Tuesday, March 29, 2016

HEO MASSAGE RẠCH GIÁ

Mới đọc được bài viết của Ngữ Yên đăng trong Thế Giới Tiếp Thị, giới thiệu một món ăn mới ở Rạch Giá. Bài viết rất vui muốn share lại để các bạn cùng đọc, cùng biết về một món ăn và một món uống mới:

HEO MASSAGE RẠCH GIÁ CÒN THIẾU SPA

Thịt heo chắc ai cũng ăn từ hồi biết ăn giặm.
Nhưng ăn thịt heo để lại ấn tượng nhất trong tôi là kiểu ăn thịt heo rừng rôti của nhân vật Obélix trong bộ truyện tranh Những cuộc phiêu lưu của Astérix của René Goscinny, được đọc từ hồi nhỏ… Obélix ăn mỗi lần cả con heo rừng, bỏ lại một đống xương…
Mất hai năm từ nghe tới ăn
Con người biết ăn thịt heo nghe đâu từ 11.400 năm BP (tính đến trước 1.1.1950). Cho nên heo khá là thân thiết với loài người.
Khác với và chắc chỉ có người Việt mới xài hình dung ngữ “ngu như heo”, người Tây thừa nhận heo khôn và xã hội tính cao – nghĩa là nếu lỡ đi xe cọ quẹt thì không đánh nhau tới chết!
Có lẽ hậu nhân chúng ta sau này nên đổi lại là “khôn như heo” để khỏi mang tiếng là thiếu hiểu biết.
Loài người biết ăn thịt heo lâu như vậy, nên việc chế biến thịt heo thành có lẽ tới “n” món.

Cho đến món heo massage mà nhà hàng Năm Nhỏ đạt giải nhì vòng sơ kết Chiếc thìa vàng khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2014, tôi mới ớ ra.
Lâu nay ở đất Sài Gòn, nơi các nhà hàng, thường chỉ thấy phiếu massage mà các tiếp thị viên đi bỏ lên bàn khách từng mớ, chứ đâu có nghe nói gì đến món heo massage.
Mãi đến tháng 3/2016, mới có dịp thưởng thức món heo massage của nhà hàng Năm Nhỏ. Cái giải thưởng kia đã khiến cho món thịt heo này trở thành “ăn khách” ở nơi cái xứ nổi tiếng với các vùng miệt thứ xa xôi, gần cuối đất nước.
Món ăn vốn của người Việt gốc Khmer, một cộng đồng có cách chế biến thịt nướng trứ danh, đồng thời còn có tục gửi heo năm móng, ba giò vào tu ở Chùa Dơi.
Khi những “tu sinh” này hoá, sẽ được chôn cất đằng sau chùa, có bia mộ đàng hoàng. Ngôi mộ đầu tiên là ngôi mộ của “ni” Năm Heo.
Một số nhà hàng Sài Gòn nghe tin heo massage đoạt giải cũng thật nhanh nhảu đưa món thịt heo nướng này vào thực đơn.
Chiều lỡ hôm ấy, ngồi bên gió biển dìu dịu, nhâm nhi món thịt heo massage của nhà hàng Năm Nhỏ, mới tận hưởng cái ngon được chế biến khá cầu kỳ.
Nhà báo Tấn Tới kể lại heo được xăm bằng tăm đều lên tảng thịt nọng, rồi được ướp bằng một loại xốt theo công thức riêng của đầu bếp/nhà hàng.

Sau đó, người chế biến mới dùng tay massage tảng thịt cho xốt ướp thật thấm. Miếng thịt nướng tảng được xắt mỏng có vị ngọt, mặn, hương vị lạ lẫm, đủ mềm đủ dai.
Ăn với nếp đồ với nước cốt dừa và lá dứa, thêm nửa miếng cà. Tất cả cho vào một và, mới có thể tận hưởng cái ngon “complet”, một thứ ngon “đắc đạo”.
Phải nói tiếng cảm ơn người Khmer. Và người Việt gia thêm giá trị, đặt cho nó cái tên đặc biệt, lai Tây.
Nhưng có điều, tôi tưởng tượng thêm, nếu miếng thịt này được xả hôi heo bằng một công đoạn spa nữa là coi như hoàn hảo món heo massage.
Nhâm nhi với rượu sung thằn lằn
Chiều hôm thưởng thức món heo massage lần đầu tiên ấy, duyên còn khởi tới bến nhờ món rượu của thầy giáo Lương Ngọc Thành, dạy tiếng Anh ở Rạch Giá.
Đó là rượu ngâm trái sung thằn lằn, còn gọi là cây trâu cổ, kể đã hai năm. DS Lê Kim Phụng xác nhận tên khoa học của nó là Ficus pumila, thuộc họ dâu tằm.
Thầy Thành cho biết là thầy xin được của người bạn trên Đà Lạt. Tài liệu bảo sung thằn lằn mọc hoang khắp vùng đồng bằng và miền núi Việt Nam.
DS Phụng khẳng định sung thằn lằn chứa nhiều chất chống oxy hoá, trong đó rutin là chất chống oxy hoá mạnh nhất và còn chống xơ vữa động mạch, ngừa cao máu. Cũng là lần đầu tiên tôi được thử thứ mỹ tửu này.  Đã nói là duyên khởi tới bến mà.

Cả y học cổ truyền Việt Nam và Trung Quốc đều khẳng định uống trái này nhất định sung, sinh tinh và chữa lực bất tòng tâm.
Có tờ báo còn nói trái cây này sung cả ông lẫn bà đều khen. Nghe thì nghe vậy nhưng chứng cớ thực nghiệm thì chưa thấy sách nào nói.
Đưa cay rượu sung thằn lằn với heo massage nướng bên cạnh những người bạn mới, đầy hào sảng và xởi lởi ở Rạch Giá, bên cạnh gió biển, dễ gì có thể tìm lại lần thứ hai. Cũng như dễ gì tắm hai lần trong một dòng sông!
Ngữ Yên
Thế Giới Tiếp Thị