Từ cuối tháng Tư đến tháng Bảy, đi đâu trên nước Đức cũng thấy các cửa hàng bày bán các sản phẩm để ăn cùng với măng tây.
Nào là các loại rượu vang, đủ loại nước xốt, các kiểu cá hồi tươi, thịt cũng như khoai tây được quảng cáo là sự kết hợp tuyệt vời với măng tây. Các nhà hàng cũng trưng bảng quảng cáo thực đơn măng tây với nhiều món đều dùng măng tây làm nguyên liệu chính.
Măng tây được bày bán trong cửa hàng: theo thống kê, chỉ trong vài tháng mùa xuân người Đức tiêu thụ gần 60.000 tấn măng tây tươi
Xưa kia ở Đức, măng tây được coi là thứ “rau tiến vua” vì hiếm và đắt, chỉ có mặt trong những bữa tiệc xuân - hè của hoàng gia. Ngày nay, dù nông nghiệp phát triển, măng tây trồng tại Đức vẫn rất đắt – tính ra tiền Việt khoảng 500.000-600.000 đồng/kg, trong khi loại nhập từ châu Mỹ hay Nam Âu thì có giá chỉ bằng một phần năm.
Nhưng đúng là tiền nào của nấy, măng tây “made in Germany” với vỏ giấy bao ngoài in ba màu đen - đỏ - vàng (màu của quốc kỳ Đức) vẫn xứng đáng ngôi vị rau vua: cọng măng có đường kính hơn 1,5cm, tươi giòn, thơm ngọt, hương vị đậm đà, ăn xong còn đọng mãi cảm giác dễ chịu.
Măng tây luộc ăn kèm nước xốt Hollandaise, là món ăn quen thuộc của người Đức
Măng tây (tiếng Đức gọi là spargel) là phần thân mầm nhú ra từ các đốt rễ trụ của một loại thực vật trông tựa như cây tre và chứa những tinh hoa dinh dưỡng của cây. Măng mới hơi nhú khỏi mặt đất là đúng độ thu hoạch, vừa ngọt vừa mọng.
Người ta luôn thu hoạch măng tây trước khi mặt trời mọc vì sau khi bị ngắt khỏi cây măng rất kỵ ánh sáng mặt trời. Có hai loại măng tây, một màu xanh và loại kia màu trắng. Đa số người Việt thích ăn măng tây màu xanh vì nó đậm đà hơn, hơn nữa giá măng tây xanh thường chỉ bằng một nửa măng tây trắng.
Một món măng tây được chế biến cầu kỳ
Người Đức thường ăn măng tây luộc với nước xốt hollandaise (một loại xốt kem béo tuyệt ngon), hay ăn cùng món schnitzel (thịt bê tẩm bột chiên giòn) hoặc dùng thịt ba rọi xông khói cuộn măng tây rồi xốt nấm bỏ lò, ăn với bánh mì…
Và dưới bàn tay người Việt, măng tây còn được chế biến nhiều cách nữa. Đơn giản thì luộc chấm muối mè, xào tỏi với dầu hào, xào thịt bò, nấu xúp; cầu kỳ hơn thì ăn với các loại nước xốt: xốt cà chua và hành củ, xốt nấm kem tươi, xốt cá…
Măng tây cuốn phô mai và thịt xông khói |
Ẩm thực Pháp và Ý đều có những món ngon nổi tiếng gắn liền với măng tây, nhưng nâng măng tây thành món quốc hồn quốc túy có lẽ chỉ có ở nước Đức.
Nhiều thành phố ở Đức có hẳn một Spargelfest (Lễ hội măng tây) để ăn mừng vụ thu hoạch. Tại Spargelfest của thành phố Schwetzingen – được người Đức gọi là “thủ đô măng tây của thế giới” – có một “Nữ hoàng măng tây” được bầu chọn hằng năm.
Nhiều thành phố ở Đức có hẳn một Spargelfest (Lễ hội măng tây) để ăn mừng vụ thu hoạch. Tại Spargelfest của thành phố Schwetzingen – được người Đức gọi là “thủ đô măng tây của thế giới” – có một “Nữ hoàng măng tây” được bầu chọn hằng năm.
"Nữ hoàng măng tây” trong lễ hội ở Schwetzingen
Vào mùa Xuân, tại bất cứ thành phố lớn nhỏ nào ở Đức đều có những điểm bán măng tây tươi trên vỉa hè hay trước các khu thương mại với những dòng người xếp hàng để mua những bó măng đầu mùa còn thoảng mùi đất ẩm. Còn tại những nơi công cộng, hàng loạt tờ bướm, áp phích, cẩm nang dạy nấu các món ăn từ măng tây được phát miễn phí.
Bữa ăn nhanh trong công sở, văn phòng… hấp dẫn hơn với những món như trứng tráng măng tây, salad măng tây, xúp kem măng tây ăn với bánh mì lúa mạch…
Người ta bàn về các món ăn mới chế biến từ măng tây, các loại nước xốt mới vừa ra đời, món nào dùng với rượu vang nào. Phải là vang trắng, song với những người sành ăn thì loại vang thích hợp nhất với loại “rau tiến vua” này phải vừa đủ dịu và khô để có thể tăng hương thơm đặc trưng của măng, nếu vị vang quá chát sẽ làm tăng vị đắng của măng mà lại khiến măng mất đi mùi đất thoang thoảng…
CẨM TÚ/DNSGCT