Monday, June 6, 2016

ĐẠO KHẢ ĐẠO PHI THƯỜNG ĐẠO

Hôm qua thứ hai 25/05/2015, đài TVB-HK phát sóng bộ phim tập mới có tựa là "Triều Bái Võ Đang" (潮拜武當) tập 1. Mới vào phim đã lôi cuốn ngay người xem, tối nay xem tiếp tập 2, trong môt phần dạy về "Đạo", người sư phụ đã viết lên bảng 12 chữ gói trọn nguyên lý của "Đạo Đức Kinh" (道德經).
 
12 chữ đó là "道可道 非常道 名可名 非常名" (Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh). Các bạn có hiểu hết hay một phần nào không. Nếu hiểu thì quá tốt, còn không hiểu thì đọc bài sau đây. (LKH)



ĐẠO KHẢ ĐẠO PHI THƯỜNG ĐẠO
 
Chào các bạn,
 
Ai đó đã nói “Một phương pháp bất di bất dịch thì không phải là một phương pháp.” Bất kỳ người nghệ sĩ nào cũng hiểu được câu này, dù đó là ca sĩ, văn sĩ, họa sĩ, thi sĩ hay chi chi sĩ… Đó nghĩa là, tất cả mọi định nghĩa, mọi công thức, mọi phương pháp, mọi lề luật, cứng ngắc, về bất cứ điều gì trên đời, đều không dùng được cho người bậc thầy, bậc “sĩ”. Chúng chỉ có thể dùng cho môn sinh nhập môn, hàng “sinh” mà thôi.
 
Lão tử gói ghém đời sống và nghệ thuật sống như thế trong hai câu đầu tiên của Đạo Đức Kinh, vang vọng qua hơn 25 thế kỷ của triết lý Đông phương:


Đạo khả đạo phi thường đạo
Danh khả danh phi thường danh
 
道可道 非常道
名可名 非常名
 
Tạm dịch:
 
Đạo có thể coi là đạo thì không là đạo vĩnh viễn
Tên có thể gọi là tên thì không là tên vĩnh viễn
 
“Đạo” của Lão tử là nguyên lý tối hậu, Sự Thật tối hậu, của vũ trụ–tương tự như “Không” của nhà Phật, hay Thượng đế của Thiên chúa giáo.
 
Đạo mà có thể nói rõ ra được Đạo là gì, thì Đạo không còn là Đạo nữa. Cũng như nếu ta có tả rõ được Thượng đế thế nào thì không còn là Thượng đế nữa, hoặc nói được Không là gì thì Không không là Không nữa.
 
Nguyên lý vận hành vũ trụ là thế, cho nên mọi sự trên đời cũng đều là thế. Ví dụ “tên” Hằng. Hằng là một cô gái ai cũng biết. Nhưng hỏi mọi người biết Hằng, ghi xuống giấy Hằng thế nào, thì mỗi người sẽ có một danh sách các đặc tính của Hằng, và chẳng danh sách nào giống danh sách nào. Có những danh sách còn chỏi nhau dữ dội nữa là khác—như là thiên thần một bên và bên kia là phù thủy.
 
Tức là cùng người tên Hằng, nhưng ý nghĩa đối với mỗi người thì khác nhau. Cho nên nếu ta dùng một danh sách “chuẩn” kể ra mọi thứ về Hằng và nói “đây là Hằng”, thì tất nhiên sẽ có người đọc và nói “Đây không phải là cô Hằng tôi biết.” Tức là, “Tên có thể gọi là tên thì không là tên vĩnh viễn.”


Tên Hằng có thể tạm dùng được với mọi người mà không gây tranh cãi nếu ta cứ để chữ Hằng mù mờ như thế, đừng định nghĩa nó quá rõ, và hiểu nó theo nghĩa tương đối thôi—tức là mỗi người hiểu khác một tí, chẳng ai đúng chẳng ai sai.
 
Đó là: Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh.
 
