Tuesday, September 18, 2018

CHUYỆN VỀ "ÁI NỮ" CỦA HOÀNG ĐẾ MINH MẠNG

Triều đại nhà Nguyễn, có ba chị em nữ sĩ rất nổi tiếng trong giới thi nhân lúc bấy giờ là Trọng Khanh (hiệu Nguyệt Đình), Thúc Khanh (hiệu Mai Am) và Quý Khanh (hiệu Huệ Phố) - đều là con gái hoàng đế Minh Mạng (1820-1840).


Trọng Khanh, Thúc Khanh và Quý Khanh đã góp phần không nhỏ làm nên sự phong phú trong kho tàng văn học Việt Nam..
Trọng Khanh sớm làu kinh truyện
Trọng Khanh tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh (1824-1892), hiệu là Nguyệt Đình, là hoàng nữ thứ 18 của vua Minh Mạng.
Thuở bé Trọng Khanh ở trong cung, năm 1849, bà cùng hai em là Thúc Khanh, Quý Khanh theo mẹ là Thục tân Nguyễn Thị Bửu (1801-1851) ra ở Tiêu Viên trong phủ của anh trai là Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Vốn thông minh, ham đọc sách, lại được anh chỉ bảo nên Nguyệt Đình sớm làu thông kinh truyện.
Năm 1850, bà kết hôn với Phạm Đăng Thuật, con trai của Phạm Đăng Hưng, em của Phạm Thị Hằng (tức bà Từ Dụ, vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức). Hai vợ chồng sống hạnh phúc, xướng họa tương đắc. Sách Đại Nam liệt truyện chép: Chúa (Nguyệt Đình) thác sinh ở nhà vua, lấy chồng người họ quý thích, mà khiêm tốn giữ gìn, không ưa xa xỉ, duy chỉ thích sách vở mà thôi.
Sáng 1/9/1858, thực dân Pháp bắn vào cảng Đà Nẵng, mở màn cuộc xâm lấn lâu dài tại Việt Nam. Năm 1861, Phò mã Phạm Đăng Thuật vâng mệnh vào Nam Kỳ xem xét rồi chết. Vua Tự Đức thương tiếc, truy tặng hàm Quang Lộc tự khanh.


Hai vợ chồng chỉ sinh được một gái tên Uyển La, nhưng mất sớm. Kể từ đó, Nguyệt Đình thủ tiết, nuôi cháu là Phạm Đăng Tiến (con của Phạm Đăng Thiệu) làm thừa tự, nhưng rồi thấy Tiến vô hạnh, bà từ bỏ, dựng từ đường riêng ở trước mộ chồng. Năm Tự Đức thứ 20 (1876), bà được phong Quy Đức công chúa.
Năm 1875, bà tâu xin được giao cho xã sở tại (Dương Xuân), chọn người coi giữ việc thờ cúng nơi từ đường. Bà mất ngày 22/3 năm Nhâm Thìn (18/4/1892) triều Thành Thái, hưởng thọ 68 tuổi, táng chung một chỗ với chồng, thụy Cung Thục. Bà để lại Nguyệt Đình thi thảo, được Tuy Lý Vương Miên Trinh đề tựa khen ngợi (dịch): Xưa, phần nước Vệ ở Biến phong trong kinh Thi, bài Tái Trì là thơ của phu nhân Hứa Mục công, bài Hà Quảng là thơ của phu nhân Tống Hoàn công, thảy thảy phát ra từ tình cảm mà dừng lại ở lễ nghĩa, cho nên quốc sử khen ngợi và học giả tôn sùng.
Nay việc làm của em, nhất nhất đều ngay chính. Như thế dù không có thơ cũng đã đủ để lưu truyền rồi, huống chi còn có thơ nữa, thì những người thu thập về sau mà ta biết thế nào cũng có, ắt chẳng đáng chép đi in lại vài lần sao!
Tập thơ chưa được in ấn và hiện nay bị thất lạc.
Thúc Khanh lập ra Thỉnh Nguyệt Đình
Thúc Khanh hiệu Mai Am (1826- 1904) là con gái thứ 25 của vua Minh Mạng và là nữ sĩ nổi tiếng vào nửa cuối thể kỉ 19. Tác phẩm chính của bà tập thơ Diệu Liên thi tập, đã từng được nhiều danh sĩ ngơi ca, ngoài ra còn một số bài ca được người dân Huế truyền tụng.


