Saturday, February 18, 2017

NƯỚC MỸ SỐ MỘT...???

Đọc bài viết này thấy cũng vui vui nhưng không phải chỉ Mỹ mà ở Úc của tôi cũng vậy không có thua kém gì đâu. Ở Úc có luôn một cái "app đi tìm cầu tiêu", bật lên thì chổ nào cũng có.


Tôi đi TQ, lúc nào người dẫn đoàn cứ khoảng 2-3 tiếng là cho xe ghé lại một trạm cho mọi người xuống đi cho giãn gân cốt, mua vài món ăn vặt hay xả bầu tâm sự, còn nếu ghé vào cầu tiêu ven đường thì chỉ có nước đái đường vì thúi lắm. Có một lần ở HK kiếm không ra cái cầu tiêu, tức quá vì ở  gần Temple Street, tôi chạy đại vào chùa xả nước, sau này mới biết ở TQ hay HK lúc cần thiết cứ vào McDonald hay Kentucky là an toàn và sạch sẽ nhất. Mời các bạn đọc bài của Phượng Vũ để rút kinh nghiệm:


NƯỚC MỸ SỐ MỘT...???



“Đi cho biết đó biết đây
Ở hoài một chỗ, biết ngày nào “khôn”

Ông bà ta từ ngàn xưa đã có cái “nhìn xa trông rộng” thấy được nhu cầu phát triển sự hiểu biết, sự “khôn” lên qua việc đi đó đây. Vì thế ngày nay du lịch là ngành “kỹ nghệ không khói” nhưng đem lại lợi nhuận lớn cho rất nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra nhờ đi đó đây, ta mới có dịp mở rộng tầm nhìn, có dịp so sánh để “biết mình, biết người”.


Ở Mỹ lâu năm, quen hưởng những tiện nghi đời sống căn bản của mọi người trong xã hội ( kể cả người nghèo), riết trở thành quen, thấy bình thường và xem đó là lẽ đương nhiên. Ví dụ như nhu cầu vệ sinh: ở Mỹ cầu tiêu công cộng có ở khắp nơi, giấy vệ sinh, giấy lau tay xài thoải mái, vòi nước uống cũng được thiết kế khắp nơi. Các công viên, các khu “rest area” dọc các xa lộ, thậm chí ở những buổi meeting, hội chợ... cũng có những cầu tiêu tạm cho mọi người dùng khi cần đến và chẳng bao giờ phải tốn một xu nào.

Nhưng khi du lịch ra nước ngoài mới “thấm thía”! Cái gì cũng phải trả tiền, kể cả nhu cầu vệ sinh (giá từ 1$ - 1.5$/1 lần, tùy nơi, tùy nước). Không phải chỉ tốn tiền mà còn “gian nan” khi hữu sự, để tìm cho ra “nơi cần đến”, ngay cả ở những thủ đô văn minh lẫy lừng lâu đời của thế giới! Tôi nhớ có một lần khi thăm thủ đô Paris, một người trong đoàn cần toilet, bác tài chạy xuôi, chạy ngược, vòng vòng mãi mà vẫn không tìm ra! Cuối cùng một sáng kiến được nêu ra: tới một nhà hàng nào đó vô mua bất kỳ món gì đó để được đi toilet! Đó là nỗi khổ tâm lớn của các vị cao niên khi đi du lịch châu Âu, các vị phải nhắc nhau nhịn uống nước (điều này lại rất hại cho sức khỏe) để khỏi “khốn đốn” khi hữu sự! Tôi nhớ một lần ở Rome, hướng dẫn viên dẫn một bà đi mãi qua đường này, tới ngõ nọ mà vẫn không tìm ra “nơi phải đến”, “bí” quá bèn hỏi:

- Bà có chịu tốn 10 Euro để vô restaurant kia mua thứ gì đó để được đi WC không?

- Nín hết nổi rồi, bây giờ không phải 10 Euro mà 20 Euro tôi cũng chịu luôn!



Có những WC có người ngồi thâu tiền còn đỡ, có những nơi, họ thiết kế sẵn phải bỏ đúng số tiền (cắc) quy định thì cổng mới mở cho vô. Khi đi du lịch đâu phải ai cũng có sẵn tiền cắc (Euro) trong túi, có một bà “mắc” quá nhưng không đổi được tiền cắc, nên phải mượn tứ tung trong đoàn, mỗi người thương tình móc hầu bao bỏ vô máy một ít, máy nuốt hết nhưng còn thiếu mấy xu, chưa đủ tiền, máy không mở cổng! Thật khốn đốn với máy móc vô tình!

