Gỏi gà măng cụt không phải là một món ăn mới.
Giá măng cụt xanh lên cao chót vót, người người nhà nhà đua nhau mua về chế biến, thậm chí nhiều cơ sở kinh doanh đăng tin tuyển gấp người gọt măng cụt xanh, trả công rất cao để kịp bán cho khách.
Trên thực tế gỏi gà măng cụt này không phải là một món hoàn toàn mới. Đây vốn là đặc sản của huyện Lái Thiêu, Bình Dương, và cũng xuất hiện từ lâu trên thực đơn của nhiều nhà hàng ở nhiều nơi tại khu vực miền Nam.
Nguyên liệu của món này gồm thịt gà, hành tây, cà rốt, các loại rau thơm, nước mắm chua ngọt, rắc thêm tí hành phi, đậu phộng, và tiêu điểm là măng cụt xanh cắt lát trộn cùng.
Loại măng cụt được dùng phải còn xanh, vỏ cứng và nhiều mủ, thường chỉ có từ tháng Tư tới tháng Sáu.
Sức mạnh của mạng xã hội
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, chuyên gia truyền thông Vũ Bá Thuấn, giảng viên đại học Hoa Sen cho biết gần đây món gỏi gà măng cụt trở thành xu hướng do nhiều người có sức ảnh hưởng trên TikTok lăng xê lên.
“Cách đây khoảng ba tuần, một TikToker có nhiều người theo dõi xuống một nhà vườn ở Vũng Tàu ăn món này rồi chia sẻ. Sau khi video này lọt vào top thịnh hành, thì mọi người bắt đầu làm theo và kết quả là gỏi gà măng cụt trở thành món “bắt buộc phải thử” trong giới trẻ”, ông Thuấn lý giải.
Chị Ngọc Ánh, một tiểu thương ở Quận 9, TP HCM cho biết măng cụt xanh bán rất chạy khoảng một tháng nay nhờ TikTok.
Chị chia sẻ thời gian gần đây, nhờ những video thịnh hành trên TikTok mà chị bán được 100-150kg măng cụt xanh vào dịp cuối tuần và ít hơn một chút vào những những ngày cuối tuần.
“Trái xanh nguyên vỏ thì tầm 50.000 VND/kg, còn loại đã gọt vỏ thì lên tới 350.000 VND/kg”, chị Ánh nói. Chị giải thích việc gọt vỏ hơi tốn thời gian và công sức vì trái xanh nhiều mủ, nên nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra để mua loại gọt sẵn.
Trong khi chị Ánh huy động người nhà gọt vỏ thì nhiều cơ sở kinh doanh lớn phải tuyển gấp người gọt măng cụt vì quá tải đơn đặt hàng.
Trên các hội nhóm tìm việc làm tràn lan các bài đăng tuyển dụng, trả công từ 300.000 - 600.000 VND mỗi ngày cho công việc gọt măng cụt xanh.
Thậm chí theo một bài báo trên Vietnamnet, măng cụt xanh còn được săn lùng bên Mỹ với giá lên tới lên tới hơn 120 USD/kg (hơn 2,8 triệu VND).
Măng cụt xanh sau khi gọt vỏ có giá cao hơn rất nhiều. Ảnh: Ngọc Ánh
“Tín hiệu tích cực cho người nông dân”
Trước cơn sốt gỏi gà măng cụt, Giáo sư Trần Văn Hâu, phụ trách bộ môn Khoa Học Cây Trồng trường Đại học Cần Thơ nhận định đây là một tín hiệu tích cực cho người nông dân khi có một xu hướng giúp tiêu thụ nông sản.
“Giá măng cụt xanh lên cao thì tốt cho người trồng. Việc tỉa trái xanh ở một mức độ hợp lý sẽ giúp cây khoẻ hơn vì phải nuôi ít trái hơn, và không ảnh hưởng gì tới mùa vụ sang năm”, Giáo sư Hâu cho biết.
Chị Ngọc Ánh chia sẻ chị mua măng cụt xanh ở nhà vườn tại xã Trung An, huyện Củ Chi, TP HCM.
“Nhà vườn chỉ chọn những nhánh nào nhiều trái mới thu hoạch, tỉa bớt trái xanh để những trái còn lại được to đều hơn khi chín, họ cũng không lo lắng gì”, chị nói.
Xu hướng tức thời hay bền vững?
Theo chuyên gia truyền thông Vũ Bá Thuấn, hiện nay những video về ẩm thực, nông sản rất dễ được lên top thịnh hành. Nhưng ông cũng cho rằng những xu hướng này thường khó bền, nổi lên nhanh chóng rồi sẽ nhanh chóng chìm xuống.
“Bây giờ thì đang còn hot, mọi người đang tò mò ăn thử nhưng chỉ một thời gian là hạ nhiệt, giống như món bánh mì que muối ớt hay cafe muối trước đó. Ngay cả như trào lưu mì cay bảy cấp độ, được các công ty ẩm thực Hàn Quốc quảng cáo rất rầm rộ ở Việt Nam vào những năm 2016, cho đến nay món ăn này vẫn còn tồn tại nhưng không còn giữ được độ hot như ban đầu”, ông Thuấn nhận xét.
“Nhất là ở Việt Nam, vài hôm phải đẩy lên một cái trend (xu hướng) nào đó, hết xu hướng này lại lại có xu hướng khác”.
Theo ông, “Việc đẩy xu hướng là bình thường, TikTok luôn phải lăng xê một xu hướng nào đó, trước đó có thể kể đến Hào Quang Rực Rỡ của Trấn Thành, rồi phim mới của Lý Hải, ca khúc mới của Sơn Tùng rồi lại đến vụ gỏi gà này… Từ từ cái măng cụt này cũng sẽ bị lãng quên và biến mất”.
Bài học đầu ra cho nông sản
Dù không được đánh giá là bền vững, nhưng từ hiệu ứng truyền thông của món gỏi gà măng cụt Bình Dương trên mạng xã hội, phải chăng đây là một hướng đi mới để các địa phương đẩy mạnh quảng bá đặc sản vùng miền, từ đó dẫn đến thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Bởi lẽ đầu ra cho nông sản vẫn là bài toán hóc búa cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Năm nào cũng có những đợt kêu gọi “giải cứu nông sản” vì người dân hễ thấy ai nuôi con gì, trồng gì đó mà bán được giá thì làm theo, trông chờ vào cái lợi trước mắt, trong khi ban ngành thì khi nào dân kêu mới tìm phương án giải cứu.
(Ảnh: Getty Images)
Theo các chuyên gia, mỗi nước, mỗi địa phương, thị trường sẽ có những nhu cầu về nông sản, thực phẩm khác nhau, mà người dân và các ban ngành liên quan nên chủ động hơn.
“Chẳng hạn như bên Thái Lan thì người ta thích ăn trái sầu riêng còn giòn, còn Việt Nam thì chỉ những trái chín mềm mới bán chạy”, Giáo sư Trần Văn Hâu nêu ví dụ.
Theo ông, việc tạo ra được một hướng tiêu thụ mới cho nông sản là điều cần thiết.
Theo: BBC Tiếng Việt (20/05/2023)