Sau dời về Sở Tiêu Viên (vườn mía) thuộc khu dinh thự của Tùng Thiện Vương, cũng giống như chị gái Trọng Khanh, Thúc Khanh được tiếp xúc thi thơ từ sớm. Tới tuổi đi học, với thân phận là con cháu hoàng tộc nên bà và chị em không được học ở trường ngoài, mà học trong Tôn học đường do anh ruột Tùng Thiện Vương phụ trách và trở nên nổi tiếng lừng lẫy về tài văn chương trong giới nữ lưu ở đất kinh thành. Bà cũng được coi là người tài năng và nổi tiếng nhất trong tam Khanh khi sáng lập ra Thỉnh Nguyệt Đình, là nơi bà chủ trì các đêm thơ, có sự tham gia của nhiều danh sĩ đất kinh kỳ.
Năm 1850, bà kết hôn với hiệu úy Thân Trọng Di (hay Thân Văn Di, tự Như Phủ) (1825-1885) – cháu nội quan đại thần Thân Văn Quyền (1771-1837), gốc ở làng Nguyệt Biều (ngoại thành Huế). Mẹ bà qua đời vào năm sau (12-9-1851). Cuộc sống của bà với Thân Trọng Di, theo nhà thơ Lương An thì “hai người ăn ở với nhau tuy bề ngoài vẫn ấm êm, nhưng bên trong thì không được sắt cầm hòa hợp”.
Năm 1863, bà sinh con trai đầu lòng đặt tên Thân Trọng Mậu, tuy nhiên người con chưa đầy 5 tuổi thì bị bệnh qua đời. Sau này Mai Am không sinh thêm được người con nào nữa. Đau đớn vì mất con, bà đã làm 15 bài thơ khóc con (“Khốc nhi thi – thập ngũ thủ”) về sau có đăng trong Diệu Liên thi tập bản tái bản.
Tháng 7/1885, sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn, chồng bà Thân Trọng Di mặc dù đã 60 tuổi vẫn quyết theo vua đi ra Quảng Trị. Trong một đợt tấn công của Pháp, quân của Thân Trong Di tan rã còn bản thân ông bị mất tích giữa rừng, về sau vẫn không tìm được hài cốt; phải lập mộ giả để thờ. Một lần nữa sau khi mất con, Mai Am lại viết 15 bài thơ khóc chồng, được khắc trên ngôi mộ không của ông ở xóm Đông làng Nguyệt Biều, do những người trong gia tộc họ Thân xây dựng.


Mai Am qua đời vào 3/1/1904, thọ 79 tuổi. Ngôi mộ của bà đặt tại làng Nguyệt Biều, nay là xã Thuỷ Biều, thành phố Huế. Tên Mai Am đã được đặt tên cho một con đường nằm ở Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.
Quý Khanh thông kinh sử, thi từ, nhạc phủ
Quý Khanh tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Tĩnh Hòa (1830 -1882) hiệu Huệ Phố, là con gái thứ 34 của vua Minh Mạng và là cô em út trong Tam Khanh.
Quý Khanh vốn tính dịu dàng, lại thông minh nên sớm làu thông kinh sử, thi từ, nhạc phủ… Năm Kỷ Dậu (1849), bà và hai chị theo mẹ ra ở Tiêu Viên trong phủ của anh cả Tùng Thiện Vương bên bờ sông Lợi Nông (An Cựu, Huế). Năm Canh Tuất (1850), chị Vĩnh Trinh và Trinh Thận đều kết hôn và theo chồng.
Năm Tự Đức thứ 4 (1853), Tĩnh Hòa kết hôn với Đặng Huy Cát. Nhờ cùng yêu chuộng và biết sáng tác thơ văn, nên vợ chồng bà sống rất hòa hợp.
Tháng 9/1866, cháu rể của bà là Đoàn Hữu Trưng (con rể của Tùng Thiện Vương) cầm đầu binh lính và dân phu ở công trường Vạn Niên nổi dậy và thất bại, anh bà (Tùng Thiện Vương) bị nghi có liên quan nên phủ đệ bị đóng cửa, bị canh gác nghiêm ngặt. Năm Tự Đức thú 22 (1869), bà được phong Thuận Lễ công chúa.
Bà mất ngày 5/3 năm Nhâm Ngọ (22 tháng 4 năm 1882), thụy Mỹ Thục. Vợ chồng bà có cả thảy bốn con trai, nhưng ba người đã mất sớm, còn một người tên Đặng Hữu Phổ bị án tử hình năm 1885 (còn chồng thì bị tù) sau khi bà lìa đời mới ba năm.


Nguyễn Phúc Tĩnh Hòa mất, để lại một tác phẩm duy nhất là Huệ Phố thi tập. Sáng tác này gồm bốn quyển với 216 bài thơ chữ Hán do bà viết từ năm 1845 cho đến ngày mất. Tập thơ có một bài tựa do Miên Thẩm (Tùng Thiện Vương) viết và được năm người nữa, gồm: Miên Thẩm, Phan Lương Khê (Phan Thanh Giản), Nguyễn Phương Đình (Nguyễn Văn Siêu), cùng hai em là Quân Bác và Quân Công bình điểm.
Huệ Phố thi tập chưa được khắc in, hiện chỉ là bản chép tay. Nhưng không như Nguyệt Đình thi thảo của chị đã bị thất lạc, Huệ Phố thi tập, nhờ con cháu gìn giữ trân trọng nên vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Theo Báo Đất Việt