Tuesday, May 2, 2023

TẠI SAO NGƯỜI TÍNH LUÔN KHÔNG BẰNG TRỜI TÍNH?

Trong cuộc sống thường ngày, đa phần mọi người đều có những suy tính về lợi ích chứa đựng trong tâm. Nhưng kỳ thực chỉ có ông Trời mới có thể tính toán được hết thảy...

Người trong thiên hạ đều tất bật, bận rộn là vì cái lợi mà đến; Người trong thiên hạ đều rối ren, hỗn loạn cũng vì cái lợi mà ra...

Trong cuốn Sử ký - Hoá sự liệt truyện, Tư Mã Thiên có viết: “Thiên hạ hy hy, giai vi lợi lai; thiên hạ nhưỡng nhưỡng, giai vi lợi vãng” Nghĩa là: "Người trong thiên hạ đều tất bật, bận rộn là vì cái lợi mà đến; Người trong thiên hạ đều rối ren, hỗn loạn cũng vì cái lợi mà ra..."

Hồ đồ nhiều hơn, tính toán ít hơn

Thông thường con người ai cũng muốn bản thân mình được thông minh. Nhưng thông minh cũng có người nhiều, có người ít, hồ đồ cũng có thật sự hồ đồ và giả vờ hồ đồ.

Với người thông minh tài giỏi mà hay tính toán để hưởng lợi, họ làm bất kể công tác nào cũng luôn nghĩ tới nghĩ lui làm thế nào để bản thân không bị thiệt thòi, đắc được nhiều lợi ích nhất; biểu hiện như đang chiếm thế thượng phong so với người khác, nhưng nội tâm lại mất đi sự bình tĩnh, thời thời khắc khắc đều đề phòng, từ đó mà thân thể thân thể suy kiệt, nội tâm bất an. Những người này họ luôn cảm thấy mệt mỏi trong thời gian dài, so với những người ít thông minh hoặc ít tính kế lợi ích thì lại càng lao tâm khổ tứ hơn gấp bội phần.

Với người hồ đồ, đôi lúc họ hồ đồ thật cũng tốt, họ thông thường “không biết" tranh giành lợi ích, có khi còn bị người khác lừa gạt mà đánh mất lợi ích của mình. Nhưng tục ngữ có câu: “Nếu ai đó nợ bạn thứ gì, ông trời sẽ trả lại cho bạn”, chí ít hiện tại họ là bên thiệt thòi, nhưng tương lai lại sung túc, hơn nữa nội tâm an nhiên đạm bạc. Với người giả vờ hồ đồ, có lẽ họ không muốn vướng vào những lợi ích tranh giành cá nhân, họ giữ “đức", sống cuộc sống tự tại, thực hiện theo phương châm: “cái gì của mình thì sẽ không mất, cái gì không phải của mình thì có tranh giành cũng không được, trời xanh đã tự có an bài”.

Tục ngữ có câu: “Nếu ai đó nợ bạn thứ gì, ông trời sẽ trả lại cho bạn”, chí ít hiện tại họ là bên thiệt thòi, nhưng tương lai lại sung túc, hơn nữa nội tâm an nhiên đạm bạc. (Ảnh: Pexels)

Trong Kinh Dịch có viết như sau:

"Đất có tính nhu hoà, người quân tử dựa vào đức dày để nâng đỡ vạn vật. Trời đất, khiêm nhường mà thâm sâu, dung nạp vạn vật, hà tất có tính toán chi? Vậy mới nói: so đo qua lại, kỳ thực chính là tính toán với bản thân. Ngày ngày âm mưu tính kế, dối người lừa mình, người thân dần dần xa lánh, bạn bè rời bỏ, con đường nhân sinh càng đi lại càng hẹp! Hồ đồ nhiều hơn một chút, ít tính kế đi một chút. Nhân sinh không tính toán, thật tốt nhường nào!"...

Nguyên văn:

“Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật. Thiên địa, phu chuyết thâm trầm, dung tải vạn vật, kỷ tăng toán kế giảo quá, kỳ tăng toán kế quá? Chính sở vị, toán lai toán khứ, kỳ thực thị toán kế trước tự kỷ. Thiên thiên câu tâm đấu giác, nhĩ ngu ngã trá, thân nhân hội sơ viễn, bằng hữu hội viễn ly, nhân sinh chi lộ hội việt tẩu việt trách! Đa điểm hồ đồ, thiểu điểm kế giác. Bất toán kế đích nhân sinh, đa hảo!”

