Tiền lẻ 500đ, 1000đ rất phổ biến trong mùa lễ hội, thường được đặt vào tay, chân, chỗ ngồi của Phật
Cầu xin hay mua bán với thánh thần?
Tôi thường tự hỏi họ cầu xin điều gì và tại sao phải sử dụng đến những phương thức "dâng lễ vật" kỳ lạ đến vậy. Tại sao tín đồ nghĩ các vị La Hán cần tiền? Tại sao người cầu học hành tốt lại nghĩ con rùa đội bia tiến sĩ.. cần tiền? (Mà lại là tiền lẻ mới được). Tại sao những người lên Miếu Bà Chúa Xứ ở An Giang phải thuê heo quay để cúng – và rồi sau đó con heo lại trở về với chủ nhân để tiếp tục... cho thuê?
Lòng thành của người dự hội cũng có mùa như lễ hội.
Họ mang theo sự thừa mứa vật chất về cho những trung tâm thờ cúng, và rồi nhất loạt bỏ đi khi chẳng trúng mùa lễ hội. Nếu gọi đây là tín ngưỡng, thì những tín ngưỡng này thực dụng “gần gũi” hệt như cuộc sống trần thế của người cúng, cần tiền thì cho Phật tiền, cần giàu thì cho Bà heo, cần học giỏi thì rải tiền cho rùa ăn.
Một lễ hội đầu năm 2016
Trong đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, người ta cũng bói toán, xin quẻ đầu năm.”
Ở nhiều ngôi chùa, khi mùa Tết tới, nhà chùa thức thời thương mại, tổ chức luôn cả quầy gieo quẻ, quầy bói, quầy cúng sao, quầy đọc lá số, dịch vụ nào cũng tiền bạc đâu ra đấy. Trong khi đó, trong Phật giáo thuần thành, không có hoạt động nào có thể... đoán trước tương lai được cả.
Lễ hội đầu năm như hội chợ “cầu được ước thấy” mở ra, khách hàng tứ phương mặc trên mình chiếc áo kính ngưỡng giả hiệu, rải tiền lẻ từ cửa đền lên đỉnh đền, hẳn tin rằng mình sẽ sớm đạt ước nguyện vì đã “hối lộ” xong thánh thần khắp lượt.
Lan tỏa
Lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng đã phải "quây kín" sau những chỉ trích từ nhiều nơi
Vậy những người đã nhiệt tình đánh xe hơi từ tận tỉnh xa về, chầu chực đêm khuya để lao vào giật tờ ấn, họ đã hiểu gì về thứ họ cố công giật lấy mang về dán trong nhà?
Ông Trần Phước Thuận giải thích sự phổ biến của đủ mọi hình thức cúng bái xuất hiện: “Tín ngưỡng dân gian tại Việt Nam rất lớn mạnh và lấn át cả các tôn giáo chính thống. Sức truyền bá của tín ngưỡng dân gian rất ghê gớm, không cần lý luận, không cần học thuyết gì, người ta xúm lại thờ cúng một nhân vật nào đó họ cho là linh thiêng. Sức lan tỏa của loại tín ngưỡng này cực kỳ lớn như các lễ hội hát chầu, cúng bái, xin ấn tại đình chùa.”
Còn món đồ người đi lễ hội tranh nhau giật lấy hay hào phóng bỏ tiền mua, chúng là sản phẩm được “chế tạo” ra đáp ứng cho ước muốn trao đổi với thần thánh của những người trần đầy ham hố cầu xin.
Chỉ có kẻ buôn thần bán thánh là bận bịu dịp này hơn cả!
Lan Phương
Theo: BBC Tiếng Việt