Saturday, June 11, 2016

BẠN CÓ KHI NÀO NGHE LỤA TƠ SEN CHƯA?


Theo sự hiểu biết của tôi, lụa được dệt từ tơ của con tằm, len từ lông trừu,..cũng như vải dệt từ bông vải,hoặc những loại sợi nhân tạo như Polyester, Elastane, Polymide, Viscose,..Khi qua Trung Quốc, đến Trường Sa ở Hồ Nam, chúng tôi được đưa đi tham quan một cơ sở sản xuất vải làm từ tre, nghe rất lạ nhưng loại vải này rất tốt, tôi có mua qua một số khăn lau mặt và khăn tắm, chúng rất bền tốt và nhất là rất dễ rửa sạch. Cũng có nghe qua vùng Cao Bằng nước ta, người dân tộc Mông trắng có dệt vải làm từ sợi cây Lanh.

Hôm nay xem "Việt Thảo in Mayanmar" tập 9, một bất ngờ mới biết là ở Myanmar, họ dệt lụa từ sợi tơ của "cây Sen". Tôi mới biết, mới nghe và mới thấy chứ còn không có lẽ tôi không tin. Tôi sẽ post video cho các bạn xem và bây giờ thì thử tìm hiểu đôi chút về nó nhé:


BẠN CÓ KHI NÀO NGHE LỤA TƠ SEN CHƯA?
Đúng rồi là lụa từ tơ sen chứ không phải loại lụa tơ tằm mà chúng từng biết.Lụa tơ sen là loại lụa độc đáo trên thế giới , những sợi tơ được lấy từ trong cuống của mỗi bông sen được kéo ra, se lại và dệt.Tên tuổi của lụa tơ sen đã vượt ra khỏi quê hương Myanmar của chúng.


Loại lụa chỉ được dệt duy nhất ở ngôi làng In Paw Khon trên hồ Inle (Heho, Myanmar) này không chỉ là một sản phẩm thương mại đắt giá, mà còn giúp thu hút rất đông khách du lịch tới đây bất kể mùa nào.
In Paw Khon là ngôi làng độc đáo, với những căn nhà sàn nổi trên hồ. Đi thuyền từ ngoài hồ, qua con lạch nhỏ đầy bùn dẫn vào làng, nếu tắt máy thuyền, có thể nghe thấy tiếng thoi dệt lách cách rộn rã từ xa. Những ngôi nhà gỗ nổi trên mặt nước cao hai tầng, thậm chí ba tầng, mỗi tầng là một khu sản xuất riêng biệt nối với nhau. Ấn tượng xấu là con lạch dẫn thuyền đầy bùn, nhưng khi vào trong làng, ai nấy mới hiểu, bùn đó dành cho những đầm sen trắng thơm ngát giữa làng, nguồn nguyên liệu tuyệt vời cho những tấm lụa sen.


Mặc dù nhiều gia đình trong làng có trồng sen nguyên liệu cho nghề dệt lụa, tuy nhiên mùa sen chỉ kéo dài vài tháng trong năm, trong khi nhu cầu tơ sen của những xưởng dệt rất cao, cho nên mỗi ngày, hàng đoàn thuyền chở cọng sen từ nhiều nơi đổ đến In Paw Khon.
Nghề dệt lụa ở In Paw Khon đã có lịch sử tới 100 năm. Ban đầu, dân làng dệt vải từ sợi bông, sau đó chuyển sang lụa tơ tằm, và rồi tới lụa sen. Cho tới nay, In Paw Khon là ngôi làng duy nhất trên thế giới có nghề dệt lụa từ tơ sen độc đáo này.
Mỗi một hộ làm nghề này tạo ra việc làm cho hàng chục, có khi hàng trăm nhân công lao động qua các khâu hái sen, tách tơ, se sợi, dệt vải, nhuộm và cắt may.


Hầu hết các sản phẩm lụa trong làng đều được dệt ra từ sợi tơ của sen trắng. Một số nhà dệt tơ từ hoa súng nhưng không bền bằng sen. Sen trồng ở vùng nước càng sâu, cọng càng dài, càng nhiều tơ và sợi tơ cũng bền hơn. Cọng sen sau khi được hái về, sẽ được cắt thành nhiều đoạn ngắn chừng 3-4cm. Người thợ khéo léo dùng tay kéo các sợi tơ, miết qua một tấm bảng tẩm nước, kéo dài và bện lại với nhau. Quy trình này lặp đi lặp lại khoảng ba lần để sợi tơ đủ dày. Những sợi tơ của các cọng sen sau đó được quấn tiếp vào sợi tơ trước, và cứ thế cho đến khi cọng sen hết nhẵn tơ. Tơ sau khi rút xong được bỏ vào một cái bát lớn và quấn vào một con suốt lớn. Cuộn tơ này đã sẵn sàng để được nhuộm, dệt và cắt may…
Tất cả các cọng sen phải được xử lý trong vòng 24 tiếng đồng hồ, nếu không cọng bị khô lại, tơ sẽ hỏng hoàn toàn. Người thợ lành nghề có thể một lúc cắt và tách khoảng 4-5 cọng sen để lấy tơ.


