Quán ăn “cha truyền con nối”
Trời hửng sáng, tôi ghé quán hủ tiếu hồ của ông Đỗ Khiêm gần nhà, nằm khang trang ở số 26 đường Đinh Hòa (Q.8, TP.HCM). Thấy tôi chăm chú nhìn vào biển hiệu quán với cái tên Đỗ Khôn - Huy Đạt, ông chủ niềm nở tiếp đón, tiếp chuyện rằng "Đỗ Khôn" là tên cha ông, còn "Huy" và “Đạt” là tên hai đứa con trai của ông.
Ông Khiêm tự hào đây là quán hủ tiếu hồ “cha truyền con nối", và ông chính là đời thứ 2 tiếp nối quán hủ tiếu của cha. Theo lời kể của ông chủ quán mái tóc bạc trắng, năm 15 tuổi, cha mình - ông Đỗ Khôn theo gia đình di cư sang vùng Chợ Lớn, rồi khởi nghiệp với xe hủ tiếu hồ ngay cầu Ba Cẳng ở gần chợ Kim Biên.
Ông Khiêm cùng chị gái kế thừa quán hủ tiếu hồ của ba.
Sau hơn 40 năm mưu sinh cùng cha bằng xe hủ tiếu hồ đắt khách ở chân cầu Ba Cẳng, ông Đỗ Khiêm mới mở tiệm bán trong đình Bình Phú được gần 10 năm, rồi sau mới dời về tiệm bây giờ trên đường Đình Hòa này, ngót nghét cũng hơn chục năm qua.
Trong lúc đang vã mồ hôi chế biến chảo sa tế to đùng phía trước, nhìn vào bên trong quán đông nghẹt khách đến ăn, ông chủ giới thiệu tất cả những thành viên buôn bán ở đây đều là gia đình của mình, bao gồm: chị ruột ông, vợ ông, 2 người con trai. Vì quán đông khách, ông cũng thuê thêm 2 nhân viên bên ngoài thì mới xuể việc.
Bà Thục Anh (54 tuổi, vợ ông Khiêm) gắn bó với quán hủ tiếu hồ hơn 30 năm nay, từ ngày về làm dâu.
Cả nhà ông chủ người Tiều dường như đã quá quen với công việc này, nên ai nấy đều làm hết sức thuần thục. Điều đó cũng giúp cho mỗi tô hủ tiếu chỉ một thoáng là đã bốc khói nghi ngút trên bàn khách ngồi mà không phải chờ đợi quá lâu.
Tô hủ tiếu được chế biến tỉ mỉ trước khi mang ra cho khách.
“Hồi xưa ba tôi bán chính, tôi phụ ba. Giờ thì 2 chị em tôi kế thừa. 2 đứa con tôi, đứa lớn thì phụ bán suốt 6 năm qua, cũng rành việc, đứa nhỏ thì đang học đại học, có thời gian cũng ra phụ 2 vợ chồng và chị tôi.
Tôi không chắc là các con có kế thừa cái quán của mình không, mình tôn trọng sự lựa chọn của tụi nó, nhưng cách tôi đặt tên quán cũng là một sự hy vọng các con kế thừa và phát triển quán ăn truyền thống của gia đình, không làm nó mai một", ông chủ tâm sự thêm.
Anh Huy hy vọng sẽ kế thừa, phát huy quán ăn có thâm niên 60 năm của gia đình.
Trong lúc em Tuấn Đạt (19 tuổi, con út ông Khiêm) lo “vòng ngoài" như đón khách, dẫn xe, thì anh trai Tuấn Huy (24 tuổi) vừa tiếp khách, bưng bê bên trong quán, rảnh tay lại vào khu vực bếp phụ cô và mẹ. Anh Huy cho biết thời điểm này, sau gần 6 năm bán quán cùng gia đình, anh đã nắm được các kiến thức, kỹ năng cần thiết để nấu được một phần hủ tiếu hồ đúng vị của gia đình mình.
“Cùng buôn bán với mọi người trong nhà, mình vừa hạnh phúc, vừa thấy ấm áp. Mình cũng đang cố gắng mỗi ngày để thuần thục hơn, và cũng hy vọng có thể kế thừa, phát triển quán ăn của ba sau này. Quán là tâm huyết của ông nội, của ba mẹ, nên nó có ý nghĩa không chỉ với riêng mình mà còn của cả gia đình", anh tâm sự.
Mỗi phần hủ tiếu hồ giá dao động từ 55.000 - 80.000 đồng, tùy nhu cầu của khách.
Là người thân trong nhà cùng bán quán với nhau, nhưng anh Huy cũng “bật mí" mình và em trai cũng được ba trả lương giống như những nhân viên khác. Và tất nhiên, số tiền lương được trả đúng với công sức lao động của mình khiến anh hài lòng.
“Về Việt Nam là ghé, không ghé không được!"
Hủ tiếu hồ là món ăn khá phổ biến trong cộng đồng người Tiều. Tuy nhiên, món ăn này thuộc dạng “hiếm có khó tìm" ở TP.HCM bởi khi muốn ăn, người ta thường phải chạy vào Chợ Lớn hoặc qua tới khu vực Q.8 thì mới có.
Gọi là hủ tiếu hồ, nhưng món ăn này lại chẳng liên quan gì đến cọng hủ tiếu thông thường cả. Thực chất, sợi hủ tiếu trong quán ông Đỗ Khiêm là những miếng bột mỏng gần như bánh ướt, nhưng dày hơn và có hình vuông được chủ quán đặt làm. Thay vì ăn chung với thịt heo, gà hay cá như các món mì, hủ tiếu khác thì hủ tiếu hồ chỉ dùng chung với lòng heo, cải chua, sa tế.
Theo lời giới thiệu của ông chủ, bên cạnh món hủ tiếu hồ là “vedette", quán còn có các món đặc trưng khác của người Tiều như hủ tiếu sa tế và mì. Hầu hết, các món này đều xoay quanh thành phần chính là lòng heo, bao gồm gan, phèo, bao tử...
Gọi là hủ tiếu hồ, nhưng món ăn này lại chẳng liên quan gì đến cọng hủ tiếu thông thường cả. Thực chất, sợi hủ tiếu hồ là những miếng bột mỏng gần như bánh ướt, nhưng dày hơn và có hình vuông được chủ quán đặt làm.
Ở đây, mỗi phần hủ tiếu có giá dao động từ 55.000 - 80.000 đồng tùy loại. Tô hủ tiếu vừa vặn, không quá lớn với nước dùng đậm đà, sợi hủ tiếu trắng tinh, thơm, dai giòn và lòng heo được chế biến tỉ mỉ, không bị tanh… đủ cho một bữa sáng ấm lòng.
Cả gia đình hạnh phúc khi đồng hành cùng nhau bán quán.
Ông Jelly (69 tuổi, Việt kiều Mỹ) cùng vợ và con gái ghé quán hủ tiếu hồ của ông Đỗ Khiêm để ăn. Vị khách tâm sự mình đã ăn ở đây suốt mấy chục năm qua, cũng không thể nhớ rõ. Ông chỉ nhớ mỗi lần có dịp về Việt Nam là ghé đây ăn, không ghé không được bởi, nó mang đến cho ông một chút hoài niệm về Sài Gòn những ngày xưa cũ.
“Hủ tiếu ở đây ngon, tôi rất thích. Ăn rồi trở thành khách quen của ông bà chủ, mỗi lần về họ vẫn nhớ mặt", vị khách nói rồi cùng gia đình thưởng thức tô hủ tiếu từ lâu vẫn chưa có dịp ăn lại.
Bài & ảnh: Cao An Biên / Thanh Niên