Wednesday, August 3, 2016

TIÊU SẦU Ở NGÃ BA SÔNG VÀM CỎ

Chính cái nóng hầm hập của trời Sài Gòn thôi thúc chúng tôi tìm về chốn ngã ba sông yên bình của miền Tây sông nước, tha hồ hóng gió và hả hê thưởng thức hải sản tươi nguyên chưa nhiễm độc, dịp cuối tuần.

Líu lưỡi! Vọp nướng vừa lửa

Trước đó, thử tra Google xem có điểm nào thú vị trên trục lộ trình quốc lộ 50 từ TP.HCM - thị xã Gò Công (Tiền Giang). Không thể nhịn cười trước lời “chỉ điểm” của Ha Sonata, một thành viên trên diễn đàn www.otosaigon.com: - Hỏi "đi đâu?" - Lão bảo "cha Help mới phát hiện (qua mạng) ở Gò Công có quán chị Tẻ, ngay ngã ba sông, sò lông đã lắm!"


Bồi hồi!

Vậy là mấy chiếc Honda già rồ ga, quyết thử đến đó xem sao.

Song, phàm làm việc chi cũng phải “biết người biết ta mới trăm trận trăm thắng”. Cho nên người viết cố lội tìm thêm thông tin về con sông lung linh mà gần gũi trong những ca từ chứa chan của cố nhạc sĩ Hoàng Phương: “Sông Vàm Cỏ dài khoảng 39km, từ ngã ba Bần Quỳ đến sông Soài Rạp, rộng nhất là chỗ giáp sông Soài Rạp (3.100m), hẹp nhất là chỗ gần vàm sông Tra (420m). Đoạn sông này là ranh giới tự nhiên giữa huyện Cần Đước, tỉnh Long An và huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.” (“Tìm hiểu về hệ thống sông Vàm Cỏ”, Lê Công Lý, đăng trên tạp chí Nghiên Cứu và Phát Triển, số 2.2009).

Đoạn gần tiếp giáp giữa sông Vàm Cỏ với cửa sông Soài Rạp còn có một tên gọi ấn tượng khác: vàm Bao Ngược. Vì sao? - “Đặc biệt, đoạn cuối của sông Vàm Cỏ bị uốn khúc mạnh hơn các đoạn khác, tạo thành ba hình vòng cung liên tiếp nhau như thế bao bọc, đó chính là nguồn gốc của tiếng “Bao” trong “Bao Ngược”, cũng theo bài viết trên của tác giả Lê Công Lý.


Một chú tra bần tám ký vừa dính câu 

Nên nhớ, thuở xưa khi đường bộ chưa phát triển thì mạn đường thủy là đầu mối giao thông chính ở vùng đất mới Nam bộ. Cạnh chỗ hợp lưu của những: vàm, cửa sông…; cũng là nơi họp chợ, nhộn nhịp cảnh mua bán, trao đổi sản vật địa phương giữa người trên cạn với khách thương hồ, dưới những ngọn đèn mù u hay đèn bóng “hột vịt” tù mù. Ngã ba sông, cũng là nơi ghe thuyền thường tấp vào neo đậu lạị, vừa chờ con nước xuôi vừa nghỉ dưỡng sức để tiếp tục cuộc mưu sinh đầy bất trắc: “Anh đi ghe lúa Gò Công - Trở về Bao Ngược bị dông đứt buồm - Đứt buồm nước chảy có cuồn -Anh đi qua đó dựng buồm chạy luôn” (Ca dao).

Trong khi những tay chèo dẻo dai cũng phải kiêng nể khúc sông này thì bọn cá tôm lại cố hết sức bình sinh, lao vào những cuộn nước xoáy âm thầm dưới lòng sông. Có lẽ, tụi nhỏ vừa thở dốc vừa hí hửng lăn lộn tìm ăn phiêu sinh, còn đám lớn hơn (cá dứa, cá ngát…) lại nghiêng mình rình táp lứa nhỏ, khiến “bụng dạ” cửa sông thêm sôi động. Chưa kể, cảnh ngư phủ ngày đêm bủa vây dòng giống thủy tộc bằng nhiều phương tiện: câu, lưới cào, lưới đáy, đặt “đuôi chuột”…

Nhờ vậy, mùa nào ở đây cũng sẵn có hải sản nước lợ đang vùng vẫy trong vựa. Và chị Tẻ có một lợi thế “ngon lành” hơn một số quán ăn lân cận: chủ vựa kiêm chủ quán. Trước tiên là nguồn hàng khá phong phú, kế nữa mức giá cũng hợp lý, bởi không cần qua khâu trung gian

Sướng rân!


