Wednesday, November 22, 2017

NHỮNG NGƯỜI BỊ NGƯỢC ĐÃI NHẤT

Cho đến bây giờ tôi đã ra khỏi ngành giáo dục gần 39 năm bắt đầu từ chuyến vượt biên tháng 12 năm 1978. Từ một người dạy giờ trước 1975 và sau đó vào biên chế, thời gian đó tôi chưa thấy được cái khốn khổ của những người trong ngành nhưng sau này nghe báo chí mạng nói những thiếu thốn trong cuộc sống của người trong nghề, một nghề mà ai đó nói là "kỹ sư tâm hồn", đào tạo thế hệ tương lai,...nhưng với mức lương quá khốn khổ. Thời của tôi ngày đó, tôi dốc hết sức mình vào công việc không nghĩ gì nhiều chỉ là công việc, có lẽ lúc đó lương tôi, tôi xài còn cuộc sống do gia đình chu cấp cho nên cuộc sống của tôi quá đơn giản không có chi là lo nghĩ. 

Hôm nay và ngay cả trước đây những bài viết về cuộc sống của các Thầy Cô giáo ở Việt Nam quá tệ với "mức lương không đủ và rất không đúng với qui trình đào tạo thế hệ mới" mà không ai nhớ rằng "có thực mới vực được đạo". Ngày nhà giáo việt Nam không phải là tôn vinh cho có theo kiểu ban phát bằng cấp giấy về treo đầy tường mà là ngày cả nước cần suy nghĩ làm sao cho các Thầy Cô đủ sống mà không lo lắng, chỉ lo làm sao đào tạo một thế hệ tương lai của đất nước. (LKH)

Trong xã hội chúng ta, thầy cô giáo chính là những người bị ngược đãi nhất

Đây là câu khẳng định của tôi từ rất lâu, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, khi mà tôi mới bắt đầu hình thành những hiểu biết về xã hội.

Trong bất cứ một xã hội nào thì nghề thầy giáo là một nghề cao quý và xứng đáng được tôn vinh nhất trong xã hội, tầm quan trọng của nghề này, tôi tin rằng, không nói ra thì ai cũng có thể nhận thức được điều đó, từ tầng lớp trí thức, đến người không biết một con chữ nào đều nỗ lực để cho con em mình có được cái sự học, đó là điều chắc chắn khẳng định được tầm quan trọng của nghề giáo dục.

Không thể một trang giấy, một cuốn vở mà viết hết được những gì về thầy, cô giáo. Cũng không thể truy cập được hết các bài báo nói về nhà trường, thầy, cô giáo ở đây đó khắp nơi trên mọi miền đất nước, những mặt xấu tốt của ngành giáo dục, những nỗi vất vả của các thầy, cô… Trong khuôn khổ tâm sự này, tôi chỉ nói một điều ngắn gọn: Làm nghề thầy giáo, không thể sống được bằng lương.

Chúng ta thấy có bất công không khi mà thầy, cô giáo, những “Kỹ sư tâm hồn” mang trọng trách là “Ươm mầm cho tương lai” lại có mức lương thua cả anh phụ hồ, thua cả chị công nhân vệ sinh…? Tôi không có ý tôn vinh hay miệt thị nghề nào, mỗi một cá nhân đều tự lựa chọn công việc mà sinh tồn, đó là sự phân công mặc định trong mọi xã hội. Nếu không đi dạy thêm, nếu không đi rửa bát cho nhà hàng, nếu không bươn chải chợ búa hoặc bán trứng vịt lộn đêm khuya… thì các thầy và các cô không thể nào lo đủ mọi sinh hoạt tối thiểu trong gia đình, chứ đừng mơ đến những nhu cầu khác.

Cái thời tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, chính các thầy cô của tôi đã truyền miệng nhau một câu thơ đối:



Phấn trắng, giấy trắng, bàn tay trắng.
Mực đen, bảng đen, cuộc đời đen.


Người thầy. (Ảnh qua giadinh.net.vn)
Các bạn thấy đấy, câu này tôi được nghe từ những người dạy kiến thức văn hoá, dạy đạo làm người cho tôi, nghe rất chua xót và bi đát phải không ạ? Đến ngày nay, thế kỷ 21 rồi mà vẫn thế, cuộc sống chật vật mưu sinh của các thầy, các cô vẫn chưa có gì thay đổi. Tôi đã gặp rất nhiều giáo viên, trả lời rất khôi hài rằng mình làm nghề “Tháo giầy” khi được hỏi đến nghề nghiệp.

Đây đó, vẫn có nhiều phụ huynh học sinh tỏ thái độ khó chịu với các thầy các cô, cũng bởi vì đây đó đã có nhiều thầy cô vì muốn có thêm thu nhập mà đã “ép” học sinh đủ đường để phải đi học thêm, thậm chí trù dập, chèn ép nếu em nào, phụ huynh nào cứng đầu cứng cổ. Chưa hết, căn bệnh trầm kha phát tác bấy lâu, đó là bệnh thành tích, căn bệnh này cũng là nguyên nhân chính đẩy các thầy các cô vào chỗ khó khăn hơn, bế tắc hơn. Cũng phải thôi, trong cái xã hội kim tiền và nhiễu nhương này, khi các nhu cầu tối thiểu về sinh học và các thị dục đều hối thúc thì việc đây đó, một số các thầy cô bị đánh cắp mất sỹ diện và lương tri cũng là điều dễ hiểu và nên thông cảm. Nền giáo dục nước nhà bị tuột dốc cũng là điều tất yếu mà thôi.

Một ngành quan trọng vào bậc nhất mà các “kỹ sư” của ngành thì được ưu đãi tồi tệ nhất thì có phải là bị ngược đãi không? Các nhà lãnh đạo nước nhà có từng được đi học không? Nếu các vị đã từng đi học thì nên trả lời dùm tôi câu hỏi này.

Trích từ Facebook Duy Tu Ha