Saturday, March 19, 2016

THỦ KHOA NGHĨA VÀ BÀI THƠ TỨ HỶ

Có một bài thơ dân gian Trung Quốc không biết tác già là ai, nói về 4 cái vui của người TQ ngày xưa nên được ngưới ta gọi là "Tứ Hỷ Thi" (四喜詩) nhưng lúc qua đến VN, cụ Bùi Hữu Nghĩa đã chơi chữ thêm vào bài thơ làm ý nghĩa cũng đổi thay. Khâm phục thay các nhà Nho ngày xưa. Mời các bạn đọc tiếp:


Giai thoại văn học:
"THỦ KHOA NGHĨA VÀ BÀI THƠ TỨ HỶ"


"Tứ Hỷ" là một quan niệm của người Trung Hoa, có nghĩa là 4 điều vui mừng trong thiên hạ. Quan niệm này bắt nguồn từ bài thơ dân gian không rõ tác giả gọi là "Tứ Hỷ Thi" (bài thơ 4 điều vui mừng).Bài thơ này đã được các trường học ở thôn quê Trung Hoa ngày xưa dùng để dạy cho học sinh. Bài thơ được chép trong Dung Trai Tùy Bút của Hồng Mại đời Tống, nguyên văn (phiên âm Hán Việt) của bài thơ như sau:
 
久旱逢甘雨
他鄉遇故知
洞房花燭夜
金榜掛名時
 
Cửu hạn phùng cam vũ
Tha hương ngộ cố tri
Động phòng hoa chúc dạ
Kim bảng quải danh thì


Dịch nghĩa:
 
Nắng lâu gặp mưa rào
Xa quê gặp bạn cũ
Đêm động phòng hoa chúc
Lúc thi đỗ, tên đề trên bảng vàng
 
Đại khái, bốn trường hợp ấy đều là những trường hợp mừng vui trong thiên hạ.

Tuy nhiên, theo thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (là người vốn không ưa những người nịnh nọt văn chương Trung Hoa) bàn rằng: nếu chỉ ngần ấy thôi mà đã mừng, thì cái mừng ấy hãy còn chưa rõ ý, chưa phải là điều mừng vui nhất. Cụ thể như sau:
 
• Câu thứ nhất: nếu nắng hạn 1 hay 2 tháng mà gặp trời mưa thì cũng chỉ là việc bình thường của thời tiết mà thôi.
 
• Câu thơ thứ 2: khi một người xa quê hương (từ làng này sang làng kia) mà gặp người quen, bạn cũ cũng không có gì gọi là vui mừng lắm.
 
• Câu thứ 3: trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng, tất cả phải trải qua đêm hoa chúc vợ chồng là điều hiển nhiên. Ngày nào vợ chồng cũng có thể gần gũi thì mọi chuyện lại trở nên bình thường.
 
• Câu thứ 4: Học trò đi thi, học hành chăm chỉ, đỗ đạt công danh, tên đề trên bảng vàng cũng chỉ là chuyện thường ngày trong lịch sử từ trước tới nay.


Theo cụ Bùi Hữu Nghĩa, ý thơ chưa đủ mạnh, cần phải thêm 2 chữ vào mỗi câu thì cái vui mừng mới trở nên tuyệt đối, thật là mừng. Bài thơ được thêm 2 chữ thành:

Nguyên văn:
 
Thập niên cửu hạn phùng cam vũ
Thiên lý tha hương ngộ cố tri
Hòa thượng động phòng hoa chúc dạ
Nột nho kim bảng quải danh thì
 
Dịch nghĩa:
 
Mười năm nắng hạn gặp mưa rào
Xa quê ngàn dặm gặp bạn cũ
Nhà sư đêm động phòng hoa chúc
Học trò dốt được đề tên bảng vàng
 
Rõ ràng là: mười năm nắng hạn gặp mưa rào thì nhất định mừng vui khôn xiếc; Xa quê hương ngàn dặm mà gặp người quen thì không cần phải nói. Nhà sư mà được động phòng thì...(hí.hí.hí)...còn gì vui bằng...; Người học dốt đi thi mà đỗ đạt, tên khắc bảng vàng thì là điều tuyệt nhất.


Chưa hết, Cụ Bùi Hữu Nghĩa lại bàn tiếp rằng cũng cái bài nguyên tác ấy, mà thêm vào hai chữ khác, thì nó hóa ra bốn cái buồn, khổ trong thiên hạ, chứ không còn là mừng nữa. Và cụ thêm vào như sau:
 
Nguyên văn:
 
Diêm điền cửu hạn phùng cam vũ
Đào trái tha hương ngộ cố tri
Yểm hoạn động phòng hoa chúc dạ
Cừu nhân kim bảng quải danh thì
 
Dịch nghĩa:
 
Ruộng muối nắng lâu gặp mưa rào
Trốn nợ xa quê gặp bạn cũ
Người bị hoạn ở trong đêm động phòng hoa chúc
Kẻ thù ta lại được đề tên bảng vàng.
 
Người làm muối mà gặp trời mưa thì buồn nhất rồi; Còn người rời quê hương để trốn nợ mà gặp phải người quen thì...rõ khổ; Người bị hoạn mà động phòng thì (hí.hí.hí...không có đồ nghề)...; đi thi bị trượt mà kẻ thù thì đỗ thì có lẽ không ai vui sướng đâu nhỉ?


Tóm lại, giai thoại về cụ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa với bài thơ "Tứ hỷ" của Trung Hoa là một trong những giai thoại dí dỏm đề cao tinh thần yêu thơ trong nước và sự sáng tạo trong văn chương.

(Sưu tầm trên mạng)