Tuesday, March 29, 2016

NƯỚC ĐẠI LÝ 大理國


Thiên long bát bộ (天龍八部) là một tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung. Tác phẩm được bắt đầu được đăng trên tờ Minh báo ở Hồng Kông và Nam Dương thương báo ở Singapore vào ngày 3 tháng 9 năm 1963 đến ngày 27 tháng 5 năm 1966, liên tục trong 4 năm. Đây là tác phẩm viết với thời gian lâu nhất và cũng là tác phẩm dài nhất của Kim Dung (gần hai triệu chữ). Nội dung tác phẩm thấm đượm tinh thần Phật giáo mà Kim Dung vốn ngưỡng mộ, tiếng nói của Phật giáo trong tác phẩm vừa dịu dàng sâu lắng vừa thật hiển minh, quán xuyến từ đầu chí cuối tác phẩm. Có thể nói Thiên long bát bộ là tác phẩm vĩ đại nhất của nhà văn Kim Dung.


Trong đó 2 nhân vật nam chính trong truyện là Kiều Phong (喬峰) và Đoàn Dự (段譽). Mấy hôm trước tôi đã có nhắc vể cảnh quan "Nhạn Môn Quan" gắn với cái chết anh hùng của Kiều Phong, hôm nay tôi muốn giới thiệu với các bạn về quê hương tuyệt đẹp của Đoàn Dự. (LKH)

NƯỚC ĐẠi LÝ
大理國


Vương quốc Đại Lý (大理) là một vương quốc của người Bạch đã từng tồn tại từ năm 937 cho đến năm 1253, nằm trong khu vực của tỉnh Vân Nam, Quý Châu và tây nam tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc ngày nay. Được sáng lập bởi Đoàn Tư Bình năm 937, vương quốc này đã được cai trị kế tiếp nhau bởi 22 vị vua cho đến năm 1253, khi quốc gia này bị tiêu diệt bởi cuộc xâm lược của đế quốc Mông Cổ dưới thời Mông Kha. Kinh đô của vương quốc này là thành Đại Lý.

Sơ lược lịch sử nước Đại Lý theo Wikipedia:

Vương quốc Đại Lý là sự kế tiếp của quốc gia Nam Chiếu, là một quốc gia đã suy tàn từ năm 902. Có ba triều đại kế tiếp nhau là Đại Trường Hòa, Đại Thiên Hưng (Hưng Nguyên) và Đại Nghĩa Ninh đã tồn tại sau khi Nam Chiếu bị suy vong cho đến khi Đoàn Tư Bình chiếm được quyền hành năm 937 và thiết lập ra vương quốc Đại Lý.


Đại Lý là một quốc gia theo Phật giáo Mật tông (Acarya), từ vua tới dân đều sùng đạo, vua thường tại vị một thời gian rồi xuất gia làm sư.

Nước Đại Lý kéo dài 316 năm với 22 đời vua trong đó có 10 người bỏ ngôi đi tu, chẳng hạn Bảo Định Đế Đoàn Chính Minh, Trung Tông Đoàn Chính Thuần, Cảnh Tông Đoàn Chính Hưng v.v. Vương triều Đại Lý gián đoạn một thời gian ngắn khoảng 2 năm, khi quyền thần Cao Thăng Thái cướp ngôi và lập ra Vương triều Đại Trung, phân chia thành 2 giai đoạn Tiền và Hậu Đại Lý.


Một trong những cư dân Đại Lý là giống người Thái, trải rộng từ Vân Nam qua bắc Thái Lan, Lào và thượng du bắc Việt Nam. Người Thái gồm nhiều sắc dân như Thái Trắng, Thái Đen, Thái Đỏ, Thổ, Nùng. Sau khi Đại Lý bị người Mông Cổ thôn tính, người Thái còn trốn tránh trong rừng sâu và di chuyển xuống phía nam và tây nam.

Có một câu chuyện nói về sự thất thủ của vương quốc Đại Lý, mặc dù nó chỉ là truyền thuyết, nhưng nó đáng được nói tới. Mặc dù quân đội của người Mông Cổ rất đông và dũng cảm, nhưng họ không thể phá vỡ sự phòng thủ của người dân Đại Lý ở thung lũng Nhĩ Hải, là nơi rất phù hợp cho phòng thủ mà chỉ cần vài người cũng có thể giữ vững được hàng năm. Người ta nói rằng người Mông Cổ đã tìm được một kẻ phản bội dẫn họ vượt qua dãy núi Thương Sơn theo một con đường bí mật, và chỉ bằng cách này thì họ mới thâm nhập và vượt qua được sự kháng cự của người Bạch. Điều này đã dẫn tới sự kết thúc của 5 thế kỷ độc lập. Năm 1274, tỉnh Vân Nam được thành lập và khu vực này từ đó trở thành một bộ phận của Trung Quốc.