Ví dụ, một hóa đơn của nhóm Ha Sonata đã ăn uống tại đây: “Giá: 1 cháo tôm, 1 lẩu cá đuối lá me, 1 dĩa cá bông lau chiên. 1 dĩa bạch tuộc xào, 1 dĩa vọp, 3 chai rượu (gì của Bến Tre? =1,5 lít), 2 lon bia Sài Gòn, 3 lon Coca, 3 đậu...= 887k. Mắc rẻ tùy tính.”


Tôm càng lóng sông Vàm Cỏ 

Quả vậy! Nếu còn so đo hơn thiệt thì mức giá này cũng chưa phải rẻ nhất so với một số hàng quán khu Bình Quới hay cặp đại lộ Nguyễn Văn Linh, TP.HCM.


Thế nhưng, tiếng xuồng máy “tành tạch” ngược xuôi, tiếng mấy tàu lá dừa nước giẫy phành phạch khi con nước lớn hoặc cảnh những táng lá bần “ló cổ” (nước lớn ngập hơn phân nửa) lắc lư khá giống người say rượu mỗi khi hứng nhiều luồng sóng mạnh - gối đầu thì khác hẳn. Đứng trên bờ đê, bạn phóng tầm mắt thẳng sang cù lao Long Hựu (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) chỉ thấy trời nước bao la và hàng cây chắn sóng (bần, mắm, sú vẹt) mờ xanh, phía đó. Nhấp nhô một con đò đưa khách sang sông. Còn phóng tầm mắt lệch khoảng 30 - 35 độ, bên tay phải, nhìn sang miệt Cần Giờ càng mờ mịt hơn. Một số ghe tàu đang nhảy sóng - cọ quậy mờ mờ một chấm nhỏ, cỡ con còng lớn hay con cá bống sao bằng ngón tay trỏ đang lúc lắc đầu, dưới bãi bùn trước mặt kia. Không ít bạn trẻ dân TP.HCM, từng khoái chí, đứng ở đây hét thật to. Và họ ngỡ là đang chào biển chứ không phải đối diện cùng sông.

Thông thường, khi bạn đứng cạnh một không gian khoáng đạt với lòng vui phới phới thì ăn gì mà chả thấy ngon!

Cũng như một số quán chuyên phục vụ các món ăn dân dã khác ở miền tây, ở đây nổi bật với các món mộc: nướng, hấp, luộc…


Toàn những con ban nãy còn nhúc nhích, “hùn” với nồi lẩu mắm 

Như trên đã nói, nhờ thiên thời và địa lợi, nên nguyên liệu hải sản chỗ này đa phần còn nhúc nhích hoặc tươi rói. Mà đã có nguồn hàng “gin” thì cần chi “son phấn” (gia vị lòe loẹt). Chưa kể, chất lượng dòng hải sản nước lợ luôn tạo ấn tượng khó phai với dân biết ăn. Có thể do điều kiện thổ nhưỡng khác biệt, nơi những dòng hải lưu hội tựu vừa đề cập, đã sản sinh ra chuỗi thức ăn vi sinh cũng khác lạ, vỗ về đám tôm, đám cá...

Chẳng hạn, khoanh thịt chắc nịch, ngọt đậm, trắng tươi như trứng gà (ta) bóc, dưới lớp “áo” đỏ au lấp lánh một cục gạch đỏ son phần chóp đầu của mấy con tôm càng lóng. Tha hồ bóc, lột… vỏ rồi chấm muối ớt hoặc muối tiêu chanh đều đã đời!

Hay vỉ vọp nướp mỡ hành đang phập phồng sôi. Con nào cũng đầy đặn ruột, thoáng trông đã thèm cắn ngập răng lắm rồi! Phần miệng lưỡi vọp mềm dẻo hơn sò lông, thoảng mùi vị đặc trưng - na ná với chất nước luộc hến ngon miền Trung. Riêng gan nó cũng lớn và bùi hơn. Giống này, lấy ruột mang nấu tô canh rau tập tàng, lún phún hành + tiêu, ngọt mát đến độ tối ngủ không cần… đội nón.