Điều đặc biệt là hầu hết những người tách sợi sen là đàn ông, trong khi những người làm công việc quay tơ se sợi lại là phụ nữ lớn tuổi. Khung cửi quay tơ được thiết kế đặc biệt để người phụ nữ không để lộ bàn chân của mình trước bất kỳ người nào đối diện, bởi theo người làng, việc chìa bàn chân ra trước mặt người khác là rất thô lỗ.
Những phụ nữ lớn tuổi này thường là chuyên gia trong nghề dệt cửi. Ban đầu, bao giờ họ cũng khởi nghiệp bằng nghề dệt vải bông, sau đó đến lụa tơ tằm, và cuối cùng mới đến lụa sen. Người thợ dệt có thể ngồi khung cửi cho đến khi đã rất cao tuổi, và trước khi bà qua đời, tất cả những kỹ thuật đặc biệt, ngón nghề sẽ được truyền lại cho những phụ nữ khác trong làng để giữ nghề. Đó là một nét đặc biệt trong truyền thống của nghề dệt lụa sen ở In Paw Khon.


Du khách đến In Paw Khon có thể ngạc nhiên bởi không hề thấy một nong tằm hay một cây dâu nào, những dân làng vẫn dệt lụa tơ tằm. Điều này xuất phát từ việc người Myanmar theo đạo Phật và kiêng sát sinh, vì thế họ không thể thả kén tằm vào nước sôi để tách lấy sợi tơ như nghề dệt lụa tơ tằm truyền thống ở tất cả những nơi khác. Người In Paw Khon nhập tơ tằm đã tách sẵn từ Trung Quốc hoặc Thái-lan về và hoàn thành những khâu cuối là dệt và may…
Lụa tơ sen không được nhuộm nhiều mà thường hay để màu mộc, gồm hai màu ngà vàng và nâu. Khăn, áo… từ lụa tơ sen thường không mịn, nhẵn và đẹp mắt như lụa tơ tằm, nhưng khá nhẹ và xốp.
Phần lớn các sản phẩm từ lụa tơ tằm hay lụa sen của In Paw Khon là khăn quàng cổ, khăn che tóc, longi (một loại trang phục truyền thống của người Myanmar, giống như váy quấn, dài đến mắt cá chân, dành cho cả đàn ông và phụ nữ).


Đối với các sản phẩm từ lụa sen, do làm thủ công hoàn toàn, mất nhiều công sức, cho nên giá khá cao, thường gấp từ 7-10 lần so với sản phẩm tương tự làm từ lụa tơ tằm. Một chiếc khăn quàng cổ khổ nhỏ từ lụa sen hoàn toàn có giá khoảng từ 75-100 USD. Do giá khá cao cho nên số lượng sản phẩm từ tơ sen hoàn toàn không nhiều, mà phần lớn là tơ sen được dệt chung với tơ tằm. Nhiều chiếc khăn từ tơ sen được người dân Myanmar bỏ tiền ra mua để dâng lên Phật trong những dịp đặc biệt.
Những xưởng dệt ở In Paw Khon được thiết kế khép kín, giống như một khu du lịch nho nhỏ. Khách đến được mời lên tham quan từ xưởng tách tơ sen đến xưởng dệt, ngắm đầm sen trắng muốt đung đưa trong nắng, và được chiêm ngưỡng những sản phẩm dệt từ tơ sen qua lời thuyết minh trau chuốt của cô gái Myanmar xinh xắn quấn Longi “nhà trồng được”. Nhiều xưởng còn có góc cà phê, cây cảnh để khách nghỉ chân thư giãn…


Lụa tơ sen hiện nay đang được giữ gìn và phát triển khá tốt ở In Paw Khon. Chính nghề dệt lụa độc đáo này đang góp phần thu hút ngày càng đông khách du lịch từ khắp nơi đến với ngôi làng nhỏ trên hồ này để tận mắt ngắm nhìn, nghe và tự tay chạm vào loại lụa độc nhất vô nhị trên thế giới này.

(Sưu tầm trên mạng)