Ở một số nước châu Á như Trung quốc, khách du lịch phải luôn thủ sẵn giấy vệ sinh trong bóp, vì trong toilet không có giấy vệ sinh. Tôi cứ bị ấn tượng mãi về một lần thăm Bắc Kinh (cách đây hơn 10 năm), đoàn du khách được một dàn các cô gái trẻ đẹp mặc xường xám đón chào tưng bừng ngay từ lối vào nhà hàng. Nhà hàng thiết kế rực rỡ sang trọng, đèn đuốc sáng choang như... cung đình. Sau bữa ăn khi cần đi WC, tôi ngạc nhiên khi bước vào thấy có một bàn trải khăn trắng bóc, trên bàn có một bình hoa tươi thật to, đẹp, và một cô gái xinh đẹp rực rỡ mặc xường xám ngồi đó chỉ để làm nhiệm vụ phát cho mỗi khách 1- 2 miếng giấy vệ sinh nhỏ. Ôi “cung đình” mà không có giấy vệ sinh! Đúng là Cộng Sản, hình thức trình diễn thì xôm tụ, nhưng nhu cầu căn bản thì không được đáp ứng. Trong đời sống có những nhu cầu xem ra có vẻ nhỏ nhặt, tầm thường, nhưng khi cần đến mà không có thì nó trở thành một trở ngại lớn, khiến người ta “điêu đứng” vì nó. Nghe kể có một đoàn du khách nước ngoài viếng các lăng tẩm của triều đình Huế, đi từ lăng này đến lăng kia, cảnh đẹp hùng vĩ bao la..., bỗng một du khách cần đi WC, hướng dẫn viên tìm hoài không ra, bèn chỉ khách vào bụi cây xài đỡ,khách cương quyết không chịu! Vậy là cả đoàn phải ngưng tham quan, ra xe trở về khách sạn.



Phi trường ở Mỹ, ghế ngồi chờ đợi cho hành khách là ghế nệm dày và lúc nào cũng dư thừa, thậm chí lúc ít khách có thể nằm ngủ thoải mái. Toilet và vòi nước uống có khắp nơi, bây giờ lại có thêm những chỗ cho hành khách charge pin điện thoại, laptop, I pad, I phone... Nhưng khi tới phi trường Paris (CDG) những nhu cầu căn bản đó hình như biến mất. Thực ra trước đây tôi đã đến phi trường Paris nhiều lần, nhưng đều đi ra ngay luôn. Lần này chuyến bay chuyển ở Paris trước khi tới Berlin nên tôi mới có cơ hội thâm nhập CDG. Trước hết khi máy bay đáp xuống CDG, tôi ngạc nhiên khi thấy phải đi cầu thang sắt xuống, với va li carry-on, nếu kéo đi thì nhẹ nhàng, nhưng phải xách nó lên và leo mấy chục bậc thang xuống thì không dễ chút nào! Sau đó, leo lên xe buýt chở vô phi trường. Vô đây tôi lại tiếp tục chạy vòng vòng, mệt “bở hơi tai” vì phải xách carry-on lên xuống cầu thang nhiều lần đi từ khu này qua khu khác, phải qua khu x-ray (khám bằng tay là chính) rồi mới tới được cổng đổi chuyến bay! Khu nhà kiếng tương đối nhỏ nhưng có tới 12 cổng, mỗi cổng chỉ vỏn vẹn có một quầy nhỏ và một computer. Có một số băng ghế sắt trong khu vực cho hành khách ngồi đợi nhưng quá ít so với nhu cầu, nên hành khách ngồi la liệt dưới đất, khắp lối đi. Một số ông thì ngồi vắt vẻo trên các lan can, bờ tường. Tôi vừa mỏi chân, vừa mệt vừa khát nước, nhưng nhìn quanh cả khu vực không thấy có vòi nước uống nào, cả WC cũng không có, chỉ thấy toàn người là người.

Khi lên được máy bay Air France, ngồi yên chỗ quan sát, tôi có cảm tưởng nó là “xe đò bay” thì đúng hơn (khi so sánh với máy bay Mỹ mà tôi vừa đi) vì ghế ngồi và thiết bị cũ kỹ như từ thế kỷ trước. Lúc máy bay cất cánh tôi nghe nó gầm gừ “phành phành” rồi “ạch ạch” như đang cố sức nâng cái thân già nua bốc lên khỏi mặt đất, tôi chỉ lo nó rớt (may là tôi có mua bảo hiểm rồi nên đỡ lo). Cuối cùng sau một hồi “lắc lư con tàu” nó cũng bay lên được. Yên tâm rồi, tôi mệt mỏi ngủ thiếp đi (vì chẳng có phương tiện giải trí nào: nhạc, tivi...).