Quân tử ái tài thủ chi hữu đạo

Ý tứ của câu nói trên là: "Người quân tử quý trọng của cải, nhưng lấy của cải phải đúng đạo lý". Tục ngữ thường nói: “Chim dẫu bay cao, chết cũng trên đĩa; cá sâu trong ao, chết cũng vì mồi”. Phàm là đứng trước mỗi một sự việc đều cần phải đầu tư, mất mát gì đó nhưng nếu như trong tâm con người ta cứ cố chấp vào những tính toán nhỏ nhoi, sẽ dễ dàng rơi vào cái bẫy của lợi ích. Bao nhiêu người, vì dục vọng mà rơi vào cảnh khốn khổ, vì mê hoặc mà mất đi lý trí.

Trong Kinh Dịch viết: “Lợi giả, nghĩa chi hoà dã". Lợi ích chân chính là phải được kiến lập trên cơ sở của đạo nghĩa, hợp tác cùng phát triển hai bên cùng được lợi.

Phàm là đứng trước mỗi một sự việc đều cần phải đầu tư, mất mát gì đó nhưng nếu như trong tâm con người ta cứ cố chấp vào những tính toán nhỏ nhoi, sẽ dễ dàng rơi vào cái bẫy của lợi ích. (Ảnh: Pexels)

Có một câu chuyện kể về việc Mạnh Tử nhận quà được ghi chép lại như sau:

Mạnh Tử từ chối nhận 100 lượng vàng của Tề quốc, nhưng lại nhận 50 lượng vàng của Tiết quốc. Mạnh Tử làm như vậy là vì ông chưa từng giúp qua nước Tề, mà đã giúp đỡ nước Tiết, vậy nên nước Tiết tặng quà cho Mạnh Tử là có cơ sở. Mạnh Tử không vì ham của cải mà làm trái đạo lý, không làm thì quyết không nhận.

Một câu chuyện khác kể về một vị thương gia nọ đang bên bờ vực phá sản và tìm đến gặp Hồ Tuyết Nham (Hồ Tuyết Nham [1823 – 1885] là thương gia giàu nhất Hàng Châu cuối thế kỷ 19. Sự nghiệp làm ăn của ông là cả một huyền thoại). Vị thương gia này muốn bán lại toàn bộ sản nghiệp với giá cực thấp cho ông Hồ. Đối mặt với cơ hội làm ăn béo bở ấy, Hồ Tuyết Nham không những không mua lại, mà còn cho người thương nhân kia vay tiền với lãi suất rất thấp. Ông Hồ nói: “người nào cũng sẽ gặp phải những ngày mưa mà không có ô, tôi có thể giúp họ che được mưa thì tôi sẽ giúp”. Về sau, người thương nhân kia làm ăn phát đạt trở lại, trở thành đối tác trung thực nhất của Hồ Tuyết Nham.

Đây có lẽ cũng là một ví dụ điển hình nhất của việc lấy thiện đặt lên trên lợi ích, không màng tư lợi bản thân. Nhưng đó lại chính là gốc rễ đắc được phúc báo, Hồ Tuyết Nham không những kết giao được bạn hiền, mà tiền đồ càng hưng thịnh, tiếng thơm lưu lại cho đời sau.

Hồ Tuyết Nham nói: “người nào cũng sẽ gặp phải những ngày mưa mà không có ô, tôi có thể giúp họ che được mưa thì tôi sẽ giúp”. (Ảnh qua dkn.tv)

Người tính nghìn kế trời chỉ tính một

Trên cánh cửa lớn tại Tu Chân quán ở trấn Ô có treo một bàn tính lớn. Nhìn kỹ trong đó có một hạt tính không di chuyển được lên xuống, từ trái sang là hạt thứ chín, từ phải sang là thứ năm, ý vị là cửu ngũ chí tôn.

Hai bên cửa Tu Chân quán có treo đôi câu đối lớn: “Nhân hữu thiên toán; Thiên tắc nhất toán” (Người tính nghìn kế; Trời chỉ tính một). Hơn nữa chữ “tính" đầu tiên, còn cố ý viết sai. Con người có bàn tính nhỏ, ông trời có bàn tính lớn. Như vậy, ông trời tính toán những gì? Tính toán công bằng cái "đức" cho mỗi từng người.

Đền Đông Nhạc ở Bắc Kinh cũng treo hai bàn tính lớn. Hầu hết các đền chùa lớn ở Đài Loan đều có treo bàn tính. Các bàn tính thường không khác nhau nhiều. Nhưng những bàn tính này có ngụ ý là để cho thế nhân biết phân minh thiện và ác.

Trong Kinh Dịch có một câu nói nổi tiếng: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương”. Ý tứ là: Gia đình nào thường hay hành thiện tích đức, tất sẽ có nhiều phúc khí để lại cho con cháu; gia đình nào không tích thiện tất gặp thừa tai ương. Đạo lý xưa nay dù là làm việc gì thì tâm cũng nên có thiện niệm, như vậy Trời cao vĩnh viễn sẽ không khiến bạn phải chịu thiệt.

Anh Kỳ (biên dịch)
Theo: NTDVN