Nhưng, mấy câu tiếng Hán rắc rối hai ngàn năm trăm tuổi này có liên hệ gì đến tư duy tích cực của chúng ta?
 
Thưa, có rất nhiều: Chúng muốn nói, Đừng lệ thuộc vào ngôn từ, công thức, luật lệ cứng ngắc để phán đoán và chia cách nhau.
 
Tất cả các thứ đó đều không chính xác, và dùng chúng cứng ngắc là phản lại nguyên lý sống, phản lại “Đạo” sống.
 
Ví dụ: Thằng này Đảng viên đừng chơi vói nó. Anh kia Công giáo, nguy hiểm. Ông này là thiền sư, tin được. Tên này chống cộng, phản động nguy hiểm. Tên nầy thân Mỹ, không tin được. Tên này theo Tàu, đáng nghi.
 
Hay là: Chuyện này để nhà nước lo. Dân không nên bàn chuyện này. Vấn đề này nhậy cảm không bao giờ nên nói.


Nếu chúng ta sống với các nhãn hiệu và công thức như thế, dòng sông sáng tạo của chúng ta sẽ tuôn chảy tươi mát như sa mạc Sahara. Và chúng ta sẽ chia năm xẻ bảy về những vấn đề lớn của xã hội, cũng như trong liên hệ giữa các cá nhân chúng ta.
 
Sống lệ thuộc vào “danh”, lệ thuộc vào nhãn hiệu như thế , nhà Phật gọi là “chấp vào danh sắc”, tức là ôm cứng vào tên và hình bên ngoài.
 
Và trong Thánh Kinh Thiên chúa giáo có chuyện này. Bà nọ bị bắt về tội ngoại tình, theo luật Do Thái thời đó, bà ta phải bị tử hình bằng ném đá (Ngày nay vài nơi theo Hồi giáo trên thế giới vẫn còn luật ném đá này. Somali mới tử hình bằng ném đá một phụ nữ bị tố cáo ngoại tình, tháng 11/2009 vừa rồi). Các giáo sĩ Do Thái, có lẽ muốn gài Chúa Giêsu vào tội phá luật, bèn hỏi, “Ngài nghĩ nên làm gì với bà này?” Sau một lúc yên lặng, Giêsu nói, “Ai là người không có tội trong số các vị, xin hãy ném viên đá đầu tiên.” Mọi người lần lượt bỏ đá ra về.
 
Chúng ta thấy mọi người hành xử dã man theo nhãn hiệu và công thức: Có tội, bị ném đá, ta vô tội ta ném đá. Nhưng nếu suy nghĩ sâu một tí vào tâm ta, thì ta biết ta cũng có khối tội chẳng hơn gì ai cả, đâu có tốt lành gì hơn đâu mà kiêu căng hợm hĩnh, đáng để ném đá ai.
 
Nhãn hiệu, công thức, tự cao tự đại, cái tôi lớn… là những bức màn vô minh che tối tâm thức con người. Chúng ta phải vượt qua chúng.


Nói thế không có nghĩa là chúng ta bỏ hết ngôn từ, tên và công thức. Ngôn từ, tên và công thức làm nên cuộc đời. Chỉ là, ta cần uyển chuyển dùng chúng với một con tim khiêm tốn yêu ái và một tâm thức sáng láng. Chạy xe thì phải biết thắng, biết rồ ga. Nhưng khi nào thắng khi nào rồ ga, đó là nghệ thuật. Người lái giỏi, người lái dở, là ở đó.
 
Và đừng nên dùng suy tư của ta mà kết án người khác. Dùng lòng mình mà đo lòng người khác, hầu như là 100 lần thì sai hết 99 lần. Nếu có hai cách kết luận khác nhau về một người nào đó—một tốt một xấu– kết luận tốt về người đó thường là đúng hơn là kết luận xấu, vì kết luận tốt thường phù hợp với suy nghĩ sâu sắc trong lòng người đó hơn.
 
Chúc các bạn một ngày vui.
 
Trần Đình Hoành