Ðồ đệ Mãn Không trong lòng rất bất an, bèn đến gặp Thiền sư Cảnh Hư. Vừa đến trước cửa, thấy rõ ràng cô gái tóc xõa bờ vai đang nằm trên giường, dáng thon thả thướt tha, da trắng trẻo mịn màng, trong khi vị Thiền sư lại ngồi bên giường mân mê thân thiếu nữ.
Nhìn tận mắt, Mãn Không giận tức bội phần, không nhịn được liền to tiếng hỏi:
- Sư phụ! Thầy làm như thế lại cho là bậc mô phạm của trời người sao? Thầy có xứng đáng với Phật Tổ, đại chúng mười phương không?
Thiền sư Cảnh Hư dừng tay lại, quay mình nhẹ nhàng từ tốn đáp:
- Ta sao lại không thể mô phạm cho đại chúng?
Mãn Không chỉ cô gái trên giường, lớn tiếng nói:
- Thầy nhìn đó!
Thiền sư cũng ôn tồn nói:
- Ngươi xem đi!
Lúc thầy trò nói chuyện, cô gái trên giường đã từ từ quay mình lại. Một cô gái mặt mũi vặn vẹo biến dạng trông rất đáng sợ, miệng cũng bị lở loét méo mó hơn, đang ngước nhìn họ dở khóc dở cười.
Té ra cô gái nằm trên giường là một người mắc bệnh hủi.
Lúc ấy, Thiền sư Cảnh Hư lấy thuốc trong tay đưa ra trước mặt đồ đệ, thản nhiên nói:
- Ðúng vậy, bây giờ ngươi đến thật đúng lúc!
Ðồ đệ lúc này mới hiểu ra, vội vã quỳ xuống, xin thầy tha thứ.
(Theo Cao Tăng dị truyện)
Bài Học Đạo Lý:
Vấn đề là phải tìm hiểu, nhìn nhận, đánh giá và thẩm định sự việc cho thật tỏ tường trước khi phán xét hay lên án bất cứ điều gì. Rõ ràng, “trông mặt mà bắt hình dong” không phải lúc nào cũng đúng. Việc đồ đệ Mãn Không phản đối thầy một cách quyết liệt, gần như tuyệt tình và xúc phạm đến ân nhân của mình, chỉ vì không tìm hiểu sự việc cho tường tận, thấy sợi dây mà tưởng lầm con rắn.
“Ngươi xem đi!”, hãy mở to mắt và nhìn thẳng vào vấn đề đi, để biết ta đang làm gì là thông điệp của thiền sư. Sự thật là thiền sư đang hành đạo cứu đời, trị liệu thân tâm thống khổ cho chúng sanh, giúp dân giúp nước, không có gì mờ ám hoặc sai trái với đạo và cả với đời. Đó là chân tướng của Thiền sư Cảnh Hư.
Sự thật muôn đời vẫn là sự thật và không có gì phải che giấu hay sợ hãi cả. Chúng sanh còn đau khổ thì thiền sư vẫn còn dấn thân cứu đời với tất cả từ bi và trí dũng. Bậc thiền sư thì luôn vô úy (không sợ hãi bất cứ điều gì) nên hành hoạt vô ngại, miễn sao cho đời và người được lợi lạc.
Tuy nhiên, những xét đoán vội vã cùng với sự tưởng tượng, lo ngại quá mức của những người quan sát hoặc có trách nhiệm đôi khi lại gây hậu quả khôn lường, bội nghĩa vong ân, làm tổn hại luân thường đạo lý. Thiền sư có bị “oan” cũng không ngại nhưng chúng sanh bệnh khổ mà không được cứu giúp thì chắc chắn bị “uổng” thật nhiều.
Bài học rút ra là cần thận trọng trước khi xét đoán và hành xử trước những việc làm của các bậc thượng nhân. Những thiền sư tiền bối như ngài Cảnh Hư luôn kêu gọi “hãy đến và hãy xem đi” để thấy rõ chân tướng của con người và sự việc. Các thiền sư ngày nay cũng vậy, không khác. Có điều là chúng ta, những người hay phán xét và kết tội có thực sự “đến để xem” cho tỏ tường như chân tướng của sự việc hay không?
NGUYÊN CAO