Cơn khát nước làm tôi chợt tỉnh, thấy chung quanh ai cũng có ly nước, tôi bèn yêu cầu một nam tiếp viên cho xin ly nước, nhưng hắn trố mắt ra ngó tôi như tôi đang đòi hỏi một điều gì quá đáng, rồi hắn phớt lờ (đúng là tính “ga lăng” của đàn ông Pháp đã trở thành quá khứ). Có lẽ họ cho rằng họ chỉ phát nước theo giờ của họ, hết giờ là hết phát? Sau khi yêu cầu 2 lần không được, khát quá tôi đợi lúc bà tiếp viên trưởng đi ngang để lập lại yêu cầu, bà bảo tôi đợi một lát và mang đến cho tôi một ly nước nhỏ. Hình như nước trở thành hiếm quý và cách phục vụ lịch sự cũng hiếm quý luôn! Ôi Air France! một thuở mơ ước khi tôi còn học trung học ở Saigon, lúc nhìn những hình ảnh quảng cáo của Air France trên các tạp chí nước ngoài! Ôi mộng và thực đúng là “nghìn trùng xa cách”! Xin tạm biệt Air France và phi trường Paris (kinh đô ánh sáng một thời) mà không mong ngày gặp lại! Có lẽ từ đây nếu có du lịch châu Âu, tôi phải lo học thuộc lòng câu của William Shakespear: “I always feel happy, you know why? Because I d'ont expect any thing from anyone.”

Tới phi trường Berlin (TXL) lại cũng phải đi cầu thang sắt xuống, rồi đi xe bus vô phi trường, xem ra phi trường này còn nhỏ và thiếu tiện nghi hơn phi trường Paris, tôi lại tiếp tục xách carry-on mệt nghỉ, chứ không kéo đi nhẹ nhàng như ở các phi trường Mỹ. May mà hai nước Pháp và Đức là hai nước lớn lại có nền kinh tế vững mạnh trong khối châu Âu!



Đúng là có đi ra ngoài mới thấy nước Mỹ là số một, đó là chưa kể đến vụ so sánh giá cả hàng hóa ở Mỹ và châu Âu, hàng hóa ở Mỹ vừa nhiều vừa rẻ. Sau này về đến phi trường LAX tôi thấy thật nhẹ nhàng, thoải mái, tất cả đều được chuẩn bị phục vụ chu đáo nhanh gọn, lịch sự. Đúng là “sweet home” Ôi! “My beautiful America”. Bây giờ tôi mới cảm thấy thực sự yêu mến và tự hào về quê hương thứ 2 của tôi : Nước Mỹ yêu dấu! Quả là:



“Phải chờ đến xế chiều
Ta mới thấy ánh sáng ban ngày rạng rỡ biết bao!”

Nói đến niềm tự hào về nước Mỹ, tôi lại nhớ đến sự việc trên chuyến Cruise Coastal vừa đi. Ngày thứ hai lên tàu thì toilet trong phòng bị nghẹt, tôi gọi điện cho họ sửa mấy lần mà tình trạng vẫn không thay đổi, tôi phải xuống chỗ “Customer Service” để xếp hàng đi khiếu nại.Thật ngạc nhiên khi họ “tỉnh bơ” cho biết không phải chỉ riêng phòng tôi mà các phòng ở tầng 2,5,8 đều bị như vậy, họ đang sửa, khi nào xong họ sẽ thông báo. Tôi bèn hỏi:

- Trong khi chờ sửa, thì khách giải quyết vụ toilet ra sao?

- Đi kiếm mấy cái toilet công cộng mà xài

- Nhưng chúng ở đâu?

Sau một hồi thắc mắc tới lui, họ mới chịu lục sơ đồ ra để tìm và cho biết một cái ở lầu 9, một cái khác ở lầu 4. Nghĩa là khi hữu sự phải “ôm bụng” chạy vòng vòng mấy tầng lầu để đi tìm cái toilet công cộng và xếp hàng chờ tới phiên. Chắc là dân châu Âu quen kiểu này rồi nên không thấy phiền?

Trở về phòng, tôi bực bội kể lại cho chị bạn cùng phòng nghe, chị là bác sĩ hưu trí ở Đức. Sáng nay chị đã là nạn nhân “ôm bụng” chạy vòng vòng, may mà tình cờ tôi nhớ ra cái toilet công cộng ở lầu 9 cạnh bên nhà hàng, nên chỉ cho chị. Do đó tôi tưởng chị là “đồng minh” bèn nói:


-Hệ thống phục vụ trên tàu quá tệ! Đã vậy xem ra họ còn thản nhiên cho đó là chuyện nhỏ, không hề có một lời xin lỗi khách hàng. Ở Mỹ thì họ đã xin lỗi ríu rít rồi...

