Friday, October 19, 2018

GIAO HƯỞNG TÂY, GIAO HƯỞNG TA

Đại biểu HĐND (Đại Biểu) bước vào phòng chủ tịch HĐND (Chủ Tịch), cúi đầu khúm núm:

-Thưa chị. Nhà hát giao hưởng sắp xây, em kính biếu chị đĩa tuyển tập các bản giao hưởng của Beethoven này để chị nghe cho biết thế nào là nhạc giao hưởng, kẻo sau này bỡ ngỡ.

– Ử, cảm ơn cậu. Cứ để đấy chị xin.

Hai hôm sau, đại biểu lại đến:

– Thưa chị. Chị nghe cái đĩa em tặng chưa ạ?


Chủ Tịch: – Nghe rồi, mà có hiểu gì đâu. Hóa ra tai tụi Tây toàn là tai trâu cả. Cái nhạc chỉ ì ì uồm uồm thế, mà chúng nó cũng vỗ tay ầm ầm.

Đại Biểu: – Vâng, chị nói đúng. Giao hưởng Tây làm sao bằng giao hưởng Ta được ạ.

Chủ Tịch: – Ta cũng có nhạc giao hưởng à.

Đại Biểu: – Dạ, em không nói đến cái thứ nhạc giao hưởng vẫn biểu diễn ở nhà hát lớn Hà Nội đâu. Đây là em nói đến nhạc giao hưởng của ông bà mình, có từ cả ngàn năm nay rồi cơ.

Chủ Tịch: – Ô, nhạc giao hưởng của ta có từ cả ngàn năm nay rồi cơ à? Sao tôi không biết nhỉ?

Đại Biểu: – Dạ, chị bận trăm công nghìn việc, toàn những việc lớn, để lo cho dân thành phố, làm gì còn thời gian mà quan tâm đến những việc nhỏ như con thỏ ấy. Nhạc Tây có 7 nốt là Đồ, Rê, Mi, Fa, Son, La, Si. Lại còn nào là La thăng, nào là Son giáng, rắc rối lắm, không đơn giản như nhạc ta, chỉ có 3 nốt.

Chủ Tịch: – Vậy à. 3 nốt ấy là những nốt gì?

Đại Biểu :- Nhạc ta chỉ có 3 nốt là Bò, Nghé, Ra thôi.

Chủ Tịch:- Sao ? Âm nhạc thì liên quan gì đến Bò, đến Nghé?


Đại Biểu: – Dạ, chị là người thông minh, em nói qua thế này là chị hiểu liền à. Như là chị có một cây đàn cò (nhị), chị cầm cái vĩ kéo vào một dây rồi lại kéo dây kia, nó sẽ phát ra hai tiếng “cò ke”. Nếu chị bấm vào một chỗ trên dây rồi lại kéo như thế, nó sẽ phát ra hai tiếng “kí ke”. Ông bà mình gọi cò ke là bò ra, kí ke là nghé ra. Thế rồi bất cứ một bài hát nào,khi người hát cất tiếng hát, nhạc công dàn nhạc giao hưởng của ta chỉ cần lựa cái âm ấy tương ứng với nốt bò hay nốt nghé, nốt ra mà bấm, là đệm theo được liền à. Ví như bài quốc ca chẳng hạn. Từ đoàn tương ứng với nốt bò, từ quân tương ứng với nốt ra. Thế nên người hát hát là “: đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc..” thì nhạc công dàn nhạc giao hưởng của ta bấm vào những nốt “:Bò Ra Bò Ra Ra, Ra Bò Nghé Nghé..”. Còn như bài giải phóng Điện Biên chẳng hạn. Khi người hát cất lên là “:Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về. Giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui…” thì nhạc công dàn nhạc giao hưởng của ta bấm là “Bò Nghé Bò Ra, Bò Bò Ra Nghé Ra Bò Bò. Nghé Bò Nghé Bò, Bò Ra Nghé Ra Bò Ra..”. Chỉ cần 3 nốt ấy, bài nào cũng chơi được, cứ ngọt lịm đi chị à.

Chủ Tịch: – Tuyệt. Nhưng sao cậu lại am hiểu về nhạc giao hưởng sâu sắc thế?

Đại Biểu: – Dạ, ông già em làm trưởng một đoàn bát âm, chuyên đi phục vụ các đám ma. Em nghe các cụ truyền nghề cho nhau nên nhập tâm.

Chủ Tịch (vỗ đùi): – Hay lắm. Nhân tài ngay trước mắt mà không biết. Tôi phải ký công văn chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xuất tiền thành lập ngay một dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, mời ông cụ cậu làm nhạc trưởng, cậu đứng ra tổ chức dàn nhạc nhé. Phải có dàn nhạc giao hưởng của thành phố. Chứ không, khi nhà hát giao hưởng xây xong, lấy gì mà biểu diễn. Cậu phải làm thật tốt. Phải coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng bậc nhất lúc này.100 tỷ đồng có đủ cho dự án xây dựng dàn nhạc giao hưởng của thành phố không?

Đại Biểu: – Dạ, chị cứ yên tâm, em sẽ không phụ sự kỳ vọng của chị. Nhưng 100 tỷ, kể ra thì…Hơi ít. Vì phải sắm một số nhạc cụ. Cây đàn cò mua bằng tiền dân giá 2 triệu đồng. Nhưng mua bằng tiền Ngân sách thì phải 2 tỷ. Cây đàn kìm dân mua 3 triệu, nhưng Ngân sách mua thì 3 tỷ…


Chủ Tịch: – Thôi trước mắt hãy tạm thế đã. Thiếu thì bổ sung sau. Đất Thủ Thiêm mênh mông, bán đi thu cả tấn tiền, thiếu gì. Nhưng cái chính là phải quảng bá được dàn nhạc giao hưởng của thành phố, cho tụi Tây nó sáng mắt ra.

Đại Biểu: – Dạ, chị thật sáng suốt, có tầm nhìn xa trông rộng, em bái phục ạ.

VŨ HỮU SỰ