Mười mấy năm nay, món "trà sữa trân châu" ở Úc rất thịnh hành. Mỗi chiều tan học là các em học sinh đứng xếp hàng vào đợi mua. Ở Úc không chỉ có các học sinh Á châu mà ngay cả học sinh Úc hay các sắc dân khác cũng mê lắm. Nói thiệt tôi cũng thử một lần và không bao giờ mua nữa vì nó có ngon gì đâu: nước thì ngọt của đường sữa, mùi trái cây hóa học và những hột sực sực trân châu lạt lẽo như bột bán lớn hột. Nó sống nhờ vào quảng cáo và theo đuổi như một phong trào, bùng lên một thời gian rồi từ từ lặn xuống và có thể biến mất. Trà sữa trân châu xuất phát từ Đài Loan và lan tràn khắp Đông Nam Á và các cộng đồng Á châu trên thê giới.
Hiện nay ở Úc vẫn còn, vẫn có người thích nhưng không đến nỗi cao trào như những năm mới bắt đầu. Có một bài viết của anh Vũ Thế Thành nói về món này mời các bạn tham khảo:
TRÀ SỮA TRÂN CHÂU CHUYỆN ĐỘNG TRỜI
Độc giả hỏi:“Tôi nghe nói trong trà sữa trân châu có chất phụ gia gì đó gây ung thư. Trà sữa này có phải là hàng Tàu không? Các con tôi rất thường ra tiệm uống trà sữa trân châu. Tôi mua nguyên liệu về nhà làm thì có an toàn không?”
TRÀ SỮA TRÂN CHÂU CHUYỆN ĐỘNG TRỜI
Độc giả hỏi:“Tôi nghe nói trong trà sữa trân châu có chất phụ gia gì đó gây ung thư. Trà sữa này có phải là hàng Tàu không? Các con tôi rất thường ra tiệm uống trà sữa trân châu. Tôi mua nguyên liệu về nhà làm thì có an toàn không?”
Chuyện động trời
Trà sữa trân châu từng bị tai tiếng ở Đài Loan cách nay gần ba năm do chứa acid maleic. Chất này có thể gây tổn thương thận nếu sử dụng lâu dài.
Acid maleic không được phép dùng trong thực phẩm với bất cứ liều lượng nào. Thực ra, chất bị nhiễm là maleic anhydride. Khi tan trong nước, maleic anhydride bị thuỷ giải thành acid maleic.
Cả hai chất này đều cấm dùng trong thực phẩm. Hạt trân châu trong trà sữa làm bằng tinh bột (bắp, khoai mì…). Muốn cho hạt trân châu dai dòn, cắn sựt… người ta phải cải thiện đặc tính của tinh bột, và gọi đó là tinh bột biến tính.
Tinh bột biến tính được phép dùng trong rất nhiều loại thực phẩm, không có ngưỡng hạn chế. Hạt trân châu thường làm từ tinh bột khoai mì biến tính do tạo độ dai và sựt khá tốt.
Tuy nhiên, một số nhà máy sản xuất tinh bột biến tính ở Đài Loan đã làm chuyện động trời khi sử dụng maleic anhydride để biến tính tinh bột khoai mì. Không thể nói là họ không biết maleic anhydride là chất cấm sử dụng trong thực phẩm. Họ cố tình.
Hành động quyết liệt
Ngay khi phát hiện vào đầu năm 2013, cơ quan hữu trách Đài Loan đã cho thu hồi và tiêu huỷ khoảng 300 tấn thực phẩm đủ loại có sử dụng tinh bột biến tính này, trong đó có “hạt trân châu”.
Chưa hết, luật an toàn thực phẩm của Đài Loan cũng được chỉnh sửa, cho phép phạt tù từ ba năm tới chung thân nếu sử dụng hoá chất không được phép dùng trong thực phẩm.
Acid maleic không gây ngộ độc gen hay ung thư, nhưng thử nghiệm với chó, thì thấy thận bị tổn thương ở liều 9mg/kg. Ở chuột và khỉ chưa quan sát thấy bệnh ở liều cao hơn.
Bao bì kim loại hay bao bì giấy phủ nhựa (resin) cũng thường dùng acid maleic làm thành phần kết dính, nên có thể thôi nhiễm vào thực phẩm.
Các cơ quan an toàn ở châu Âu và Mỹ chỉ chấp nhận maleic ở dạng vết. Tinh bột biến tính ở Đài Loan sử dụng maleic anhydride làm chất biến tính, nên không thể nói là dạng vết được. Con số có thể cao hơn gấp vài chục, vài trăm lần.
Trân châu giả, hột xoàn thiệt
Vụ tai tiếng “maleic” ở Đài Loan coi như êm do hành động quyết liệt của cơ quan an toàn sở tại. Nhưng còn “trân châu” của Trung Quốc thì sao?
Câu trả lời dành cho cơ quan an toàn Việt Nam.
Trong một phóng sự của đài Truyền hình Sơn Đông (Trung Quốc) được báo chí trong nước trích lại, phóng viên Trung Quốc đã uống thử trà sữa trân châu.
Kết quả CT scan cho thấy những viên trân châu dồn lại một chỗ, không thể tiêu hoá được. Chưa giải thích được vì sao, nhưng một chủ cửa hàng tại đây cho rằng trân châu làm từ đế giày da và lốp xe cũ (?).
Một số trang mạng hướng dẫn cách làm trà sữa trân châu đủ loại, nhưng thực ra là tiếp thị hạt trân châu. Những hạt trân châu này xuất xứ từ đâu, có chất lượng (an toàn) thế nào có trời biết. Người bán đang kiếm lời bằng cách biến hạt trân châu (giả) thành hột xoàn (thiệt) bỏ túi.
Trở lại câu hỏi của độc giả, có nên pha chế trà sữa trân châu tại nhà để an toàn hơn không. Nên quá đi chứ. Nhưng hạt trân châu mới là vấn đề, bởi vậy cũng nên làm hạt trân châu tại nhà luôn.
Hạt trân châu “tại gia” có thể làm từ tinh bột khoai mì, hoặc bột năng, tuy không “sừn sựt” như trân châu ngoài đời, nhưng an tâm hơn, khỏi lo suy thận, hay lổm cổm đế giày lốp xe trong bụng.
Vũ Thế Thành
(Sưu tầm trên mạng)