Thời bây giờ, lo cho sức khỏe, ai cũng sợ nên cố gắng giảm dầu, giảm mặn và giảm đường. Nấu cái gì cũng lạt lạt, ít dầu nên giảm đi cái khẩu vị. Nhớ hồi đó ở VN món ăn xào, nấu, kho, chiên,... kiều nấu gì cũng dùng mỡ heo, nhà nhà đều có một keo mỡ thắng sẵn để trong góc bếp.
Hồi đó khi nào má tôi thắng mỡ mới, tụi tôi hay bới cơm chan mỡ vào, chút nước tương, trộn lên là ăn cũng được cả chén cơm thơm ngon mà không cần đồ ăn gì khác. Những hương thơm đó mấy chục năm rồi không được ăn lại nên nhớ, cùng lúc xem chương trình ẩm thực của HK, thấy "thực thần" HK mập ú, giới thiệu món cơm chan mỡ với xì dầu. Thấy ông ta ăn ngon lành nên tôi nói với bà xã mai nhớ mua mỡ về thắng. Vợ tôi nói: "Em không biết thắng mỡ". Tôi nói để tôi làm.
Hồi đó khi nào má tôi thắng mỡ mới, tụi tôi hay bới cơm chan mỡ vào, chút nước tương, trộn lên là ăn cũng được cả chén cơm thơm ngon mà không cần đồ ăn gì khác. Những hương thơm đó mấy chục năm rồi không được ăn lại nên nhớ, cùng lúc xem chương trình ẩm thực của HK, thấy "thực thần" HK mập ú, giới thiệu món cơm chan mỡ với xì dầu. Thấy ông ta ăn ngon lành nên tôi nói với bà xã mai nhớ mua mỡ về thắng. Vợ tôi nói: "Em không biết thắng mỡ". Tôi nói để tôi làm.
Ngày hôm sau, miếng mỡ mua về, tôi xắt nhỏ và cho vào chảo để thắng. Nước mỡ ra, cục mỡ teo dần thành tép mỡ, thắng mỡ đã xong, tôi chan vào cơm với chút xì dầu, trộn lên ăn, ngon lắm, thơm lắm. Tôi ăn cũng hết chén, ngon nhưng ngán ngán. Phần mỡ tôi đổ vào một cái hủ sành, tép mỡ vào một cái keo. Để đó, nửa năm sau, tất cả đều đổ hết vì không ai dám ăn. Chắc nghĩ mình còn trẻ nên sợ chết sớm (?).
Hôm nay lên mạng, đọc được bài viết về tép mỡ ngào đường, món này chưa ăn qua nên post lên cho ai đó có ăn rồi thì nhớ, ai chưa ăn thì thèm.
MỘT MÓN ĂN CHƠI BỊ LÃNG QUÊN NƠI MIỀN QUÊ SÔNG NƯỚC.
Từ xa xưa, khi vùng đất Cửu Long giang khẩn hoang, dựng làng mở chợ, người ta đã có thói quen thích ăn ngọt và béo. Có lẽ để bổ sung năng lượng cần thiết khi cơ bắp làm việc nặng nhọc như đào đất, phát cỏ, be bờ, … Vì thế, trong nghệ thuật ẩm thực của người nông dân miền Tây đường và nước cốt dừa, mỡ heo luôn có mặt trong hầu hết các món ăn. Nhưng tóp mỡ ngào đường lại là món ăn chơi mang đậm vị béo, ngọt đó.
Ngày trước, người dân quê thường làm được gì thì ăn nấy. Heo nuôi, đến ngày giỗ, ngày tết thì làm thịt, trước chia cho hàng xóm, sau để dành ăn. Thời đó, mỡ quý hơn thịt, bán cũng mắc hơn, nhiều người cũng ưa hơn.
Đặc biệt gói bánh tét thì luôn có mỡ heo để làm nhưn (nhân) bánh. Mỡ heo xắt miếng rồi bắc lên chảo thắng. Nước mỡ để ra keo dùng chiên cá, chiên bánh, ăn dần. Tóp mỡ chắc khô nước đem ngào đường thì không những trẻ con mà người lớn cũng mê, cũng thích.
Bắc chảo đường lên bếp để lửa riu riu. Đường tan dần, đợi đến khi kéo sợi thì cho tóp mỡ vào, đảo đều qua lại mấy lần rồi nhắc xuống. Khi đó, tóp mỡ được áo bởi lớp đường bên ngoài óng ánh, nhìn đã no mắt.
Trẻ con nhà quê có được tóp mỡ đem khoe và mời bạn bè là đều hãnh diện lắm. Trong những đêm trăng thanh gió mát, người lớn tuổi thường hay kê bàn ra giữa sân, vừa ngắm trăng, nghe con rạch dưới mé dào dạt chảy, nhấn nhá miếng tóp mỡ ngào đường với chén trà sen đượm khói là thú vui đã trở thành nét văn hóa miệt vườn. Có điều, ngày nay, hình bóng ấy đã dần lùi xa vào dĩ vãng.
Hai Miệt Vườn (Dân Việt)