Monday, March 21, 2016

XÔNG SAO CHO VẪN CÒN HƠI ?

Tôi đã post rất nhiều bài viết của bác sĩ Lương Lễ Hoàng, dù là Tây học nhưng anh vẫn kết hợp với y học dân tộc và có những bài viết rất hay nói về những phương pháp chữa trị dân gian nhưng có nhiều hiệu quả. Mời các bạn đọc bài viết sau đây:

Xông sao cho vẫn còn hơi?

Một trong các liệu pháp luôn luôn có mặt trong kho tàng kinh nghiệm của y học dân gian, Đông cũng như Tây, chính là phương pháp xông hơi. Liệu pháp này được ưa chuộng không chỉ vì tác dụng cấp thời mà còn do hình thức áp dụng tương đối đơn giản. Không kể đến phương tiện tốn kém như phòng xông hơi (sauna), hay máy xông mũi, với người bình dân chỉ cần tìm thang thuốc xông, nấu nồi nước nóng rồi trùm mền hít thở đã đủ để giải cảm. Tuy phổ thông như thế nhưng không phải mọi ai cũng hiểu rõ về cách dùng nồi xông sao cho sau đó thấy khỏe, thay vì tuy gọi là xông hơi nhưng xông rồi cứ như hết… hơi!

Trước hết, nhiều người vẫn tưởng phải nấu nước thật sôi mới có tác dụng. Không đúng! Hơi nước đang sôi nếu may mắn không gây bỏng da cũng kích ứng niêm mạc mũi, mắt, miệng… Đúng là nấu nước cho sôi nhưng để nguội tối thiểu 5 phút rồi hãy trùm chăn hít hơi thuốc.
Kế đến, khi bỏ thuốc xông vào nồi không cho một lượt mà dành các vị có tinh dầu như quế, gừng, sả, húng chanh… vào phút cuối. Trong trường hợp không mua được thang thuốc xông chính hiệu chỉ cần cho nhúm dầu cù là hay muổng canh dầu khuynh diệp vào nồi nước nóng thì cũng có ngay tác dụng tương tự. Nếu tìm được loại dầu nào có tràm trong thành phần càng tốt nhờ thêm tác dụng kháng khuẩn cho đường hô hấp lẫn ngoài da.
Tiếp theo, trong khi xông đừng quên há miệng hít thở cho sâu để hợp chất tinh dầu của bài thuốc có thể cống hiến tối đa tác dụng kháng sinh, kháng viêm, long đờm trong vùng hầu họng. Đừng ngại khi phải đổ nước mắt nước mũi trong lúc xông vì đó là cách giúp đào thải vi khuẩn, nấm mốc, tạp chất… đang bám chặt trên niêm mạc đường hô hấp.
Tham thì thâm. Đừng ngồi lì xông hơi hơn 10 phút! Sau khi xông phải thay ngay quần áo khô, giữ ấm, đặc biệt là hai bàn chân, và nằm nghỉ tối thiểu 30 phút vì hệ tuần hoàn rất nhạy cảm trong lúc và sau khi xông hơi. Nhiều người bị chóng mặt, ngất xỉu do xông hơi quá lâu hay làm việc ngay sau khi xông thuốc.
Có ra cũng phải có vào. Sau khi đổ mồ hôi cần bổ sung ngay cho cơ thể lượng nước và chất điện giải vừa thất thoát. Uống ngay ly lớn nước khoáng sau khi xông hơi là điều không nên quên.
Sau hết, thay vì trùm mền sát đầu, vừa tù túng vừa khó bề xoay trở, có thể sáng tạo một chút bằng cách xông hơi dưới tán của cây dù. Với kiểu này có thể bắt ghế ngồi thoải mái với nồi nước xông đặt trên bàn. Xông hơi với cây dù còn có lợi hơn phương pháp trùm mền ở hai điểm:
–    Về mặt cơ chế vận hành, tùy theo mức độ gay gắt của hơi nước sôi, của hàm lượng tinh dầu mà người xông hơi có thể điều chỉnh cường độ của liệu pháp bằng cách kéo dù xuống sát đầu hay giương dù lên cao một chút.
–    Về mặt vệ sinh, rửa dù dù sao cũng nhẹ nhàng hơn giặt mền.
Mùa mưa đã đến. Cảm lạnh cách mấy cũng ăn theo. Sắm sẵn thang thuốc xông, thay vì hở chút uống thuốc, là cách đơn giản để người vẫn khỏe cho dù sáng nắng chiều mưa.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng.