Saturday, March 19, 2016

BÀI HỌC TỪ MỘT LY NƯỚC


BÀI HỌC TỪ MỘT LY NƯỚC

Lâu lắm rồi tôi không viết, nhất là viết Việt văn. Hôm trước tôi dùng ‘Google’ tìm số phone của chùa Phước Huệ. Nói ra rất xấu hổ, tôi đã không còn nhớ đánh vần chữ ‘Phước’. Tôi viết thành ‘Phouc’. Tôi là gốc người Hoa, Việt văn không phải tiếng mẹ đẻ, cho nên học Việt ngữ đối với tôi là một chuyện khó. Có khả năng nói và viết một ngoại ngữ không phải dễ! Tôi rất sợ bị mất đi khả năng nầy, và đây là một lý do tại sao hôm nay tôi cảm hứng muốn viết bài Việt văn nầy.
Câu chuyện một ly nước chỉ là một chuyện nhỏ xảy ra trong gia đình. Chuyện xảy ra như sau…


Có một lần tôi kêu Michael sẵn tay trong nhà bếp rót tôi một ly nước. Ngày thường tôi rất ít uống nước, tôi còn nói đùa là hôm nay chắc sẽ trời mưa, ah Yin thèm nước. Nhưng khi tôi thấy ly nước, tôi rất bực mình, vì đó chỉ là nửa ly, không phải một ly. Tôi bắt đầu cằng nhằng, cau có … Nếu anh chàng nầy đi rót lại cho đầy ly thì hết chuyện, nhưng chàng ta đem cây thước ra đo và nói rằng đó là hai phần ba ly, chớ không phải nửa ly, trách tôi khó chịu… như vậy là chiến tranh bắt đầu…
Nếu nói ra thì người yếu thế sẽ là tôi, vì đã có người rót nước cho uống là một phước báo rồi, còn kiếm chuyện gây gổ! Khó phục thị! Nhưng có ai biết được‘Băng đông tam xích, phi nhất nhật chi hàn’ (冰冻三尺非一日之寒), nước đã đông thành đá đến ba thước rồi, thì trời đâu phải chỉ lạnh có một ngày. Thật ra tôi không phải là người khó chịu! Làm việc trọn vẹn là tính của tôi. Một ly nước là một ly nước, không thể nào là hai phần ba ly. Khi tôi đi học, tôi không tự yêu cầu lấy 100 điểm, nhưng ít nhất cũng phải 80 - tôi tuyệt đối không phải là học sinh lấy đủ điểm để lên lớp là thôi. Nhưng anh chàng Michael nầy lại có tính nghệ sĩ. Không thích học hành, chỉ thích vẻ. Đối với anh ta, lấy được bằng đại học là đủ rồi, đứng hạng nhất cũng vậy thôi! Khi lái xe, tôi thường quan sát lane nào chạy nhanh hơn, vì lý luận căn bản của người lái xe là lane nào nhanh thì theo lane đó. Nhưng với anh ta, đến nơi trể vài phút, trước vài phút chẳng có gì khác biệt! Một lần anh ta nói: Người ta ai cũng cho rằng lái xe tại Sydney rất khó, nhưng tôi muốn biến sự khó khăn nầy thành một hưởng thụ! Lái tà tà, chung qui cũng sẽ tới!


Nhiều khi tôi cảm thấy anh ta như thiếu đi một sức thúc đẩy, một chút xông xáo hay năng nổ trong cuộc đời. Anh ta không cực buồn cũng không cực vui; không hối hả cùng không vội vã, không đại sân cũng không đại hận; không đòi hỏi cũng không thấy thiếu thốn; thứ gì cũng biết nhưng lại không nghiện một thứ gì.
Đối với anh ta, không ai có thể kết luận rằng một bức tranh, một bức họa đẹp hay không đẹp. Giữa xấu và đẹp, cách biệt chỉ là một phân một ly và đó cũng chỉ là một cảm giác của người thưởng thức hội họa. Trong tự điển của anh ta, không có màu trắng hay màu đen, trắng hoặc đen chỉ là tùy theo cảm giác của mọi người. Thật ra, đó cũng là giáo lý của một ly nước. Nếu cho rằng đó là một ly thì nó là một ly; nếu nói cho chính đáng hơn, anh ta không thể nào rót ra một ly nước, vì ly đầy rồi thì nước sẽ tràn ra, không làm sao hứng ra được.


Đêm về, tôi lại mất ngủ, nhưng anh chàng Michael nầy thì vẫn ngủ thật say. Trong hai mươi năm qua, tôi không hề thấy anh mất ngủ, nằm xuống chỉ ba phút là nhập mộng ngay. Tôi cũng không thấy anh bịnh tật hay đau khổ nhiều như tôi. Đây chính là một khác biệt lớn giữa người sống một đời đầy giáo điều và không giáo điều! Và phải chăng đó cũng là một đời sống mà tôi đang học hỏi, tìm kiếm trong đạo Phật?
03/03/2010
Ah Yin
(trích trong trang mạng Tu Viện Huệ Quang)