Tuy nhiên, sự chống đối của họ Đoàn với nhà Nguyên, và sau này là nhà Minh chỉ thực sự chấm dứt vào cuối thế kỷ 14. Theo Minh sử, khoảng niên hiệu Hồng Vũ của Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương (1368-1398), Đoàn Thế bị bắt, nhà Minh đổi nước của Đoàn Thế làm phủ Đại Lý, đặt vệ quân và chỉ huy sứ ti, cho thuộc vào tỉnh Vân Nam.

Trong lịch sử, nước Đại Lý nhiều lần xung đột với các vương triều Đại Việt, kết cục các cuộc xung đột này phần lớn là chiến thắng của Đại Việt. Lần cuối cùng quân Đại Lý xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam là cuộc chiến giữa nhà Trần với đế quốc Mông Cổ năm 1258, khi tướng Ngột Lương Hợp Thai dẫn theo nhiều du binh Đại Lý thâm nhập Đại Việt.


CẢNH ĐẸP KỲ THÚ CỦA ĐẠI LÝ TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG:

Trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng Thiên Long Bát bộ, Đại Lý là vương quốc của chàng công tử si tình Đoàn Dự (段譽), người đã sẵn sàng bỏ cả quốc gia để đuổi theo bóng hồng Vương Ngữ Yên (王語嫣).

Nhà văn Kim Dung từng miêu tả Đại Lý là một quốc gia theo Phật giáo Mật Tông, từ vua đến dân đều xuất gia. Trong 20 đời vua thì đã có 20 vị bỏ đi tu, như Đoàn Chính Thuần, Đoàn Chính Hưng…


Đại Lý thực chất là thủ phủ của Châu tự trị dân tộc Bạch Đại Lý, có diện tích khoảng 1.468 km², với dân số hơn 500.000 người. Từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 10, Đại Lý từng là trung tâm chính trị - văn hóa lịch sử của tỉnh Vân Nam.

Có nhiều công trình kiến trúc đặc sắc còn được bảo tồn tốt đến ngày nay ở vùng đất này, trong đó có thành cổ Đại Lý (hay còn gọi là Tử Cẩm Thành Đại Lý) được xây dựng vào năm 1382 với phần tường thành cao 7,6 m, chu vi rộng đến 12 dặm.

Thành Đại Lý cổ là điểm tham quan du lịch hấp dẫn của tỉnh Vân Nam cùng với Thành cổ Lệ Giang và phim trường Thiên Long Bát bộ.


Đến đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh đẹp tưởng như chỉ có trong tranh.
Một trong những danh thắng nổi tiếng khác của Đại Lý là Tam Tháp (三塔) bên hồ Nhỉ Hải (洱海) , cách thành cổ 1km về phía Bắc.

Tam Tháp có phần tháp chính cao 69m, gồm 16 tầng, được xây từ thời nhà Đường. Cạnh Tam Tháp là chùa Sùng Thánh (崇圣寺) được xây dựng từ năm 834 đến năm 840.

Để ngắm được toàn cảnh Thành Đại Lý, du khách phải đi cáp treo lên núi Thương Sơn cao hơn 5600 m.

Dãy núi này cách thành cổ chưa đầy 1 km, ngay cổng vào cáp treo là bút tích đề tặng chính quyền và nhân dân Đại Lý do chính tay nhà văn Kim Dung chấp bút.


Thành phố Đại Lý có khí hậu cao nguyên ôn hòa. Người Đại Lý rất yêu hoa, hầu như nhà nào cũng trồng hoa trước cổng và quanh sân nhà.

14/2 hàng năm là ngày cả khu vực này tràn ngập trong sắc hoa và những hoạt động náo nhiệt, vui tươi của lễ hội hoa. Những cánh đồng hoa mê hoặc du khách.

Không chỉ ở thành phố Đại Lý, những huyện lân cận thành phố cũng được quy hoạch để trồng hoa, nổi tiếng nhất là hoa đỗ quyên và hoa trà (tiếng Phạn gọi là hoa Mạn đà la). Đặc biệt, hoa trà trồng tại Đại Lý không chỉ có rất nhiều loại mà còn bung nở rực rỡ hơn hoa trà tại các khu vực khác.


Hoa trà cũng xuất hiện nhiều trong tác phẩm Thiên Long Bát Bộ, đơn cử như việc nhân vật Vương Phu Nhân vì si tình quốc vương Đại Lý Đoàn Chính Thuần mà đem hoa trà về trồng ở sơn trang của mình tại Giang Nam và đặt tên là Mạn Đà Sơn Trang.

Đến Đại Lý, để lạc vào thế giới kiếm hiệp kì ảo của Kim Dung, không gì thích hợp hơn là dạo qua phim trường Thiên Long Bát Bộ.



Toàn bộ phim trường được xây dựng trên quả đồi lớn khoảng 70 mẫu, dưới chân dãy Thương Sơn, với nhiều công trình xây dựng mô phỏng theo lối kiến trúc thành Đại Lý cổ, bao gồm cả Hoàng cung, Vương phủ, phố xá, tửu lầu, hàng quán…

(Sưu tầm trên mạng)