người phụ nữ bình thường như bà nội tôi cũng có thể yêu thương “con ghẻ” như con ruột, thử hỏi rằng những người phụ nữ khác vốn có đức hạnh và giáo dục đàng hoàng tử tế, có thể làm ra hành vi độc ác như vậy không? Nếu có thì cũng chỉ là số ít, số lẻ mà thôi.
Người ta lại coi những hiện tượng xấu ác lẻ tẻ ấy như là dòng chảy chính của xã hội xưa nay, từ đó nhìn nhận rằng nhân loại xưa nay đều phải hành xử như vậy, mẹ ghẻ bạc đãi con chồng cũng giống như “bánh đúc không thể có xương”, đã trở thành “luân lý trời đất” không thể không tuân theo.
Thực tế đó là quan niệm tà ác, nếu chúng ta loại bỏ cách nghĩ này mà tiếp thu những bài học chính diện của cổ nhân, hay ít ra cũng có thể xem con nuôi như con ruột giống như bà nội tôi, thì quan hệ mâu thuẫn giữa người với người sẽ dần ổn định lại, thảm án đau lòng tương tự cũng sẽ càng ngày càng ít đi.
Thế Di / Theo: Tinh Hoa