Chủ xe “hủ tíu gõ” chuẩn bị cho một ngày làm ăn.
Tiếng nhạc gõ lách cách lách cách nhịp nhàng vui tai như một giai điệu kéo dài từ trong những con hẻm nhỏ ra tận đường lớn. Vật dụng là hai thanh tre ngà chập vào nhau trên tay của một đứa trẻ như một nhiệm vụ “tiền tiêu” đi trước thay cho tiếng rao buồn.
Hồi xưa người bán phải rao mỏi miệng “hủ tíu đây,” đi rã chân mời khách thì nay với hai thanh tre họ đã có thể phát lên một tín hiệu mà những ai ghiền gủ tíu sẽ biết ngay qua tiếng gõ diệu kỳ, nó cũng làm cho người bán quên đi mệt nhọc.
Cảm giác được cầm cái vật dụng “âm nhạc” đó mà đi “gõ” khắp nơi thật thú vị “nó quên đi hết nhọc nhằn” nhất là qua nó mới bán được hàng, vì thứ tiếng động kỳ diệu đó có thể len lỏi vào tận trong hang cùng ngõ hẻm, có thể đến bất cứ nơi đâu người ta cần.
Đôi khi cái bụng đói không muốn đi đâu, lười biếng nhất là vào những buổi chiều mưa mà có một tô hủ tíu nóng hổi thì “alê” có ngay. “Lách cách, lách cách” ê hủ tíu là có ngay một tô bốc khói với đầy đủ hành hẹ tiêu ớt… giải quyết ngay cái bụng và ngon không thể tả.
Một tô hủ tíu gõ.
Không biết người ta nấu bằng thứ gì mà “hủ tíu gõ” luôn có một mùi vị đặc biệt – ngon ngọt – không thể trộn lẫn vào với bất cứ thứ gì khác, ngay cả đi ăn cao lương mỹ vị gà hầm, vịt quay Bắc Kinh hay bất cứ thứ gì sang trọng ở những tiệc cưới hay nhà hàng màu sắc thì cũng không thể quên đi tô hủ tíu.
Những đêm mưa trong những con hẻm nhỏ lập lòe, chỉ có ánh lửa hắt ra dưới những ngọn đèn cao áp, một chiếc xe với dăm chiếc ghế nhựa, với một người bán một người phục vụ, thường thì chỉ có hai vợ chồng hoặc anh em đồng hương hợp tác nhau hành nghề.
Họ từ miền Trung xa xôi vào thành phố “mưu sinh” bằng cái nghề khiêm tốn nhưng lại tối ư cần thiết này, nó nuôi sống họ… nuôi sống những số phận nghèo hèn, nuôi nấng những ước về ngày mai tươi sáng.
Ban đầu thực khách của họ chỉ là những cô gái ăn sương, dân xe thồ ba gác, dân lao động nghèo và sinh viên xa nhà, nhưng giờ đây không hiểu sao nó lại là món ăn ngon của giới trưởng giả về đêm. Bây giờ cánh ăn đêm không phải bình dân nữa mà ngay cả dân nhà giàu cũng lui tới dập dìu sì sụp, dĩ nhiên giá cả cũng bấy nhiêu dù nghèo hay giàu, chỉ tầm 15,000 đồng đến 20,000 đồng (chưa tới $1) đã có một tô hủ tíu rực rỡ ngon lành.
Tiếng “lách cách, lách cách” vẫn đi xa, đi xa như một ca khúc vươn dài. Chiếc xe hủ tíu không cần phải rong ruổi nữa, nó cố định ở đâu đó một chỗ, một khu vực, bắt đầu từ buổi chiều khi tan tầm, khi màn đêm từ từ buông xuống, khi những cơn mưa giông nặng hạt bão bùng.
Đứa bé chỉ cầm hai thanh gỗ rồi nhịp nhàng tấu lên những thanh âm điêu luyện, dường như nó đã quá quen rồi với những tiết tấu mà nó đang nắm giữ. Nó biết nhà nào nơi đâu là sẽ có khách thường xuyên, nếu là một biệt thự nó sẽ đánh lên những âm thanh rất đặc biệt như một đoạn nhạc hẹn hò đã được mặc định và bỗng nhiên cánh cửa bật mở và ba ngón tay xinh xinh đưa ra “ba tô!”
Chỉ vậy thôi nó chạy ngược về xe rồi ba chân bốn cẳng chạy ra trên tay là một cái mâm với ba tô bốc khói, chỉ cần nhìn tô hủ tíu đầy màu sắc là đã chảy nước miếng, chỉ vài miếng thịt thái mỏng cùng mấy cọng xà lách xanh, hành hẹ ớt, tương đỏ, tiêu… mà sao hấp dẫn lạ kỳ.
Xe hủ tíu đầu hẻm, hình ảnh quen thuộc của Sài Gòn.
Cái hay của hủ tíu là nó không làm bạn nặng bụng vì nó chỉ làm cho bạn qua cơn đói, nó không làm cho người ta bỏ bữa, nó là một thứ hỗn hợp đánh lừa vị giác một cách tuyệt hảo khi bạn đang cần phải nạp năng lượng, để quên đi một cái gì đó thì tô hủ tíu trong cơn mưa sẽ làm cho bạn ấm lòng…
Vì, nói như vợ chồng anh chủ xe hủ tíu bình dân thì “Không thể làm giàu bằng nghề này và cũng không ai có thể no đủ bởi một tô hủ tíu gõ, nhưng chắc chắn người ta ấm dạ thì mình cũng tạm no. Nó rất cần thiết cho bất cứ ai có một chút gì hoài niệm về cái thuở hàn vi nghèo đói của mình!”
Nguyễn Sài Gòn