Không cần thăm dò thống kê cũng biết chắc chắn là nhiều người đang dở khóc dở cười vì vừa đặt lưng ngáy liền nhưng đến 1, 2 giờ sáng bỗng bật dậy rồi thức trắng đến sáng. Tuy một số có thể vì hội chứng “thái đức”, số khác do bất ngờ vọp bẻ trong đêm, nhưng phần lớn không cần ai đánh thức vẫn giật mình trước khi gà kịp gáy!
Chuyện gì cũng có lý do
Chuyện gì cũng có lý do
Ít ai ngờ là nguyên nhân hàng đầu lại không vì bàng quang sinh chứng làm việc ngoài giờ, cũng không vì bắp thịt hạ chi táy máy sao đó mà do rối loạn nhịp sinh học vì biến động nội tiết tố trong giai đoạn mãn dục nam ở đàn ông và mãn kinh ở đàn bà. Theo dòng trồi sụt của nội tiết tố giới tính chiếc đồng hồ sinh học trong cơ thể cũng vận hành hỗn loạn khiến não bộ bỗng dưng keo kiết theo kiểu tính giờ ban đêm chỉ còn mấy tiếng đồng hồ!
Tình trạng này thậm chí rõ nét ở nhiều ông mới vào tuổi 40. Nhờ nhiều bước tiến nhảy vọt trong lãnh vực nghiên cứu về bệnh nội tiết nên không còn nghi ngờ là đàn ông cũng có giai đoạn biến động nội tiết tố tương tự như phụ nữ vào tuổi mãn kinh. Dù muốn hay không, nội tiết tố tiêu biểu cho nam tính, testosteron bắt đầu giảm sút ở tuổi trung niên với tiến độ trung bình 2% mỗi năm để hàm lượng của chất này khi bước vào tuổi lục tuần thường chỉ còn khoảng phân nửa của thời trai tráng. Thời điểm bắt đầu giai đoạn được đặt tên là “mãn dục nam” thay đổi tùy theo cơ tạng cũng như nếp sinh hoạt của mỗi đối tượng cá biệt. Có đối tượng thiếu testosteron rất sớm, thậm chí từ tuổi 30! Tất nhiên, cũng có trường hợp ngược lại khiến gừng già vẫn cay, nhưng hiếm.
Có một điều chắc chắn là thời điểm khởi động của hội chứng mãn dục nam có thể rất sớm vì tiến độ suy giảm nội tiết tố quá nhanh chân do gia chủ thường xuyên đồng hành cùng stress, nếu “nạn nhân” vô tình hay cố ý tiếp tay bằng cách đầu độc cơ thể với rượu bia, thuốc lá, ma túy… Dưới ảnh hưởng của nội tiết tố corticosteroid sản sinh trong tình huống stress, tiến trình tổng hợp testosteron của cơ thể khó tránh bị phong bế một cách oan uổng. Đó chính là một trong các lý do khiến hội chứng mãn dục nam là đòn bẩy dẫn đến mất chất lượng cuộc sống của đàn ông vì thử hỏi mấy ai từ tuổi trung niên không ít nhiều hao hụt sức đề kháng vì móng vuốt của stress?!
Mất ngủ vì tranh tối tranh sáng
Nào đã xong. Nhiều nạn nhân không ngờ chính mình cũng là thủ phạm. Chính vì thói quen mang công việc vào phòng ngủ nên nhiều người làm việc quá khuya. Tất nhiên không thể làm việc trong bóng tối. Phòng ngủ do đó không đủ độ tối khi đồng hồ đã gõ 22 giờ. Hậu quả là nội tiết tố melatonin, tác chất cần thiết để tạo giấc ngủ tự nhiên, chất xúc tác cho phản ứng của trung khu điều hành giấc ngủ, không được phóng thích với hàm lượng và tiến độ như mong muốn. Cơ thể khi đó ghi nhận lẫn lộn giữa ngày và đêm vì theo đồng hồ thì đã tối nhưng bên ngoài vẫn sáng do gia chủ chưa chịu tắt đèn đi ngủ. Nhiều chuyên gia về giấc ngủ đã không cường điệu khi khuyên người hay mất ngủ chỉ dùng phòng ngủ để ngủ và nhất là khi ngủ thì đèn tắt tối đen, đừng mờ mờ ảo ảo để rồi bộ não ghi nhận ánh đèn trong phòng như tia nắng bình minh rồi kêu gia chủ thức dậy kéo cày!Tình trạng này càng trầm trọng hơn nữa nếu nạn nhân vì sợ khó ngủ ban đêm nên nhịn luôn giấc ngủ trưa. Đáng tiếc vì chính nhờ chợp mắt buổi trưa, dù không hơn 30 phút, mà chiếc đồng hồ sinh học được điều chỉnh về O để khoảng 8 giờ sau đó phát tín hiệu thúc đẩy gia chủ lên… giường!
Mau bệnh vì đồng hồ chạy trật
Nếu xem chuyện ngủ tuy dễ nhưng thức giấc lại càng dễ hơn như chuyện nhỏ thì hố nặng. Đừng quên giấc ngủ là khoảng thời gian để cơ thể chủ động tổng hợp kháng thể, tân tạo huyết cầu, xử lý hậu quả của stress… Mỗi lần ngủ không đủ, mỗi lần thức dậy không với cảm giác khoan khoái yêu đời là một lần sức đề kháng bị đục khoét. Nạn nhân dù có kiên cường cách mất cũng sớm muộn cũng là ứng viên hàng đầu của “hội chứng hết pin”! Mặt khác, cũng đừng tưởng thuốc an thần là giải pháp. Đừng quên là người lạm dụng thuốc an thần, bên cạnh bệnh trầm uất không mời cũng đến, là đối tượng dễ bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, theo kết quả nghiên cứu còn nóng hổi, vừa thổi vừa ăn của… thầy thuốc!
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (11/09/2012)
(Sưu tầm trên mạng)