Sunday, June 2, 2019

PHỎNG VẤN ĐƯỜNG TĂNG

Bây giờ là sáng sớm ngày thứ Tư, hôm qua tôi post mấy bài triết lý vụn làm các bạn phải ít nhiều suy nghĩ. Hôm nay tôi post một bài có một chút suy nghĩ, có một chút giải trí theo kiểu đọc cho vui, muốn nhớ thì nhớ còn không thì thôi. Kiểu vô tội vạ , đọc chơi cho biết:


PHỎNG VẤN ĐƯỜNG TĂNG
Trong bài Tôn Ngộ Không bu tui có nói đang nợ Tử Đinh Hương một bài viết về Đường Tăng. Nhà thơ Hòn Sỏi cũng nhắc “anh đang nợ đấy”. Mới đây bác Nano Bobi gợi ý bu bàn chuyện Đường Tăng hối lộ nơi cửa Phật…Với phỏng vấn này, bu hết nợ nần năm cũ để bước sang năm mới… hihihi.
- Bạch thầy Đường Tăng
- Bần tăng đây… mà thí chủ cần gặp Đường Tăng nào?
- Thầy hỏi thế … hóa ra có nhiều Đường Tăng sao ?
- Chỉ có hai thôi, ông Đường Tăng thứ thiệt kia là sư Huyền Trang tên tục Trần Huy có bố là Trần Huệ quê ở Hà Nam. Khi vua Đường Thái Tông cấm dân chúng chu du Ấn Độ thì ông ấy vẫn liều thân sang đó 17 năm để học Phật. Sau ngày trở về ông viết sách Đại Đường Tây Vực kí. Đường tăng tui không có quê hương bản quán, được sinh ra dưới ngòi bút văn sĩ Ngô Thừa Ân ở thời nhà Minh.
- Dạ , cụ Ngô Thừa Ân thân phụ thầy viết Tây du kí, một trong Tứ đại danh tác của Tàu, con đã đọc và có vài thắc mắc…xin được hỏi thầy.
- Thắc mắc gì thí chủ cứ hỏi
- Bạch thầy, theo sử sách, khi thầy dẫn đoàn thỉnh kinh sang Tây Thiên thì đức Phật Thích ca đã nhập Niết bàn trên một ngàn năm rồi, vậy làm sao có chuyện Phật tổ tiếp thầy cùng đoàn tùy tùng ở đền Đại Hùng chùa Lôi Âm ạ.
- Hà… hà…Không những bần tăng gặp Phật Tổ mà còn được ngài phong cho chức danh Chiên đàn Công đức Phật, và phong cho Tôn Hành Giả chức danh Đấu Chiến Thắng Phật.
- Dạ, con thấy lạ …
- Bần tăng ghi nhận câu hỏi và sẽ giải thích cho thí chủ vào cuối cuộc gặp này… bây giờ thí chủ nêu tiếp thắc mắc đi.
- Bạch thầy, mới đây ở nước con có ông Giáo sư - Tổng bí thư đảng cộng sản - Nguyễn Phú Trọng tuyên bố “Đường Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh…”, chuyện ấy hư thực ra sao xin thầy cho con biết.



- Cụ Ngô Thừa Ân mô tả đoàn thỉnh kinh gặp Phật tổ cùng các ngài A Nan và Ca Diếp rất chi tiết và có phần hài hước, trào lộng, nên ông Giáo sư - Tổng bí thư nọ hiểu nhầm, quy oan bần tăng và oan cho cả nhà Phật.
- Dạ, cứ theo bút tích của nhà văn thì ngài A Nan đã hỏi thầy: “Thánh tăng từ phương đông tới đây chắc có chút lễ vật gì biếu chúng tôi chăng, mau mau đưa ra đây chúng tôi mới trao kinh cho”. Tưởng ông ấy nói giỡn chơi ai dè đến khi đổi kinh không chữ lấy kinh có chữ thì A Nan, Ca Diếp, đòi quà ráo riết, thầy “đành bảo Sa Tăng mang ra chiếc bát tộ vàng” đưa cho họ….
- Vậy thí chủ có biết Phật tổ nghỉ sao về sự kiện này không.
- Dạ, mất chiếc bát tộ vàng Hành Giả tiếc ngẩn ngơ bèn khiếu nại lên Phật tổ, ngài cười nói “…Việc hai người (A Nan, Ca Diếp) vòi lễ các ngươi ta biết cả rồi. Có điều kinh không thể trao cho một cách dễ dàng, không thể lấy không được”. Bạch thầy, thế chẳng phải nhà Phật đòi hối lộ là gì ạ.
- Thí chủ và ông Giáo sư nọ nên nhớ Tây du kí là một tiểu thuyết mang đặc điểm văn hóa phương đông, được xây dựng bằng một loạt hình tượng thấm đẫm triết lí Phật giáo, Lão giáo, đầy ắp tính ẩn dụ triết học. Muốn hiểu được Tây du kí phải giải mã những mật ngữ, chứ không thể hiểu nó theo nghĩa từ điển của từng dòng chữ được.
- Thưa thầy, tức là phải đọc Tây du kí trong và sau các hàng chữ sao.
- Hoàn toàn đúng vậy. Chiếc bát tộ vàng của vua Đại Đường đưa bần tăng là biểu tượng cho của cải, quyền lực, danh vọng, của một đế chế ở thế gian, nay phải lìa bỏ nó mới thọ lãnh được đạo giải thoát của đức Phật. Lại theo truyền thống Đạo học thì “Đạo pháp bất khinh truyền”, đấy là nội dung câu Phật tổ nói với Hành Giả “Kinh không thể trao cho một cách dễ dàng”. Quan điểm biện chứng của nhà Phật là mọi vật phải được được đổi ngang giá. Các nhà sư thọ hưởng vật chất tối thiểu để viết ra kinh thì nó phải được bù lại cái bát tộ vàng là vật ngang giá. Chính hai vị A Nan và Ca Diếp đã nói thẳng với bần tăng “Tay trắng trao kinh truyền đời người sau đến chết đói mất”.



