Wednesday, September 12, 2018

DÂU TRUỒI PHÚ LỘC


Khi tiếng ve inh ỏi gọi hè cũng là lúc xứ Truồi (thuộc huyện Phú Lộc - Huế) thoang thoảng hương dâu. Nhờ hương vị ngọt ngào, thơm ngon và mát lành nên dâu Truồi Phú Lộc đã trở thành đặc sản nức tiếng trong Nam ngoài Bắc. Trong dân gian có nhiều câu hát, câu ca dao nói về dâu Truồi như:

“Ai ơi về nếm dâu Truồi
Vừa ngon vừa ngọt, ăn rồi lại ăn”


Đôi nét về xứ Truồi

Xứ Truồi thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế là tên chung để chỉ cho tổ hợp các địa danh như núi Truồi, sông Truồi, làng Truồi, hồ Truồi. Trong đó, Sông Truồi là con sông lớn thứ hai của thành phố Huế, sau sông Hương. Sông Truồi chảy từ nguồn ra biển và cung cấp nước tạo thành hồ Truồi.

Hồ Truồi là công trình thủy lợi lớn nhất ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, là nguồn nước tưới cho các xã đồng bằng ở huyện Phú Lộc và Hương Thủy. Phía đầu nguồn hồ Truồi có một ngọn núi cao, nhìn từ xa tựa như một kim tự tháp khổng lồ, người dân trong làng quen gọi là núi Truồi.

Vẻ đẹp thơ mộng của hồ Truồi (ảnh sưu tầm)
Làng Truồi trải dài hai bên sông Truồi, người dân trong làng sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi.

Xứ Truồi không chỉ có hồ Truồi, núi Truồi hay sông Truồi mà nơi đây còn nổi tiếng với một loại trái cây đặc sản đó là dâu Truồi. Nhờ phù sa bồi đắp nên dâu Truồi ở đây ra trái xum xuê, thơm ngon nức tiếng. “Tiếng lành đồn xa”, qua những lời truyền miệng dân gian, dâu Truồi Phú Lộc dần dần trở nên nổi tiếng ở khắp nơi.

Dâu Truồi Phú Lộc – Đặc sản Huế

Dâu Truồi ngon ngọt từ xưa, ai ăn một lần nhớ mãi không quên. Chẳng ai biết loại dâu này có mặt ở xứ Truồi từ đâu, khi nào và cũng không ai biết quả dâu này từng được gọi là dâu tiên. Chỉ biết khi sinh ra, trong lời ru tiếng hát của của các bà, các mẹ đã thoang thoảng hương dâu ngọt ngào.


Hằng năm cứ đến tháng 5 âm lịch là mùa dâu chín rộ. Vào mùa này, những vườn dâu trong làng đều sai cành, trĩu quả. Những cành dâu khin khít trái, trái buông xuống đeo bám quanh thân cây, quả nào cũng xanh da, tròn trĩnh.

Dâu Truồi to chỉ bằng đầu ngón tay cái của người lớn. Ấy vậy mà cái vị ngọt thanh từ múi dâu trắng đục, mọng nước, hạt dẹp khiến nhiều ăn ngấu ăn nghiến, ăn đến quên cả nhả hột. Nếu là người “sành” dâu thì sẽ biết chọn những trái dâu có chấm son. Trong một chùm dâu xanh pha sắc hồng, trái nào có chấm son thì ăn ngọt hết sẩy.

Điều đặc biệt là dâu Truồi luôn có vỏ ngoài màu xanh dù bên trong đã chín. Khi ăn, quý khách chỉ cần bóc vỏ nhẹ nhàng sẽ lộ ra phần múi dâu mọng nước. Dâu có vị ngọt thanh, mới ăn có thể thấy chua nhưng khi ngấm dần mới cảm nhận được độ ngọt của nó.


Ý nghĩa dâu Truồi Phú Lộc

Không đơn thuần như những loại trái cây khác, dâu Truồi gắn bó với người dân xứ Truồi xưa nay. Quả dâu thường được dùng làm quà để đi thăm người thân ở xa, học trò trong xứ cũng thường dùng dâu để biếu thầy cô giáo dịp hè. Ngoài ra, quả dâu còn là lễ vật cúng gia tiên của người dân xứ Truồi trong dịp tết Đoan Ngọ.

Có một điều đặc biệt nữa là nếu dịp lễ ăn hỏi của nhà trai và nhà gái trúng vào mùa dâu chín thì quả dâu sẽ được chọn làm lễ vật với ý nghĩa độc đáo. Nếu nhà trai ở làng Truồi đi hỏi vợ làng khác thì người ta mang theo lễ vật, trong đó có một khay dâu chín để biếu nhà gái nhằm mong muốn chọn được cô dâu hiền thảo.


Nếu như nhà trai ở nơi khác tới làng Truồi hỏi vợ thì nhà gái chọn những quả dâu có chấm son để mời họ hàng nhà trai với ý nghĩa là chọn những của ngon nhất để mời khách.

Bởi vậy, trong dân gian mới có câu hát:

“Năm xưa thầy mẹ bảo em
Chọn mua lấy quả dâu tiên xứ Truồi
Để nhà anh tới chịu lời”

Dâu Truồi đã đi vào đời sống tinh thần của người dân xứ Truồi như thế. Ai xa quê cũng nhớ mùi vị dâu Truồi. Dâu Truồi còn là loại trái cây có giá trị kinh tế, giúp cho người dân xứ Truồi tăng thêm thu nhập. Đến mùa dâu chín, thương lái từ khắp tìm đến rất đông.


Để tăng thu nhập cũng như phục vụ du khách gần xa, ngày nay người dân xứ Truồi đã nhân giống khắp nơi. Hi vọng trong tương lai không xa, dâu Truồi sẽ có mặt ở nhiều vùng miền trên lãnh thổ đất nước Việt Nam.

Theo: Viet Fun Travel