Thursday, January 18, 2018

RAU NGON SAPA

Trước đây tôi có kể cho các bạn về chuyến đi Sapa của tôi và có nói đến một món ăn mà tôi không biết. Lần đó vào nhà hàng ăn trưa, bà xã nói thèm canh cải vì nhiều ngày mà không có uống canh. Cô chủ quán giới thiệu món canh rau đặc sản của Sapa là "rau Ozay". Về đến Úc tôi viết bài kể lại nhưng tìm hoài trên mạng, hỏi anh Google cũng không có loại rau nào tên "ozay", chỉ có rau đay. Thôi thì tạm chấp nhận như là mình bị nghe lầm rồi cho qua luôn.

Rau Ô Dây
Hồi tối nay xem chương trình "Việt Nam tươi đẹp", có một tập Ngô Kiến Huy và Khổng Tú Quỳnh giới thiệu về Sapa, đi qua chổ để thức ăn, thấy một loại rau thì được người hướng dẫn cho biết đó là "rau Ô Dây" mà còn được gọi là "rau chua". Vậy là tôi biết món canh mà tôi ăn ở Sapa là "rau Ô Dây" mà tôi viết thành Ozay thì làm sao có trong tự điển.

Sẵn công tìm được một số tư liệu, tôi xin share cho các bạn nhé. (LKH)


Các loại rau, củ, quả đặc trưng và lạ nổi tiếng ở Sapa

Ngọn, quả su su

Ngọn su su là loại rau rất phổ biến nhưng nó chỉ ngon khi được trồng các ở khu vực miền núi phía Bắc, nơi mùa đông có cái lạnh cắt da, cắt thịt hay mát mẻ vào mùa hè như Sapa chẳng hạn. Nếu một lần đặt chân đến Sapa, một màu xanh mướt của ngọn su su trập trùng bên các sườn núi sẽ ôm trọn tầm mắt của bạn.


Ngọn su su chẳng cần xào với các nguyên liệu khác cũng ngon. Chỉ cần nhặt sạch, cho vào xào cùng tỏi, mỡ, nêm chút gia vị là có thể thưởng thức ngay được. Hay quả su su không cần gọt vỏ, chỉ cần bổ miếng cừa ăn luộc chín chấm muối vừng. Hương vị của núi, của rừng, của những màn sương lạnh giá nhập nhoạng như mây cứ hòa quyện trong từng ngọn rau, chiếc lá, miếng quả.


Rau cải mèo

Cải mèo cũng được coi là loại rau quý vì được thiên nhiên chọn lọc nên sức sống mãnh liệt, nó có thể vượt qua thời tiết mùa đông khắc nghiệt có băng ở vùng núi này và sinh trưởng khỏe, để có thứ rau đặc sản cho con người.

Cải mèo có vị ngon và giòn, nên được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Dù chế biến đơn giản hay cầu kỳ, người nấu thường vặn tròn để ngắt rau thành từng đoạn thay vì lấy dao thái, như vậy mới đảm bảo giữ nguyên hương vị ngọt tự nhiên của cải.


Rau đậu Hà Lan

Rau đậu Hà Lan được trồng và mọc theo giàn, ngọn rất nhỏ nhưng mềm mang màu xanh nhạt mà non tơ. Thường người ra dùng loại rau này để nấu canh với thịt băm, xương… hoặc đơn giản chỉ là nấu suông nhưng ngon ngọt vô cùng.

Rau đậu Hà Lan Sapa.

Rau cù khởi

Nghe cái tên vừa lạ lại vừa khó nhớ nhưng nếu nếm thử một lần rồi đảm bảo bạn sẽ chẳng thể nào quên được hương vị hấp dẫn của thứ rau dại (mọc ở hàng rào) này.


Rau củ khởi thường nấu với nước xương hầm hoặc thịt băm. Khi nấu chỉ đun nước sôi già rồi bắc nồi ra, bởi để lâu trên bếp canh sẽ bị nồng và mất mùi thơm của rau. Canh rau củ khởi ăn nóng và nguội đều ngon. Khi mới ăn, thực khách có cảm giác hơi đắng ở đầu lưỡi, nhưng sau có vị ngọt bùi đọng lại, khiến người ăn không biết ngán bao giờ.

Rau ngồng


Một món rau khác cũng trở thành đặc sản của Sapa là “ngồng” tức là phần thân đã đâm hoa của những cây rau già. Có nhiều loại ngồng: ngồng tỏi, cải, su hào, su su… Ngồng thường được xào với tỏi, thịt chứ không luộc hoặc nấu canh. Ngồng xào mềm có vị ngọt dịu ở ngọn, ngọt đậm ở cuộng pha lẫn cái đắng nhẫn nhẹ rất lạ miệng.


Rau Ô Dây

Rau chua sapa là món rau gém đặc trưng của người dân sa pa, lá có vị chua, mát ăn xong có vị ngọt, thường được dùng ăn như rau thơm của người miền xuôi, dùng ăn kèm các món nhiều mỡ để đỡ cảm giác béo như món thịt ba chỉ luộc, thịt quay, lòng lợn….

Rau chua (ô dây) sapa

Nấm hương Sapa  

Nấm hương Sapa về hình thức cũng giống như các loại nấm hương khác nhưng về hương vị thì những ai đã thưởng thức một lần chắc sẽ không thể quên được mùi vị đặc biệt này. Dùng chế biến trong các món ăn như làm nhân nem, các món xào, các món canh, Nấm khô sau khi ngâm trong nước và sau khi xào nấu vẫn giữ được mùi thơm rất đặc trưng của núi rừng.

Nấm hương rừng Sapa khô

Nguồn: Du Lịch Sapa