Dĩa rau đồng nội

Cá "tung tăng" trong nồi lẩu đã trở thành mồi ngon 

Hôm chúng tôi ghé quán, chị chủ khoe mới thu mua được một “trự” cá tra bần cân giác tám ký. Ánh màu vàng cam ở đuôi và da vẻ loang loáng trắng bạc. Mắt cá tròn xoe như đôi hạt tiêu… ngơ ngác. Trước đó vài giờ, nó còn tung hoành dưới vực nước sâu. Thấy con cá đối mập, cỡ nửa cổ tay người lớn đang xoay xoay, nó đớp ngay. Nào ngờ dính trọn lưỡi câu bén nhọn.

Rồi tự nhiên nó… “nhảy” vào nồi lẩu mắm thập cẩm chật chội mồi ngon. Nào nghêu tơ hớ hênh, tôm càng lóng cong mình - queo râu. Trên nền nâu sẫm của chất đạm mắm với màu xanh ngọc của nhúm đọt rau đắng biển + mấy trái ớt hiểm đỏ rực bập bềnh; nổi bật những vòng cung dợn sóng cong cong trên từng lát cá tra phi lê dày, như họa đồ minh họa sinh động về vàm Bao Ngược.

Khi cá - mắm giao hòa, cả cái lẫn nước đều ngon đắm đuối! Mùi mắm liền “phóng” theo mấy ngọn gió sông, ngay con nước lớn, “đua” đi bỗng - trầm hơn 50m. Chắc tức chết cho mấy lão bị… nhức răng đột xuất, phải nằm nhà sáng đó!

Đồng thời, điểm mạnh cũng là điểm yếu của dân Nam rặt là “ruột để ngoài da”. Khi họ đã quý mến ai, thì chuyện nhường miếng ngon hay gánh phụ cơ cực thật “dễ ợt”; bằng ngược lại - trời gầm cũng mặc! Tỷ như, tôi cười chẳng trọn mà mếu cũng không xong - về sau này - khi nghe một số người bạn… chuyền tí tửng khoe rằng: “Em/tao tới chỗ đó rồi! Bán buôn thật thà không gian lận. Cá tôm tươi hết biết luôn! Chủ quán tốt bụng dữ lắm luôn! Mới nói bạn của anh/mầy, bả liền khuyến mãi nửa dĩa cá đuối thịt trắng hồng hoặc cả dĩa ốc cau (ốc cà na) hấp sả thấy mê!”


Một góc quán lộng gió sông của chị Tẻ 

Vừa đóng vai cướp biển xong, cũng là một kiểu khuyến mãi khác của chị chủ: ca một câu vọng cổ của nhân vật Thạch Vũ, trong tuồng cải lương Tâm Sự Loài Chim Biển (tác giả: Yên Lang - Nguyên Thảo), tặng một nhóm khách quen, chị Tẻ đã tạt qua chỗ chúng tôi. Chị căn dặn: “Canh (trời) đổ mưa, mấy anh chị nhớ xuống! Có: cá úc trứng nấu lá me non, bạch tuộc mang bầu nhúng nước giấm nuôi với đọt ổi sẻ… thơm ngon rụng rún (rốn) luôn!”

Vẫy tay chào, vừa quẹo trái qua cầu kênh tình cờ gặp một bác bán cà rem di động trên chiếc xe máy Cánh Én bạc màu, đang mở bản nhạc “Mẹ Gò Công” của cố soạn giả Hoàng Phương. Chất giọng trầm ấm - oanh vàng của danh ca Bảo Yến thủ thỉ, thì thầm:

“Dưới nắng hồng tôi đi giữa Gò Công - Đất như cao trời như thấp lại - Trong khoảng không trên sóng biển chập chùng - Chỉ còn lại dáng mẹ hiền Gò Công… Trùng khơi con sóng thì thầm… Tình yêu quê hương thiết tha…”

Ôi! Chu cha muồi! Tự dưng, nẩy nở thêm một… cuộc tình tay tư.

Bài & ảnh: Sĩ Long

No comments: