Sunday, November 19, 2017

ĐEN



ĐEN 
thơ Thanh Tâm Tuyền

Một người da đen một khúc hát đen 
Bầu trời đen sâu không cùng 
Những dòng nước mắt 
Xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng 
Bằng giọng của máu của tủy của hồn bắt đầu ngày tháng 
Giữa rừng không lời rừng mãi trống không 
Ném mình ném đám đông vào trần truồng tủi cực hờn xác thịt 
Tan vỡ hôm qua hôm nay kể gì ngày mai 
Tội rằng không quên chẳng thể được quên 
Vì Blues không xanh vì điệu Blues đen 
Trên màu da nức nở 
Trong hộp đêm 
Bắt đầu chảy máu thầm kín khóc cổ họng mình 
Ngón tay cấu lấy ống kèn như một bùa thiêng
Chọn ngoài thể xác ngoài thương yêu ngoài dữ tợn 
Chọn thế giới va chạm những loài kim réo gọi 
Thời gian mềm 
Không gặp thời gian 
Không gian quay thành những vòng kỉ niệm 
Rồi một buổi nào Blues hiện về xanh

Nguồn: Thanh Tâm Tuyền, Liên Đêm mặt trời tìm thấy, Sáng Tạo xuất bản, Sài Gòn 1964


Sơ lược tiểu sử tác giả:
Thanh Tâm Tuyền (1936-2006), người đổi mới thi ca vĩ đại nhất của Việt Nam sau 1954, đã bay vào thi đàn Việt Nam như một vì sao băng với tập thơ "Tôi không còn cô độc" (1956) khi mới tròn 20 tuổi và sinh thời, ông đã có một chỗ đứng chủ chốt trong làng Thơ Việt Nam. Với sự khai phá trong ngôn từ và hình thức thể hiện, với chiều sâu và tính phổ quát mang tầm kích thế giới trong ý tưởng, đến nay, thi nghiệp của ông vẫn còn là nguồn cảm hứng đối với những nhà thơ trẻ khao khát đổi mới.
Thanh Tâm Tuyền tên thật là Dzư Văn Tâm, sinh ngày 13 tháng 3 năm 1936 tại thành phố Vinh, Nghệ An và mất ngày 22 tháng 03 năm 2006 tại Minnesota, Hoa Kỳ.

Thanh Tâm Tuyền
Một năm sau ngày mất, cho dù các tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền chưa được xuất hiện chính thức ở trong nước, nhưng một điều vui là tên tuổi và một vài thi phẩm của ông đã được giới thiệu trang trọng và ấn tượng trên "cây thơ" tại sân nhà Thái học (Văn Miếu, Hà Nội), trong Ngày Thơ Việt Nam lần V (Ngày Nguyên tiêu 15 tháng Giêng Đinh Hợi, tức 3-3-2007), với lời dẫn của nhà thơ Phan Huyền Thư và thiết kế mỹ thuật của kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý. Như thế, vượt qua mọi rào cản của ý thức hệ, chính kiến, thời gian và không gian, giới trẻ yêu thơ đã không quên ông!
(Sưu tầm trên mạng)