RƯỢU - SỰ MINH TRIẾT CỦA KIM DUNG
Trong những tác phẩm võ hiệp tiêu biểu của Kim Dung, rượu luôn luôn có mặt, dàn trải khắp cả câu chuyện. Đọc Thiên Long bát bộ, chúng ta thấy cuộc hội ngộ giữa Kiều Phong (bang chúa Cái Bang) và Đoàn Dự (vương tử nước Đại Lý) là cuộc hội ngộ trong hương rượu nồng. Thoát ra khỏi cảnh giam cầm, Đoàn Dự tìm đến một quán rượu và vô tình bắt gặp một đại hán mắt sáng như điện, trạc ngoài 30, thân thể cao lớn, mặc áo vải màu tro, phục sức sơ sài, mộc mạc đang ngồi độc ẩm. Ngoại hình Kiều Phong đã khiến Đoàn Dự kính ngưỡng, bèn mời Kiều Phong uống rượu. Vốn Đoàn Dự đã học được tuyệt kỹ Lục mạch thần kiếm, quy khí lực vào huyệt Đan điền rồi vận công phóng kiếm khí vô hình ra 6 ngón tay. Từ kiếm khí, Kim Dung cho phép nhân vật của mình phóng ra kiếm tửu. Đoàn Dự nạp hết số rượu vừa uống vào các huyệt rồi dẫn rượu đi qua các huyệt và "phóng" rượu ra nơi ngón út khiến Kiều Phong kinh hoàng, tưởng tửu lượng chàng thư sinh cao không kể xiết! Từ cuộc đấu rượu hi hữu đó, họ nhận ra phẩm chất của nhau và kết nghĩa anh em.
Rượu trong truyện võ hiệp Kim Dung còn làm nên tình yêu lứa đôi, giàu chất thơ lãng mạn. Có những lứa đôi gặp gỡ lần đầu qua chén rượu và tình yêu bắt nguồn từ đó. Trương Vô Kỵ cũng gặp gỡ và yêu quận chúa Triệu Minh qua chén rượu. Đoạn giàu chất thơ nhất của Ỷ thiên Đồ long ký là đoạn Triệu Minh nhớ Vô Kỵ, tìm lên tửu lâu và ngồi đúng vào cái bàn mà hai người đã từng ngồi đối ẩm. Thiếu vắng Vô Kỵ, cô cũng gọi bình rượu, thức ăn, hai cái chén, hai đôi đũa, hai chung rượu. Cô rót rượu ra đủ hai chung, uống một chung và nước mắt rơi. Đúng lúc đó thì Trương Vô Kỵ xuất hiện. Và họ tìm lại được hơi ấm tình yêu trong chung rượu đối ẩm.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, Lệnh Hồ Xung thường đối ẩm với người yêu là Doanh Doanh. Một nhân vật khác, Lam Phượng Hoàng, giáo chủ Ngũ độc giáo Vân Nam, cũng rất say đắm Lệnh Hồ Xung. Cô mang vò rượu Ngũ độc mỹ tửu, trong đó có ngâm năm thứ trùng độc, từ Vân Nam đến Giang Nam để chữa bệnh cho Lệnh Hồ Xung. Cảm xúc tấm thịnh tình đó, Lệnh Hồ Xung đã uống rượu cho cô vui lòng. Tác giả Kim Dung đã để cho Lam Phượng Hoàng hôn Lệnh Hồ Xung trước mặt mọi người, kể cả sư phụ của Lệnh Hồ Xung là Nhạc Bất Quần. Trong con mắt của Lam Phượng Hoàng, kẻ biết uống rượu của cô mới là người tốt.
Trong Thần điêu hiệp lữ, cô bé Quách Tương, 16 tuổi, say mê người anh họ mình là Thần điêu đại hiệp Dương Quá. Mặc dù Dương Quá chạy theo hình bóng của sư phụ là Tiểu Long Nữ, không nghĩ đến mối tình si của Quách Tương, Quách Tương vẫn vượt ngàn dặm ra đi tìm anh. Trong túi hành trang của cô bé luôn luôn có một bầu rượu. Cô chỉ có mỗi ước mong: cùng Dương Quá đối ẩm. Nhưng ước mong đó không bao giờ thành hiện thực. Quách Tương lên núi đi tu, trở thành sư tổ phái Nga Mi.
Những lứa đôi yêu nhau trong tác phẩm của Kim Dung uống rượu như chúng ta uống… cà phê. Họ gặp nhau là mời nhau chén rượu, trang trọng, cung kính. Không có ai uống rượu đến nỗi quần áo xốc xếch, ong bướm lả lơi. Chén rượu trong tình yêu của tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung mang theo tính cách đạo đức mặc dù khung cảnh uống rượu rất lãng mạn: uống trong quán khuya vắng người, uống trong căn phòng chỉ có hai người, giữa đêm mùa đông tuyết rơi lả tả; uống trên con thuyền nhỏ chơi vơi giữa đêm trăng trên dòng Trường Giang mông mênh. Tác phẩm của Kim Dung tràn đầy rượu và ruợu, trừ những nhà sư, các nhân vật của ông ít nhiều đều biết đến chén rượu. Rượu làm nên sự hưng phấn cho cuộc đấu tranh chống cái ác, biểu dương cái thiện và lẽ công bằng ở đời.
Uống rượu nhiều tất có tình trạng say rượu xảy ra. Những người say trong tác phẩm Kim Dung cũng say một cách tử tế. Trong những hội loạn ẩm, họ xai quyền thách đố nhau hoặc cãi cọ chửi bới. Duy nhất trong 12 bộ truyện, có một nhân vật say rượu phạm vào tội đại ác, trở thành một thứ tửu tặc. Nhân vật đó là Thành Khôn, sư phụ của Tạ Tốn trong Ỷ thiên Đồ long ký. Thành Khôn giả say rượu, đã làm nhục và giết hại vợ con của đồ đệ mình. Y lẻn vào chùa Thiếu Lâm làm một nhà tu giả mạo dưới pháp danh Viên Chân. Kẻ tửu tặc ấy đã bị tìm ra, bị trừng trị nhưng rồi cuối cùng cũng được tha thứ.
Rượu trong truyện võ hiệp Kim Dung khác xa với rượu ở miền Viễn Tây Mỹ trong phim cao bồi, khác xa với rượu trong các hộp đêm trên toàn thế giới và cũng khác xa với "rượu" trong các quán bia ôm ngày nay. Chính vì thế, nhiều học giả gọi rượu trong truyện Kim Dung là một loại rượu đạo đức. Rượu trong truyện Kim Dung thể hiện triết lý nhân sinh gần gũi cuộc sống. Nó làm nên tình yêu, tình bạn, sự tha thứ, mối hoài cảm, niềm hối tiếc. Qua rượu, Kim Dung hé mở cho chúng ta nhìn thấy một khoa học mới: tửu học. Với một chữ “rượu”, Kim Dung đã vượt xa hơn bất kỳ nhà văn nào khác. Rượu của ông có bài bản, có tính chất triết lý tề chỉnh. Nó thể hiện được tính thời sự, hơi thở đương đại góp phần làm nên cái đẹp cho đời sống của chúng ta ngày nay.
TÚ QUYÊN (tổng lược)