- Bạch thầy, bây giờ con đi vào một vụ việc cụ thể… hơi có tính nhạy cảm …chỉ sợ làm thầy phật ý.
- Không sao, thí chủ cứ nói.
- Dạ, sau khi đoàn thỉnh kinh rời xứ Tây Lương Nữ Quốc thì thầy bị bị một người đẹp hóa phép cắp về núi Độc Dịch động Tỳ Bà, nàng trổ hết ngón nghề ép thầy gửi cơn mưa móc nhưng thầy như thể gang thép một mực từ chối. Đến nỗi thân phụ thầy - nhà văn Ngô Thừa Ân - phải đặt tựa đề cho hồi thứ năm mươi lăm rằng:
“Dâm tà bỡn cợt Đường Tam Tạng
Đứng đắn kiên trì chẳng hoại thân”
Nhưng cũng sự việc đó ở phim Tôn Ngộ Không của nữ đạo diễn Dương Khiết, xem ra thầy không được cứng cõi thế…Vậy có thể coi nữ đạo diễn nọ xuyên tạc hình ảnh Hòa thượng Đường Tăng không.
- Ồ! Không, hoàn toàn không, bần tăng phải nói thật, cụ Ngô Thừa Ân không hiểu đúng bần tăng trong tình huống ấy bằng mấy trường đoạn phim Tôn Ngộ Không của nữ đạo diễn Dương Khiết .
- Dạ…nghĩa là…
- Nghĩa là khi bị người đẹp ở Động Tỳ Bà dụ dỗ bần tăng không gang thép như nhà văn mô tả mà đã bắt đầu mềm nhũn ra như một người đàn ông chân chính. Phép thuật của người đẹp siêu việt đến nỗi tài nghệ như Tôn Ngộ Không đã từng làm trời sợ mà phải ôm đầu chạy về kêu đau oai oái. Không còn người bảo vệ nữa, nhan sắc ấy tự do độc chiếm bần tăng... kéo vào phòng kín… bản thân nàng séc xi một trăm phần trăm…
- Dạ, con thấy trong phim thầy có chống cự lại…
- Chống cự yếu ớt, nhất là khi người đẹp vứt cây tích trượng, lột tuốt áo cà sa, ôm chặt bần tăng vào lòng… nói thiệt, những Tây Thi, Vương Chiêu Quân có vẻ đẹp đến trầm ngư, lạc nhạn, cũng không bằng người này… May thay, vào chính lúc thiên nan vạn nan ấy Hành Giả được Mão Nhật Tinh Quân trợ lực phá cửa xông vào cứu bần tăng khỏi bị mất nguyên dương, gìn giữ được phẩm giá.
- Bạch thầy, con vô cùng cảm thông với hoàn cảnh ngàn cân treo sợ tóc của thầy trước sự dụ dỗ chết người ấy. Chỉ thất vọng về vai trò lãnh đạo toàn diện và triệt để của thầy trong quá trình đi cầu đạo…
- Thí chủ thất vọng về bần tăng lắm sao
- Dạ, hẳn thầy còn nhớ hôm ở Bạch Hổ Lĩnh thầy kiên quyết viết văn thư đuổi thẳng cánh Tôn Ngộ Không cho dù anh ta khẩn khoản xin thầy ở lại…
- Có chuyện đó, vì trong chưa đầy một canh giờ Hành Giả lần lượt giết chết ba mạng người làm bần tăng hãi hùng…Hành Giả đã khẩn thiết khẳng định ba người ấy là do yêu tinh Bạch cốt phu nhân biến hóa ra…Nhưng bần tăng lại đi nghe lời xúc xiểm xuyên tạc của Trư Bát Giới, xử oan sai Hành Giả.
- Dạ, hậu quả của việc thầy đuổi Ngộ Không như thế nào ạ
- Bần tăng đã sai lầm quá lớn, và sau đó phải chịu nổi nhục nhớ đời. Yêu tinh Hoàng Bào ở Ba Nguyệt Động đã biến người tu hành như bần tăng thành con hổ lông vàng, tống vào rọ, suýt chết đói.



- Dạ, Thầy có cảm nghỉ gì khi được Phật tổ phong danh hiệu Chiên đàn Công đức Phật.
- Bần tăng có tâm trạng áy náy về hai từ công đức… vì công lao chuyến đi chủ yếu của Tôn Ngộ Không, còn đức… than ôi, đôi khi bần tăng thất đức, luôn bênh vực Trư Bát Giới tham lam trí trá, đọc thần chú hành hạ Ngộ Không cho dù anh ta vô tội. Bần tăng thấy mình độc tài, u mê, lú lẫn, đa nghi, cao ngạo, nhu nhược… Lúc nhỏ bần tăng học thuộc Mạnh tử với lời dạy “Dân vi quý” nhưng khi lãnh đạo đoàn thỉnh kinh thì coi dân, đại diện là Tôn Hành Giả như cỏ rác.
- Dạ, xin thầy trở lại câu hỏi của con rằng Phật tổ quy tiên trên một ngàn năm mà thầy còn gặp được.
(Thầy Đường Tăng rút chiếc đồng hồ quả quýt giắt lưng coi giờ rồi nhẹ nhàng)
- Xin phép thí chủ, đã đến giờ bần tăng phải thuyết giảng Sám pháp nguyện cho chư Phật tử… Bần tăng tư vấn cho thí chủ hãy đọc kỹ mục HƯ CẤU NGHỆ THUẬT ở trang 165 sách Thuật ngữ văn học của học giả Lại Nguyên Ân…Có khi thí chủ hiểu rõ hơn chính bần tăng trả lời.
- Dạ, con ngàn lần hoan hỷ cảm ơn và xin bái biệt thầy.
Bulukhin

No comments: