Sunday, February 27, 2022

LÝ GIẢI CÂU THÀNH NGỮ "NGHÈO RỚT MỒNG TƠI"

Nhiều người than thở rằng mình đang trong tình trạng "nghèo rớt mồng tơi", thế nhưng vẫn còn nhiều người chưa hiểu hoặc hiểu nhầm nghĩa của chữ "mồng tơi" trong câu này là rau mồng tơi. Hãy đọc bài viết dưới đây để hiểu đúng về câu thành ngữ này nhé.


Thành ngữ “nghèo rớt mồng tơi” đa phần người miền Bắc sẽ liên tưởng ngày đến giậu mồng tơi mà nếu ngắt lá, ngắt quả, cây sẽ đầy nhựa dớt (nhớt).

Nhưng, nhớt mồng tơi không có liên quan gì đến cái nghèo rớt mồng tơi cả. Bởi ở thành ngữ này, mồng tơi là chỉ cái áo tơi khoác ngoài mà người xưa thường mặc để che nắng chắn mưa.


Áo tơi được kết bằng lá cọ, phần xương lá ghép phía trên cổ áo được gọi là mồng tơi. Người trong thành ngữ ấy nghèo đến mức cái áo tơi đã rách, còn cái cổ áo (mồng tơi) cũng rớt xuống...

Cũng có ý kiến cho rằng, "Nghèo rớt mồng tơi" là đọc trại của "Nghèo rớt vành tơi", và "vành tơi" cũng có ý nghĩa là một bộ phận của áo tơi như đã giải thích ở trên.


Vì chữ "mồng tơi" trong chiếc áo là đồng âm đọc với rau mồng tơi, còn áo "Tơi" thì cũng đã rất lâu rồi không sử dụng nữa nên không được mấy người biết đến đặc biệt là các bạn trẻ thế nên mới có sự hiểu nhầm đó.

Nguồn: Tiếng Việt giàu đẹp