Không ngờ chị phản ứng mạnh:

- Mệt quá, Mỹ cái gì cũng tốt, cũng ngon lành hết! Dân Mỹ được nuông chiều quá hóa hư! Bởi vậy trên thế giới, Mỹ đi đâu cũng bị chúng ghét, bị khủng bố cho chết hết là đúng rồi! Lúc nào cũng đòi hỏi thứ này, thứ kia , còn đòi xin lỗi...“nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột”...



Chị mắng cho một hồi “tràng giang đại hải” mà vẫn chưa hả cơn giận. Tôi ngơ ngác vì bỗng dưng mình bị “giũa” một trận te tua chỉ vì là “dân Mỹ” mà nào tôi có đòi hỏi điều gì cao cấp đâu, chỉ là những nhu cầu căn bản thôi. Thôi “một sự nhịn chín sự lành”, nên tôi nín nhịn vì chị lớn hơn tôi nhiều, coi như mình nhịn “chị hai” trong nhà cho mọi chuyện êm xuôi tốt đẹp trong chuyến đi chơi! Suy ra mới biết tinh thần “bài Mỹ” ở các nước Âu châu khá mạnh (ghé vô Nga 1 ngày tham quan cũng phải nộp tiền làm đơn xin visa). Kiểu này qua các nước Trung Đông chắc bị “xơi tái” quá, nhưng tôi nhớ một lần cách đây 5,6 năm dân Mỹ qua Ai cập thì lại được đối xử như VIP, đi đâu cũng được ưu tiên và có xe jeep hộ tống “tiền hô, hậu ủng” rất oai!

Hôm sau tâm sự với một chị bạn khác về nỗi ấm ức bị mắng oan. Chị trả lời:

- Chắc tại chị ấy ở Đức lâu, nên ngấm tinh thần “tự tôn dân tộc” của dân Đức, không muốn nước nào qua mặt, mà như vậy là tự ái dân tộc dỏm, vì dù gì mình cũng là người Vyết Nam! (Chị cười) Ai bảo Mỹ giàu hơn, mạnh hơn nên dễ bị chúng ghét!

Tôi chán ngán:

- À thì ra vậy! Hèn gì em nghe người ta thường nói “ở đời mình thua chúng khinh, mình hơn chúng ganh ghét, mình bằng chúng nói xấu”.


Không biết đến bao giờ các dân tộc trên thế giới sẽ sống với nhau trong tâm trạng “để hận thù người người lắng xuống” hầu không còn ai cảm thấy:

“Đôi khi ta muốn thoát ly
Đi thật xa khỏi cuộc đời này
Xa lìa chuyện ganh đua với chê bai”
(L.H.H.)



Dù sao nhờ có đi ra ngoài, có dịp mở rộng tầm nhìn, có dịp so sánh, tôi mới biết trân quý hơn những điều tôi đang được hưởng mỗi ngày ở xã hội này, mà đôi khi quá quen, tôi cứ xem đó là lẽ đương nhiên, là chuyện thường tình (giống như trong đời sống gia đình có nhiều người có phước có được những bà vợ, ông chồng rất tốt, rất tử tế, nhưng họ không hề biết quý và cứ nghĩ đó là chuyện đương nhiên và bình thường, cho đến khi không còn nữa mới hối tiếc thì đã muộn!). Khi ý thức lại những tiện nghi của đời sống ở Mỹ mà tôi vẫn xem đó là chuyện bình thường, tôi mới biết đôi khi nó là niềm ước mơ của biết bao người trên thế giới nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng. Họ không chỉ cần những nhu cầu vật chất căn bản của đời sống nhưng còn cần những nhu cầu căn bản về tinh thần (quyền làm người, quyền tự do...) mà họ khát khao nhưng không hề được đáp ứng!

Xin cám ơn Chúa, xin cám ơn đời đã cho tôi có một cuộc sống tương đối an lành trên xứ Mỹ này, để từ đó tôi biết yêu thương và chia sẻ nhiều hơn với những mảnh đời bất hạnh khác nơi quê nhà, vì có thể “Một tình thương cho cuộc sống đang chờ đợi ta” bởi:

“Tình yêu là trái chín của mọi mùa
Nằm trong tầm với của mọi bàn tay” 
(Mẹ Theresa)

Phượng Vũ
9/2013
(Sưu tầm trên mạng)